Dân Việt

Chuyện đặc biệt về đội đặc nhiệm "chống"... ăn xin

Đỗ Quân - Hà Trang 14/01/2020 18:03 GMT+7
Nhiều người trong tổ đặc nhiệm này từng phải thực hiện chống phơi nhiễm HIV, còn chuyện bị các đối tượng xã hội đen đánh thương tích, bầm tím người nhằm giải thoát cho người ăn xin... thì thường xuyên như “cơm bữa”.

Chuyện đặc biệt về đội đặc nhiệm "chống"... ăn xin

Nhiều năm gắn bó với công việc “giải cứu” những người ăn xin trên địa bàn Hà Nội, anh Nguyễn Văn Hải (Đội trưởng Đội trật tự XH 1, Đông Anh, Hà Nội) chua xót thừa nhận, ăn xin bây giờ là một nghề.

img

Đứng đằng sau những nhóm người ăn xin bao giờ cũng có các tổ chức chăn dắt chuyên nghiệp. Hàng ngày, ngoài những người bán hàng rong, ăn xin đứng tại các ngã tư đường “giả nghèo, kể khổ” xin tiền, luôn có những đối tượng làm nhiệm vụ cảnh giới, tránh sự truy quét của lực lượng chức năng.

Bí quyết là phải lỳ đòn và... chai mặt

Đánh vào lòng tốt, muốn giúp đỡ những trường hợp khó khăn của cộng đồng, trong một ngày, một người nửa ăn xin nửa bán hàng rong ở Hà Nội có thể thu về từ 1-2 triệu tiền hàng. Người cầm đầu đường dây chăn dắt có thể thu được số tiền lớn mỗi tháng. Chính vì thu nhập siêu lợi nhuận nên các đối tượng này luôn có những chiêu thức tinh vi và sẵn sàng chống trả quyết liệt để tránh sự truy quét của lực lượng chức năng.

img

Các đối tượng bảo kê thường rất ít ra mặt mà thường thuê xe ôm, dân xã hội đen theo dõi những đối tượng ăn xin trong đường dây.

“Các đối tượng bảo kê thường rất ít ra mặt mà thường thuê xe ôm, dân xã hội đen, người nghiện… đe dọa, cản trở mỗi khi chúng tôi tập trung, thu gom người ăn xin về trung tâm”, anh Hải nói.

Có lần chúng giả danh là người dân, la hét nằm ăn vạ chặn đầu xe giữa đường. Có lần, các đối tượng không ngần ngại mang hung khí đe dọa, thách thức các cán bộ.

Anh Hải nhớ nhất là vào năm 2016, khi đang đưa 2 người ăn xin (1 già, 1 trẻ) tại khu vực Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) về trung tâm, đến đoạn đê vắng thuộc khu vực Đông Anh (Hà Nội), bất ngờ xuất hiện một nhóm người đàn ông xăm trổ, đi xe máy tạt đầu, liên tục buông lời thách thức. “Chúng mày thả người tao ra. Tao thách chúng mày mang được người của tao về đấy”. 

Trong khi các cán bộ của Đội trật tự XH chưa kịp phản ứng gì thì một người đàn ông đầu trọc, sấn sổ lao tới, đạp cửa ô tô, dí chiếc tua vít sắc nhọn vào cổ người lái xe của trung tâm đe dọa. Lợi dụng điều đó, các đối tượng còn lại nhanh chân  đưa người ăn xin lên xe máy tẩu thoát.

Người của Trung tâm không được dùng vũ lực mà chỉ được phép tuyên truyền, giải thích và gọi lực lượng công an đến hỗ trợ. Chính vì thế, lần đó anh Hải và các thành viên trong đội đành bất lực đứng nhìn nhóm người này mang... nạn nhân đi.

img

“Khi mới vào nghề, gặp những đối tượng bảo kê như thế thì cũng có chút sợ và chột dạ nhưng lâu dần cũng quen. Làm nghề này nếu không “lỳ đòn” và “chai mặt” thì không thể trụ được”, anh Hải chua xót thừa nhận.

Đội Trật tự XH – Trung tâm bảo trợ XH Đông Anh có 13 người thì 3 người từng phải thực hiện phơi nhiễm HIV, chuyện bị đánh thương tích, bầm tím người thì thường xuyên như “cơm bữa”.

 “Khoảng thời gian phải chờ đợi những tấm phiếu kết quả xét nghiệm như dài cả thế kỷ. Những lúc ấy, mệt mỏi, stress và căng thẳng tột độ. Chỉ đến khi giấy báo về âm tính với HIV thì mới thở phào nhẹ nhõm”, anh Hải chia sẻ.

Một người ăn xin bị tập trung trong trung tâm đồng nghĩa với việc không thể bán hàng rong, kiếm tiền nên các đối tượng chăn dắt, luôn “cố sống, cố chết” đòi đưa người ra bằng được. Không ít lần, chúng liều mình chèo cổng vào trung tâm gây rối, hành hung các cán bộ.

Thậm chí, nhóm bảo kê trong các đường dây ăn xin còn phân công người hàng ngày sang khu vực trung tâm để theo dõi hoạt động xe ô tô, chỉ cần thấy xe ô tô đi ra khỏi cổng là bám theo. Nếu thấy xe của trung tâm đi đến khu vực nào, các đối tượng sẽ lập tức gọi điện thông báo cho đồng bọn ở đó tẩu thoát.

img

Với những trường hợp này, anh Hải cho biết các cán bộ tại đây phải có “kỹ năng”, nghiệp vụ riêng để xử lý. Thường các anh đi tuần tra bằng xe máy, đôi khi đánh lạc hướng bằng cách điều xe ô tô đến địa bàn này nhưng lại cử người bí mật đi đến các địa điểm khác để theo dõi, tập trung người ăn xin về trung tâm.

“Có lần không đòi được người, nhóm bảo kê vác cả dao tấn công vào trung tâm đe dọa, chửi bới. Chúng khủng bố tinh thần bằng cách gọi điện, nháy máy vào điện thoại liên tục, “bẩn” nhất là mang người thân của chúng tôi ra thách thức, đe dọa”, anh Hải kể.

Hạnh phúc là giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, khó khăn

Đội trật tự Xã hội (Trung tâm Bảo trợ Xã hội, Đông Anh, Hà Nội) được thành lập để thu gom ăn xin trên địa bàn 14 quận huyện được phân công. Nhân lực mỏng, địa bàn quản lý lại rộng nên các cán bộ ở đây làm việc gần như không có ngày nghỉ, thay nhau túc trực cả ngày lẫn đêm. Một cán bộ một ngày có thể phải di chuyển, bám địa bàn với quãng đường trên dưới 200 km, chủ yếu là đi xe máy.

Dù đối mặt với không ít khó khăn và nguy hiểm nhưng anh Hải cho biết, hạnh phúc nhất với những cán bộ như anh là được giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, bất hạnh.

img

Anh Nguyễn Văn Hải (Đội trưởng Đội Trật tự xã hội số 1, Đông Anh, Hà Nội).

“Không phải ai cũng muốn đi ăn xin, có những người vì hoàn cảnh, người thì vì bị ép buộc phải đi, trong đó đáng thương nhất là những người già, trẻ nhỏ. Tôi vẫn nhớ như in cách đây 3-4 năm, khi xe của Trung tâm bảo trợ XH 1 đến khu vực Quán Sứ, một cụ già khoảng 70 tuổi, trên tay cầm giỏ kẹo cao su, thất thểu tiến lại chúng tôi, nói như sắp khóc: “Tôi chờ các chú lâu lắm rồi, các chú cho tôi đi với, cho tôi về trung tâm. Tôi không còn ai thân thích”… Năm ấy, cụ già đã có một cái Tết ấm cúng và lần đầu tiên được đón giao thừa đúng nghĩa mà không phải lăn lộn hay lo cái ăn, cái mặc ngoài đường.”, anh Hải chia sẻ.

Là thành viên trẻ tuổi nhất và cũng là “bóng hồng” hiếm hoi trong Đội Trật tự XH, Lê Thúy An (sinh năm 1995, quê Ba Vì, Hà Nội) có thâm niên gắn bó 2 năm trong nghề. An kể thời gian đầu khi mới đi làm, công việc vất vả hơn nhiều so với hình dung của cô. “Có những ngày em chạy xe máy ròng rã cả trăm km, đi hết địa bàn này đến địa bàn khác. Trời mát mẻ còn đỡ những hôm nắng nóng, hay gió mùa, mưa rét thì vô cùng vất vả”, An tâm sự.

Các đối tượng chăn dắt ăn xin hoạt động rất tinh vi và luôn có các lớp lang bảo vệ bọc lót kỹ càng, vì thế để đối phó không phải đơn giản. Trước khi đưa người về trung tâm, các cán bộ như An phải quay phim, chụp ảnh để có bằng chứng xử lý. Nhiều lần khi vừa đưa chiếc điện thoại lên ghi hình, An lập tức bị những người lạ mặt sấn sổ áp sát đòi giật máy hoặc đe dọa “xử”.

 “Trong những tình huống này mình phải khéo léo, chọn những góc khuất, kín đáo để thu thập bằng chứng, khi đã có rồi thì sẽ gọi cho công an phối hợp cùng xử lý, giải quyết”, An chia sẻ.

Nhà cách cơ quan 80 km, nên An gửi con gái cho hai bên nội ngoại luân phiên chăm sóc, còn mình thuê trọ trên Hà Nội. Mỗi tuần, hết đợt trực cô lại tranh thủ ngày nghỉ về thăm con. Con gái An năm nay hơn 1 tuổi nhưng cô bé “quấn bà hơn mẹ”.

“Thời gian đầu, mọi người trong gia đình cũng khuyên em nên chọn công việc nhẹ nhàng, có thời gian chăm sóc cho con cái, nhưng công việc là cái duyên, hơn nữa làm nghề này em cũng giúp đỡ được nhiều người nên cũng cảm thấy rất vui và ý nghĩa”, An tâm sự.

Cô gái có dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt sáng tâm sự, nỗi ám ảnh với cô không phải là những lời đe dọa của nhóm người bảo kê mà chính là ánh mắt khắc khoải như tuyệt vọng của những đứa trẻ hay những người già bị lợi dụng phải đi bán hàng rong, xin tiền ngoài đường.

 “Nhiều đứa trẻ chỉ khoảng 5-7 tuổi đã sớm phải bươn chải đội nắng mưa bán từng thanh kẹo, tăm bông. Khi được đưa về trung tâm, nhiều em bật khóc, nức nở bảo chỉ muốn đi học, muốn đến trường vui chơi cùng các bạn. Nghe những dòng tâm sự xót xa này, bản thân em cảm thấy đau xót vô cùng”, An tâm sự.

img

Ông Nguyễn Văn Lưu - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội số 1.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lưu - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 cho hay, cái khó của việc giải quyết triệt để nạn ăn xin, lang thang trên địa bàn thành phố là thiếu cơ chế để xử lý. “Thường họ chỉ phải tập trung từ 1- 4 tháng tại trung tâm để tuyên truyền, chịu sự quản lý rồi sau đó lại được ra. Có những người là “khách quen”, vào ra trung tâm đến 3-4 lần vì cứ hết đợt tập trung lại trở về con đường đi ăn xin”, ông Lưu nói.

Ông Lưu cũng cho rằng người dân không nên cho tiền người ăn xin, lang thang cơ nhỡ mà có thể giúp đỡ thông qua các tổ chức đoàn thể tại địa phương. Bởi lẽ việc cho tiền trực tiếp sẽ khiến tình trạng người ăn xin ngày càng nhiều hơn, và là cơ hội cho các đối tượng bảo kê, chăn dắt lợi dụng, bóc lột sức lao động.

img

“Nếu phát hiện người ăn xin, trẻ em bán hàng rong trên đường phố Hà Nội, người dân có thể gọi điện thoại đến đường dây nóng của Trung tâm Bảo trợ XH hoặc số điện thoại của công an phường, địa phương để giải quyết”, ông Lưu nói.

Theo luật sư Đào Thị Lan Anh, Công ty luật Thiên Đức, hiện nay việc xử lý các đối tượng chăn dắt, bảo kê trong các đường dây ăn xin cũng chưa “đủ sức răn đe”. Bộ luật Hình sự chưa có quy định nào về việc xử lý hình sự đối với hành vi chăn dắt ăn xin mà hành vi này mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính.

Theo các quy định quy định tại Nghị định 144/2013/NĐ-CP, người nào ép buộc người cao tuổi lao động hoặc làm những việc trái quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, trong khi đó, người nào ngược đãi, lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi: tổ chức, ép buộc đi ăn xin sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.

“Với mức xử phạt hành chính như vậy là quá nhẹ, không đủ sứ răn đe bởi số tiền bị phạt so với số tiền thu được hàng ngày do việc chăn dắt ăn xin chênh lệch khá lớn. Vì vậy, cũng nên xây dựng chế tài để bảo vệ người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật… bị lợi dụng hoàn cảnh khó khăn để trục lợi”, luật sư Lan Anh chia sẻ thêm.