Dân Việt

Điều tưởng rất có lý

03/03/2012 23:06 GMT+7
(Dân Việt) - Theo quy định tại Thông tư 57, một trong những tiêu chí để các trường đại học, cao đẳng đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh là số lượng sinh viên trên giảng viên.

Điều 5, tiêu chí 1 của thông tư quy định số sinh viên chính quy/giảng viên quy đổi là 25 người học cho bậc đại học và 30 người học cho bậc cao đẳng.

Con số mà Thông tư 57 quy định thật quá lý tưởng. Nhưng điều tưởng là có lý này lại rất vô lý. Bởi vì, tính đến cuối năm 2011, tổng số giảng viên đại học, cao đẳng là 74.573 người. Nếu chiếu theo tiêu chí số lượng sinh viên/giảng viên của Thông tư 57 (tính chung cho đại học và cao đẳng) thì số người học tối đa là 2.013.471 người.

Nhưng theo số liệu của Bộ GDĐT, tổng số sinh viên của hai bậc học hiện có là 1.976.028 người. Như vậy, năm 2012, để bảo đảm tiêu chí sinh viên/giảng viên, cả nước chỉ tuyển thêm được 37.443 sinh viên mà thôi. Và với tình trạng thiếu giảng viên trầm trọng hiện nay, trong năm tới, số sinh viên được tuyển sẽ thấp hơn rất nhiều.

Quy định của thông tư là vậy nhưng thực tế ra sao? Đó là chẳng ai quan tâm đến con số 25 sinh viên/giảng viên mà tiêu chí đưa ra. Các trường lo tuyển sinh viên càng nhiều càng tốt, con số sinh viên/giảng viên thực tế vượt xa so với quy định. Nếu làm đúng theo tiêu chí, chỉ còn cách là cho sinh viên tạm nghỉ học, chờ đào tạo đủ giảng viên, sau đó cho sinh viên đi học tiếp.

Một bất hợp lý khác là quy định mỗi lớp chỉ được 20 sinh viên với giảng viên là cử nhân, 37,5 sinh viên với giảng viên là tiến sĩ. Nước mình có 10,63% giảng viên đại học, cao đẳng là tiến sĩ, cho nên chủ yếu vẫn là cử nhân dạy cử nhân, mỗi lớp chỉ được 20 sinh viên.

Theo tiêu chí này, thu học phí như thế nào để trả lương cho giảng viên, thu cao thì sinh viên không đóng nổi, thấp thì không đủ tiền trả lương cho thầy. Chưa kể, với chừng đó giảng viên thì lấy đâu ra giờ để dạy cho sinh viên nếu như một lớp chỉ 20 sinh viên? Cho nên trên thực tế chẳng có trường nào chấp hành, mỗi trường phải tự xoay xở cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Một lớp có 40 – 50 sinh viên học là chuyện bình thường.

Quy định đặt ra phải đồng hành với cuộc sống, phù hợp với thực tiễn. Nếu như quy định của pháp luật được ban hành, lại bị chính đời sống loại trừ thì quy định đó chỉ là đống giấy vụn vô hồn. Cái uy của pháp luật và cơ quan ban hành quy định đó bị mất, pháp luật bị khinh nhờn. Hậu quả của nó là không quản lý hiệu quả, càng ngày càng lộn xộn. Bức tranh của tuyển sinh đại học, cao đẳng VN hằng năm và chất lượng giáo dục đại học VN chứng minh hùng hồn cho chất lượng quản lý của chính ngành này.n