Dân Việt

Bỏ điện ảnh lên cao nguyên trồng hoa

04/03/2012 07:55 GMT+7
(Dân Việt) - Đã bước qua cái tuổi “tri thiên mệnh” (51 tuổi), từng có thời lăn lộn với ngành phim ảnh trên đất Hà Thành, nhưng anh đã rũ bỏ tất cả để quay về làm... nông dân trồng rau, hoa ở Mộc Châu (Sơn La).

Đó là câu chuyện về gã doanh nhân kỳ quặc Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Công ty cổ phần Hoa cảnh Cao Nguyên.

Nghiệp làm nông dân ngấm vào máu

Để đến khu vườn sản xuất rau, hoa của Giám đốc Tuấn vừa khó, mà lại không khó. Khó vì, vườn rau, hoa của anh nằm tít trên một quả đồi heo hút gió sương ở bản Áng, xã Đồng Sang, huyện Mộc Châu. Còn không khó, vì sự nổi tiếng của anh đã lan ra khắp vùng với biệt danh Tuấn “hoa lan”.

img
Anh Tuấn đang chăm sóc vườn lan.

Ngày nào trang trại của anh cũng đón vài đoàn khách lớn nhỏ tới tham quan, học hỏi. Trang trại rộng hơn 20.000m2, cũng là nơi mà anh làm việc hàng ngày ở đó. Mới gặp anh, chúng tôi cũng không thể ngờ, người có giọng nói nhỏ nhẹ, trắng trẻo ấy cũng chính là một nông dân, một doanh nhân với cái nghề chuyên trồng hoa lan cảnh và dâu tây.

Vốn quê ở Liên Phương, huyện Thường Tín (Hà Nội), anh học và tốt nghiệp ngành Phổ biến phim ở Trường Sân khấu- Điện ảnh. Ra trường, anh lang thang khắp nơi để theo cái nghiệp mà mình đã chọn, cũng chính những chuỗi ngày như thế đã khiến anh bị “ngấm” cái máu làm nông nghiệp lúc nào chẳng hay. Anh kể: “Do đặc thù của ngành phim ảnh, mình từng đi rất nhiều nơi, trong đó đã từng nhiều lần đến Đà Lạt, thấy mọi người trồng rau, rồi hoa rất hay, có thể thu tiền tỷ. Khí hậu ở Mộc Châu cũng tựa như ở Đà Lạt, cứ thế là mình lao vào làm”.

Sau một thời gian “ủ mưu”, năm 2007, anh bắt đầu quay lại Mộc Châu để tìm kiếm đất đai làm trang trại trồng thí nghiệm lan rừng ở Tiểu khu 5. “Lúc đầu, khi mới nghe nói mình lên Mộc Châu tìm đất trồng hoa, từ gia đình cho đến đồng nghiệp ai cũng ngỡ ngàng, bảo cái ngữ như mình từ bé đến lớn, chân chưa từng lấm bùn, tay chưa một ngày động đến cái cày, cái cuốc thì làm nông nghiệp cái nỗi gì” - anh kể.

Bỏ qua những lời “can gián”, anh vẫn quyết định dồn sức, dồn tiền để xây dựng mấy khu nhà lưới chuyên trồng lan cảnh, rồi lan rừng. Để có thêm kiến thức về nông nghiệp, anh khoác ba lô đi Đà Lạt không biết bao nhiêu lần học cách trồng hoa, rồi lại lộn về Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội để “tầm sư” học kỹ thuật nông nghiệp.

Giám đốc “kiêm” nông dân

Nói là làm nông dân, nhưng khi chúng tôi gặp anh, lúc nào cũng thấy anh “sơ mi trắng, cổ cồn”, chân đi giày đen bóng loáng, nhưng trên tay không lúc nào thiếu chiếc kéo. “Làm cái nghề trồng hoa này, tưởng nhàn nhưng vất vả lắm, ngày nào mình cũng phải cắt tỉa từng cành hoa một, rồi xem chế độ nước tưới, dinh dưỡng cho cây thế nào”- anh Tuấn nói. Trồng lan đòi hỏi phải kiên trì, trung bình mỗi gốc lan rừng cả thời gian trồng và chăm sóc, phải mất 3-4 năm, có khi 10 năm mới được khai thác.

Làm ăn “lặt vặt” mãi, thấy không ăn thua, đến năm 2009, anh Tuấn đã “nâng cấp” trang trại của mình lên thành Công ty cổ phần Hoa cảnh Cao Nguyên do chính anh làm Giám đốc, còn chị gái anh là bà Nguyễn Thị Nguyệt làm Phó Giám đốc. Hiện công ty của anh có 30 nhân công làm nghề trồng hoa và cây cảnh. Tiếng là giám đốc nhưng mọi việc nhất là kỹ thuật vẫn phải do anh làm, từ việc cắt tỉa cành hoa, cho đến việc phụ trách kỹ thuật tưới nước sao cho hợp lý (vì anh đều áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt công nghệ cao).

Cho đến nay, cả công ty của anh đã có 7.000 chậu lan các loại với muôn sắc màu hoa lan như: Hoàng thảo, giáng hương, kim tuyến.Từ khi lập nghiệp trên đất Mộc Châu đến nay, anh Tuấn đã đổ tiền đầu tư vào đây ngót nghét gần 10 tỷ đồng. Bà Nguyệt nói: “Ban đầu, cả nhà cũng sốt ruột lắm, vì đầu tư mãi mà chẳng thu được sản phẩm, tiền cứ lần lượt “đội nón” vào trang trại, mà thu không thấy đâu”.

Nhưng mọi sự đã thay đổi kể từ khi Tuấn mở công ty. Do sản phẩm chất lượng, cộng với sự quảng bá tốt, nên tiêu thụ rất nhanh, trung bình mỗi chậu lan cảnh anh bán được 300.000-500.000 đồng, thậm chí có cây như lan “cụ” giá còn tới 20-30 triệu đồng/cây. Nhờ đó, như năm 2010, công ty anh đã thu về hơn 600 triệu đồng, đến năm 2011 đạt gần 1 tỷ đồng từ tiền bán lan, dâu tây và các sản phẩm khác.

Mê dâu tây

Sau khoảng 3 năm chuyên làm hoa lan, anh Tuấn đã bắt tay vào trồng dâu tây, một loại cây cho siêu lợi nhuận. Theo anh Tuấn, trồng dâu tây khó nhất là khâu nhân giống, dù đã thử nghiệm nhân giống nhiều lần nhưng không được, mãi đến năm 2010, anh mới nhân thành công giống dâu tây của Nhật và anh bắt đầu quy hoạch các khu trồng dâu của mình với diện tích 3.000m2.

Anh Tuấn vừa nhận được lời mời từ chuỗi siêu thị Highway (Hà Nội) để đưa sản phẩm của mình vào đó. Giám đốc Tuấn cho biết đã nhận lời mời và tháng 4 tới đây, sẽ chính thức đưa sản phẩm là hoa lan xuống các siêu thị của Highway.

“Dâu tây rất được giá, trung bình mỗi kg có giá 150.000-200.000 đồng, còn không có mà bán” - anh Tuấn thổ lộ. Hiện thị trường tiêu thụ dâu tây của anh chủ yếu vẫn ở Mộc Châu, sắp tới vị giám đốc này còn dự định sẽ mở rộng thị trường xuống Hà Nội, nhưng anh vẫn lo không có đủ nguyên liệu để bán. Chỉ riêng tiền bán dâu tây của công ty của anh thu về được 60-100 triệu đồng.

Tuy vậy, để làm ra một sản phẩm dâu tây không dễ dàng chút nào. Anh Tuấn tâm sự: “Cây dâu rất nhạy cảm, nhất là thời tiết, chỉ cần mưa to một chút, sẽ làm hỏng cây, giập quả, hơn nữa chu kỳ khai thác dâu tây cũng rất ngắn, chỉ được 4-5 tháng, mà chi phí đầu tư lại cao, như mỗi 1.000m2 nhà lưới, phải đầu tư hết 140-150 triệu đồng”. Chưa dừng lại ở đó, anh Tuấn còn có tham vọng sẽ mở rộng vườn dâu tây của mình vì theo anh, thị trường tiêu thụ dâu tây rất thuận lợi.