Dân Việt

Iran "nổi đóa" với Anh, Pháp, Đức, mạnh mẽ cảnh báo "hậu quả"

Minh Nhật 15/01/2020 12:30 GMT+7
Iran mạnh mẽ cảnh báo Anh, Pháp và Đức về "nhưng hậu quả" liên quan đến quyết định của họ trong việc kích hoạt một cơ chế tranh chấp chống lại nước này theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

img

Anh, Pháp và Đức hôm 14/1 kích hoạt "cơ chế tranh chấp" được quy định trong thỏa thuận hạt nhân với Iran ký năm 2015 nhằm buộc Iran tôn trọng các cam kết của mình theo thỏa thuận. Các nước này cũng cáo buộc Iran vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận năm 2015, có thể dẫn đến việc áp dụng các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp quốc.

Các nước trên tuyên bố đang hành động để tránh một cuộc khủng hoảng về phổ biến hạt nhân bên cạnh một cuộc đối đầu leo thang ở Trung Đông.

Đáp lại, Iran giận dữ tuyên bố việc kích hoạt cơ chế là một "sai lầm chiến lược".

"Việc sử dụng cơ chế tranh chấp là vô căn cứ về mặt pháp lý và là một sai lầm chiến lược từ quan điểm chính trị", Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố.

Các nhà phân tích nói rằng động thái này có thể đặt dấu hết cho hiệp ước hạt nhân năm 2015 với Iran.

"Tất nhiên, nếu người châu Âu ... tìm cách lạm dụng (cơ chế này) thì họ cũng phải sẵn sàng chấp nhận hậu quả", Bộ Ngoại giao Iran nhấn mạnh trong một tuyên bố.

Trước đó, Mỹ đã đơn phương rút khỏi hiệp định hạt nhân đa phương với Iarn vào tháng 5/2018 và áp đặt lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran.

Iran từ lâu cáo buộc người châu Âu từ bỏ lời hứa bảo vệ nền kinh tế nước này khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Sau quyết định rút khỏi hiệp định của Washington, Iran bắt đầu dần dần từ bỏ các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân.

Vào ngày 6 tháng 1, vài ngày sau khi Mỹ ám sát một vị tướng hàng đầu của Iran, Tehran đã tiến thêm một bước bằng cách tuyên bố sẽ loại bỏ giới hạn làm giàu uranium, mặc dù sẽ tiếp tục hợp tác với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc.

Ba nước châu Âu hiện tuyên bố rằng họ "không có lựa chọn" nào ngoài việc kích hoạt cơ chế này. Tuy nhiên, Nga - cũng là một bên ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - đã lên án động thái của Liên minh châu Âu và cho rằng không cần thiết phải kích hoạt cơ chế tranh chấp.

"Chúng tôi không loại trừ rằng những hành động thiếu suy nghĩ của người châu Âu có thể dẫn đến một sự leo thang mới xung quanh hiệp định hạt nhân Iran", Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo.