Tối 12/1, tỉnh Quảng Ninh tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ 2 và Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP.Hạ Long; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Liên tiếp trong 58 năm qua kể từ khi vịnh Hạ Long được Bộ Văn hóa - Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích danh thắng cấp quốc gia vào năm 1962; được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ nhất vào năm 1994 và lần thứ hai vào năm 2000; dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành TƯ, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, gìn giữ, tôn tạo và phát huy, thực hiện đầy đủ, đúng với Công ước quốc tế về bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP.Hạ Long; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh.
20 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư nguồn lực để nghiên cứu hàng chục đề tài khoa học cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp cơ sở về các giá trị địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học động vật, thực vật; khai quật khảo cổ để làm rõ nguồn gốc lịch sử về sinh sống con người trong các hang động trên vịnh Hạ Long. Đầu tư bảo tồn các giá trị văn hóa của cư dân sinh sống trên vịnh Hạ Long và phát huy thành sản phẩm du lịch đặc sắc trên vịnh.
Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch lại và di chuyển người dân các làng chài trên vịnh lên bờ sinh sống ổn định; ban hành quyết định cấm đánh bắt hải sản bằng hình thức hủy diệt để bảo vệ gìn giữ tốt nhất môi trường cho đa dạng sinh học trên vịnh Hạ Long, hoàn thiện hệ thống hạ tầng bến cảng khách quốc gia, quốc tế, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo phục vụ tốt hơn cho du khách trong và ngoài nước.
Từ năm 2000 đến nay, vịnh Hạ Long đã đón trên 46,8 triệu lượt khách tham quan, trong đó khách quốc tế là 26,7 triệu lượt. Doanh thu từ phí thăm vịnh hằng năm đã góp phần quan trọng vào phát triển du lịch và kinh tế của tỉnh Quảng Ninh.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc gồm 3 chương (Về miền di sản, Sắc màu hội tụ và Di sản, kỳ quan bừng sáng) với hơn 550 diễn viên quần chúng tham gia.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc mở rộng địa giới hành chính không gian phát triển cho TP.Hạ Long bằng sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP.Hạ Long là quyết định có tính lịch sử và đột phá. Việc mở rộng địa giới TP.Hạ Long, chính là tỉnh Quảng Ninh đã tìm thấy chìa khóa cho phương pháp quản lý có tính tổng thể nhằm tăng cường khả năng liên kết vùng, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo vệ được môi trường và các giá trị ngoại hạng của vịnh Hạ Long một cách bài bản, tổng thể. Việc bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long sẽ được tính toán hiệu quả hơn khi đặt trong sự phát triển với các ngành, lĩnh vực liên quan.
Còn ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh thì khẳng định, một TP.Hạ Long mới trực thuộc tỉnh không những có quy mô diện tích tự nhiên và số đơn vị hành chính trực thuộc lớn nhất cả nước, mà còn sở hữu những nguồn tài nguyên thiên nhiên “có một, không hai”, tỷ lệ mặt nước, cây xanh và giá trị của sự khác biệt gắn với thương hiệu nổi tiếng vịnh Hạ Long, đa dạng sinh học, bản sắc văn hóa đặc sắc; đã mang trong mình một tầm vóc mới, mở ra vận hội, thời cơ mới để thu hút tối đa mọi nguồn lực, phát triển đột phá, nhanh, bền vững, nâng tầm vị thế trong giai đoạn mới.
Cùng với TP.Hạ Long, tại 7 đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập thuộc 5 địa phương: Hải Hà, Bình Liêu, Đầm Hà, Tiên Yên, Uông Bí, các tổ chức đảng, bộ máy chính quyền, đoàn thể được kiện toàn.
Ngay sau phần lễ các đại biểu cùng nhân dân và du khách được đón xem chương trình nghệ thuật đặc sắc với sự tham gia của các ca sĩ nổi tiếng là những người con của Quảng Ninh cùng hơn 550 diễn viên quần chúng gồm người dân TP.Hạ Long mới và các sinh viên Đại học Hạ Long. Chương trình nghệ thuật đặc sắc gồm 3 chương (Về miền di sản, Sắc màu hội tụ và Di sản, kỳ quan bừng sáng).