Ferguson nói chỉ biết trú ẩn và cầu mong không có chuyện gì tồi tệ xảy ra.
“Tôi nắm chặt tay vào khẩu súng, cúi đầu xuống và cố gắng tìm điều gì đó vui vẻ nhất, nên tôi bắt đầu nghĩ về việc hát cho con gái nghe”, trung sĩ Ferguson nói. “Tôi chỉ biết chờ đợi. Hi vọng chuyện gì xảy ra thì nó cũng trôi qua nhanh. Tôi đã 100% sẵn sàng để chết”.
Ferguson không hề hấn gì cùng với các đồng đội khác và nhân viên dân sự ở căn cứ al-Asad, sau loạt “mưa tên lửa đạn đạo” Iran nã vào mục tiêu hôm 8.1
Đây là vụ tấn công quy mô lớn nhất vào căn cứ có binh sĩ Mỹ đồn trú trong hàng thập kỷ.
Căn cứ al-Asad hoàn toàn không có các hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo. Các binh sĩ Mỹ nhận được cảnh báo từ vài giờ trước nên chủ động đi trú ẩn. Phần còn lại phụ thuộc vào tên lửa đạn đạo Iran đánh trúng vào đâu và sức công phá lớn đến mức nào.
Những căn nhà là nơi lính Mỹ sinh hoạt vẫn còn nguyên vẹn sau đợt tấn công của Iran.
Gần sân bay ở căn cứ, hai binh sĩ Mỹ đánh giá lỗ hổng lớn do tên lửa Iran để lại. Lỗ hổng này sâu 2 mét và rộng 3 mét. Theo CNN, kể từ khi tên lửa đầu tiên của Iran rơi xuống căn cứ, các binh sĩ Mỹ đã trú ẩn trong hầm từ 2 giờ trước đó.
10 tên lửa đạn đạo Iran có hệ thống dẫn đường chủ động, đánh trúng nhiều căn nhà, nhà chứa máy bay của Mỹ. CNN là kênh truyền thông được tiếp cận căn cứ đầu tiên trong vụ tấn công.
Theo CNN, không phải tất cả binh sĩ Mỹ đều xuống hầm trú ẩn. Những người gác trên tháp canh, điều khiển máy bay không người lái thì vẫn phải ở trên mặt đất, đề phòng có kẻ tấn công bằng đường bộ.
Thực tế là không có mối nguy hiểm nào trên mặt đất và các binh sĩ Mỹ chỉ ra khỏi hầm trú ẩn khi trời sáng. Đợt nã tên lửa kết thúc ngay trước 4 giờ sáng.
Một dãy nhà bị phá hủy bởi tên lửa đạn đạo Iran.
Thủ tướng Iraq Adil Abdul Mahdi nói nhận được tin báo từ Iran và sau đó chuyển lại cho Mỹ. Nhưng Mỹ nói đã có thông tin về khả năng Iran sắp phóng tên lửa, trước khi Iraq thông báo.
Căn cứ al-Asad thực tế được xây dựng từ thời Saddam Hussein, trong giai đoạn chiến tranh Iran-Iraq năm 1980-1988. Binh sĩ Mỹ trốn trong hầm trú ẩn thời Saddam Hussein không chắc căn hầm chống được tên lửa đạn đạo hay không, nhưng ít ra vẫn còn tốt hơn những căn hầm của Mỹ, vốn chỉ được thiết kế để chặn các mảnh đạn pháo và súng cối.
Mỹ không lường trước về mối đe dọa tên lửa đạn đạo, do khủng bố hay dân quân Iraq thân Iran không sở hữu loại vũ khí phức tạp này. Tên lửa đạn đạo Iran bay xa hơn 500km, mang theo nửa tấn thuốc nổ là một mối đe dọa lớn hơn nhiều.
Căn hầm từ thời Saddam Hussein kiên cố hơn những căn hầm Mỹ xây dựng sau này.
Các binh sĩ Mỹ trốn trong hầm phải dọn một căn phòng riêng để làm phòng vệ sinh tạm thời. Bình nhựa được cắt đôi để đựng nước tiểu.
Trung tá Staci Coleman là một trong những sĩ quan chỉ huy cùng binh sĩ xuống hầm. Sau khoảng 1 giờ 30 phút, Coleman nghĩ rằng cảnh báo không chính xác.
“Tôi ngồi trong hầm và nghĩ rằng xuống đây có lẽ là sai lầm”, Coleman, nói. “10 phút sau, những tiếng ầm ầm vang trời”.
“Cả mặt đất rung chuyển. Tiếng nổ rất lớn. Ngồi trong hầm nhưng cũng cảm giác được sức công phá. Tên lửa rơi rất gần trúng tôi”, Coleman nói. Không một căn hầm nào ở căn cứ al-Asad bị hư hại sau vụ tấn công của Iran.
Sau đợt 4-5 tên lửa đầu tiên, một số binh sĩ Mỹ lên mặt đất kiểm tra xem những người ở trên có hề hấn gì không. Và đó là khi đợt tên lửa thứ hai nã xuống căn cứ.
Ferguson đã nghĩ đến những điều tồi tệ nhất.
Ferguson chia sẻ: “Sau 2 đợt tên lửa, tôi thực sự lo lắng cho họ nên cũng ra ngoài, sẵn sàng đối mặt với các đợt tấn công nữa. Nhưng không có đợt tấn công thứ 3 bằng tên lửa.
“Lúc đó chúng tôi cảm thấy thật mệt mỏi, kiệt sức. Mọi người đều nhìn vào mắt nhau, như thể hỏi rằng ‘anh ổn chứ’’?, Ferguson nói.
Sự kiện xảy ra ở căn cứ al-Asad cho thấy không phải ở bất cứ nơi nào, binh sĩ Mỹ cũng được trang bị những vũ khí tối tân nhất.
“Chúng tôi nhìn nhau và nghĩ: Biết chạy đi đâu được? Hi vọng không có ai phải trải qua nỗi sợ như vậy”, Ferguson chia sẻ.
Lực lượng tình báo trước các đợt nã tên lửa của Iran đã tạo ra một buổi chiều đầy căng thẳng trong phòng Tình huống...