Bí quá… làm liều
Mùa tuyển sinh năm nay Bộ GDĐT không giao chỉ tiêu tuyển sinh mà để các trường tự xác định dựa trên diện tích sàn xây dựng và số lượng giảng viên cơ hữu/sinh viên, Bộ chỉ làm công tác kiểm tra và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, bất chấp quy định, rất nhiều trường vẫn cố tình vượt chỉ tiêu.
Học sinh lớp 12 đang ôn luyện để bước vào kỳ thi ĐH-CĐ 2012. |
Cụ thể, trong tổng số 133 trường đã gửi đăng ký có đến 55 trường ĐH và 39 trường CĐ đăng ký vượt chỉ tiêu. Con số này rơi nhiều vào khối trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Điển hình như Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội năm 2009 tuyển vượt 43,6%, năm 2010 tuyển vượt 32,4% và năm 2011 tuyển vượt 24,3%; Trường CĐ Bách Việt năm 2010 tuyển vượt 16%, năm 2009 vượt 34,93%...
Điều đáng nói là các trường vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh, trong khi cơ sở vật chất còn “chưa đâu vào đâu”. Trường ĐH Hoà Bình là một ví dụ, trong khi đang triển khai giải phóng mặt bằng tại địa điểm đăng ký thì xảy ra việc sáp nhập vào TP. Hà Nội. Phải mất 2 năm (2008 - 2010) Thủ tướng mới đồng ý cho tiếp tục triển khai dự án tại địa điểm này và đã mất gần 2 năm nữa (từ 2010 đến nay) trường cũng chưa nhận được quyết định của TP.Hà Nội cho phép tiếp tục giải phóng mặt bằng tại đây.
Vì chưa có mặt bằng nên trường vẫn phải đi thuê địa điểm và không đủ điều kiện tuyển sinh. GS - TSKH Đặng Ứng Vận - Trường ĐH Hoà Bình bày tỏ: “Vì trường đã đi vào hoạt động nên phải tuyển sinh và phải đăng ký vượt chỉ tiêu, thậm chí chấp nhận phạt để xét thừa chỉ tiêu nhằm đề phòng việc không tuyển đủ”.
Còn theo ông Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh: “Chế tài xử lý vi phạm trong tuyển sinh của Bộ chưa đủ mạnh dẫn đến tình trạng các trường chấp nhận phạt để tuyển vượt chỉ tiêu”.
Vẫn lo không tuyển đủ
Nhìn từ góc độ chuyên gia, GS Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các Trường ĐH, CĐ ngoài công lập phân tích: “Tôi không chắc những cải tiến của Bộ có thể giải quyết được vấn đề tuyển sinh. Năm nay còn khó xác định hơn vì quy định xét tuyển về thủ tục và thời gian được nới rộng. Thứ 2 là sự không cân đối giữa nguồn tuyển của các khối. Ví dụ khối B rất thừa nguồn tuyển nhưng khối A vẫn thiếu dẫn tới thí sinh khối B dù đạt trên điểm sàn vẫn không có cơ hội học ĐH”.
Đồng tình với nhận định này, GS - TSKH Hoàng Trọng Yêm - Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh cho biết: “Bộ GDĐT phải minh bạch hoá trong việc xác định nguồn tuyển. Bộ phải cho biết tổng số nguồn xét tuyển còn lại cụ thể là bao nhiêu (thí sinh được điểm trên sàn nhưng không trúng tuyển NV1- PV), mọi năm Bộ cứ nói còn nhiều nhưng trong đó có rất nhiều thí sinh ảo, thí sinh không xác định có nộp hồ sơ xét tuyển hay không. Khi Bộ công bố được cụ thể nguồn đó rồi thì việc các trường không tuyển sinh được là hoàn toàn lỗi trường năng lực kém”.
Để thu hút học sinh, nhiều trường ĐH ngoài công lập đã có những chiến lược tiếp cận thí sinh. Ông Bùi Thiện Dụ - Hiệu trưởng ĐH Dân lập Phương Đông cho biết: “Năm nay trường tuyển 2.400 chỉ tiêu chính quy, về giấy chứng nhận điểm ai nộp bản gốc nhận bản gốc, ai nộp bản sao nhận bản sao. Tôi kịch liệt phản đối quy định phải nhận hồ sơ xét tuyển qua bưu điện, cần tạo cơ hội cho các em nộp hồ sơ theo nhiều cách, kể cả cách trực tiếp để các em tiếp cận được với các trường”. Tuy nhiên cũng theo ông Dụ, việc tuyển đủ hay không vẫn không thể nói chắc chắn được.
Tùng Anh