Dân Việt

Hôn nhân "thủy tinh" và vợ chồng “tầm gửi”

06/03/2012 11:21 GMT+7
Dân Việt - Đây là cuộc hôn nhân của “cậu bé to xác” và “công chúa mít ướt. Quen sống trong “ổ” cha mẹ dọn sẵn, cho đến khi được đặt vào cái ổ mới, cặp vợ chồng này vẫn muốn quấn quýt bên bố mẹ...

“Mẹ vợ” - thần đèn

Ngay từ lúc yêu, vợ anh Nguyễn Minh Hải (Nam Thành Công, Hà Nội) đã bộc lộ nhiều “ngây thơ” đáng yêu của một cô gái thành phố nhà con một. Sau khi cưới, sự ngây thơ biến thành ngây ngô, đáng yêu biến thành ỷ lại. Theo đề nghị sướt mướt của vợ, thay vì thuê nhà, vợ chồng anh Hải dọn đến căn hộ bố mẹ nàng mua sẵn, được trang bị đầy đủ từ điều hòa, máy giặt đến cái bát, cái tăm.

img
Ỷ lại vào cha mẹ sẽ giống như ở nhà "đi mượn"

Nhưng vợ anh không thể làm gì vì nhặt sau sợ sâu, thái thịt sợ máu, rửa bát sợ hỏng da, vỡ bát. Sau buổi liên hoan mừng nhà mới do vợ anh Hải chủ chì, chủ chi còn mẹ chủ bếp, nàng ngọt ngào đề nghị: “Nhà gần nên mình sang ăn cơm với bố mẹ cho vui”. Vậy là trừ vài bữa đi ăn hàng, liên hoan với bạn, một tháng 25 ngày vợ chồng anh Hải tá túc ở nhà vợ. Nàng cũng giao chìa khóa nhà cho mẹ để mỗi tuần ba bốn bận bà mang người giúp việc qua dọn dẹp, giặt dũ, nấu sẵn cho vài món ăn để phòng khi về muộn không kịp sang bố mẹ.

Khi nàng đau đầu cũng vội vàng điện thoại cho mẹ, cãi nhau với sếp cũng gọi mẹ. Có lần anh Hải đi nhậu về muộn, nghe vợ cằn nhằn, anh có sô đổ cái ghế. Vậy là bất chấp đã nửa đêm, nàng gọi điện cho mẹ bù lu bù loa đến nỗi mẹ vợ anh tưởng con gái bị đánh đã tức tốc kéo đến. Anh Hải chịu trận ngồi nghe cha mẹ vợ giáo dục về tư cách đàn ông, vai trò làm chồng.

Mỗi lần anh góp ý với vợ nên tự lực cánh sinh thì lại nghe nàng sướt mướt vì không thương vợ, không hiểu cho vợ. Lúc vợ anh có thai, lấy lý do cần chăm sóc, vợ anh yêu cầu chuyển về ở hẳn với bố mẹ. Mẹ vợ anh thuê hẳn 2 ô sinh để chăm sóc. Còn vợ anh chỉ mỗi việc ăn và nằm dài trên ghế để dưỡng thai. Sinh xong, nàng hòan tòan việc chăm sóc con cho bà ngoại. Ngại thức đêm để cho con bú nên nàng yêu cầu mẹ cho con uống sữa ngoài, quen nết nên mới 3 tháng, con bỏ luôn sữa mẹ.

“Nghe bạn bè kể về những tất bật, bận rộn khi cưới nhau mà tôi thấy thèm. Vợ tôi như cây cảnh còn tôi như khách lạ. Làm gì cũng thấy vô duyên, thừa thãi. Nhưng hễ tôi ngỏ ý muốn ở riêng, vợ tôi lại bù lu bù loa không biết thương vợ con, không quý mến bố mẹ vợ” – Anh Hải phân trần.

Khi “mẹ anh bảo”

Không phải là con một, nhưng anh Khôi, chồng Mai Huệ (Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) là con út ít, cách xa chị cả tới 17 tuổi, vì thế, cả nhà đều xúm vào chiều chuộng. Về hưu rồi mới có đứa con nhỏ vui cửa vui nhà nên bà mẹ càng ra sức chăm bẵm, cưng nựng.

Từ bé đến lớn, có chuyện gì anh Khôi đều báo cáo mẹ. Hồi yêu nhau, Huệ cũng cảm thấy không ổn lắm khi thấy câu cửa miệng của người yêu là “mẹ anh bảo”, nhưng yêu nhau quá nên cô cũng bỏ qua. Vài lần đến nhà, thấy mẹ anh có vẻ ne nét, quan tâm chi tiết đến cuộc sống riêng tư của hai người, Huệ lại tưởng rằng mẹ chồng nào cũng khó tính vậy.

Không ít người vợ (chồng) dựa dẫm quá nhiều vào bố mẹ, khi hôn nhân xuất hiện xung đột họ không hề trao đổi với bạn đời mà tìm kiếm sự chi viện, ủng hộ, giúp đỡ và chỉ thị của bố mẹ. Dần dần, người bạn đời sẽ cảm thấy bị cô lập, đơn độc, không cảm thấy đó là gia đình của mình, tổ ấm tức khắc sẽ tan rã.

Chỉ sau đám cưới một ngày, Huệ đã dở khóc dở cười vì người chồng vẫn còn thích “ấp hơi mẹ”. Mặc dù hai vợ chồng ở riêng nhưng điện thoại của chồng cô “nóng” suốt ngày. Số gọi đi cũng hầu hết cho mẹ. Từ việc nấu nướng, bài trí đồ đạc trong nhà đến tắm giặt cá nhân, chồng cô đều dẫn lời mẹ và yêu cầu vợ làm “như mẹ”.

Nếu cô không đồng tình thì lập tức chồng cô gọi điện cho mẹ để “hỏi cho rõ” và đề nghị vợ nói chuyện với mẹ chồng để thống nhất lại. Mỗi ngày chồng cô phải về “vấn an” mẹ một lần. Buổi tối cô muốn rủ chồng đi xem phim hay đi dạo phố đều phải “đặt lịch” và đợi chồng gọi điện báo cáo mẹ. Cuộc điện thoại luôn dài quá 15 phút vì mẹ chồng sẽ dặn dò đi đường cẩn thận, trời lạnh mặc thêm áo…

Nhận món quà mùng 8.3 từ tay chồng, Huệ chưa kịp vui đã vội sững sờ: món quà là chiếc nồi hầm. Chồng cô hồ hởi: “Mẹ bảo mua tặng em cái này để hầm gà cho nhanh”. Và người thích món gà hầm chính là chồng cô. Vợ chồng cãi nhau, chồng cô chẳng nghe lời vợ nói mà điện thoại về cho mẹ để “mẹ phân xử”.

“Cho dù sống riêng nhưng lúc nào tôi cũng thấy hình bóng mẹ chồng “án ngữ” trong nhà. Gian nhà bài trí, màu sắc giống y như nhà mẹ chồng tôi. Món ăn tôi nấu cũng mang “hương vị” mẹ chồng. Chồng tôi cũng là “đứa con của mẹ”. Thậm chí, trên giường ngủ, tôi cũng luôn tự hỏi liệu chồng tôi có theo lời “mẹ bảo” hay không” – Huệ ngao ngán.

Hôn nhân là một nỗ lực không ngừng giữa hai vợ chồng để cùng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Chia sẻ công việc, giúp đỡ khó khăn, hàn huyên tâm sự là cách để hai vợ chồng tìm sự gắn kết và hòa hợp. Người vợ mong tìm ở chồng chỗ dựa vững chắc về tinh thần, vật chất, một người bạn đồng hành có thể tin tưởng được. Còn người chồng hy vọng vợ sẽ là người tạo hơi ấm trong gia đình, cùng nhau chăm sóc và tạo dựng tổ ấm.

Tuy nhiên, không ít người vợ (chồng) dựa dẫm quá nhiều vào bố mẹ, khi hôn nhân xuất hiện xung đột họ không hề trao đổi với bạn đời mà tìm kiếm sự chi viện, ủng hộ, giúp đỡ và chỉ thị của bố mẹ. Sẽ chẳng người vợ nào vui khi gia đình bị “xâm chiếm” bởi quan điểm của mẹ chồng. Càng chẳng người chồng nào hạnh phúc nếu vợ chỉ để làm cảnh, sống dựa vào bố mẹ. Mọi bí mật, riêng tư của hai vợ chồng đều bị mang ra bàn bạc và can thiệp.