Tại buổi họp báo cuối năm về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Long An mới đây, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, bà Đinh Thị Phương Khanh thừa nhận, tỉnh Long An chưa thể mạnh tay xử lý các hộ nông dân “xé rào” nuôi tôm trong đất lúa tại một số huyện ở Đồng Tháp Mười.
Nhiều ao tôm trên đất lúa tại huyện Mộc Hóa.
Bà Khanh giải thích lý do, hiện nông dân trồng lúa hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí lỗ vốn, trong khi nuôi tôm mang lại hiệu quả rất cao, khoảng 1 tỷ đồng/ha.
Nông dân đào ao nuôi tôm “lách” quy định bằng cách khoan giếng tầng thấp lấy nước mặn nuôi tôm dưới 10.000m3/ngày đêm (dưới mức quy định) nên không phải xin phép chính quyền.
Quan trọng hơn, theo bà Khanh, các đơn vị chức năng, chính quyền từ tỉnh đến địa phương chưa thống nhất xử lý tình trạng này như ra sao.
Hiện, ở huyện Mộc Hóa có 16,8ha ao tôm trong đất lúa. Chính quyền huyện Mộc Hóa đã xử phạt 47,5 triệu đồng. Tuy nhiên, chưa ao nào vi phạm buộc phải san lấp trả lại hiện trạng ban đầu.
Đầu tháng 11/2019, Dân Việt đã có bài “Nông dân Đồng Tháp Mười ùn ùn nuôi tôm, bất chấp hệ lụy”. Thời điểm ấy, Ông Lâm Hòa Xứng - Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa (Long An) cho biết, sẽ xử lý mạnh tay các hộ vi phạm, và sẽ không cho phát sinh diện tích nuôi tôm trên đất lúa.
Tuy nhiên, theo bà Khanh, từ thời điểm tháng 11/2019 đến nay, tại địa phương này đã phát sinh thêm 3,6ha ao tôm.
Toàn vùng Đồng Tháp Mười (Long An) hiện có 37ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng ngoài quy hoạch trên đất lúa, cùng hàng chục giếng khoan lấy nước mặn trái phép đang được cảnh báo sẽ hủy hoại hệ sinh thái Đồng Tháp Mười, đe dọa vùng sản xuất lúa.
Lợi nhuận nuôi tôm đạt rất cao khiến nông dân "xé rào" đào ao nuôi tôm trên đất lúa.
Số diện tích này chắc chắn sẽ chưa dừng lại, vì một số hộ nông dân vẫn đang lăm le bỏ đất lúa chuyển sang đào ao nuôi tôm bởi hấp lực của lợi nhuận rất cao và giá lúa đang khá bấp bênh…
Bà Khanh thông tin, sẽ làm báo cáo gửi UBND tỉnh để làm rõ trách nhiệm các địa phương để xảy ra tình trạng nông dân “xé rào” nuôi tôm trên đất lúa.