Tập trung đòi nhà đón Tết
Khoảng 11h ngày 15/01, hàng chục người mua nhà tại dự án 8B Lê Trực đã tập trung trước cổng công trình dự án này yêu cầu bảo vệ mở cửa công trình để vào thăm căn hộ đã bỏ tiền mua và được đối thoại trực tiếp lãnh đạo Công ty CP May Lê Trực – chủ đầu tư dự án. Đây được cho là đỉnh điểm của sự bức xúc khi mua nhà phải công trình sai phạm 8B Lê Trực này nhiều năm nay.
Sau khi được mời vào phòng họp của Ban Quản lý dự án 8B Lê Trực để đối thoại, một số khách hàng đã căng tấm băng rôn lớn với nội dung: “Yêu cầu chủ đầu tư, chính quyền Hà Nội trả nhà cho dân về ở đón tết Canh Tý 2020”.
Tại cuộc đối thoại, có rất nhiều ý kiến được các khách hàng đưa ra. Đa số các ý kiến cư dân muốn tìm hiểu xoay quanh vấn đề vì sao không xây dựng thêm? Vướng mắc ở đâu chưa xử lý tháo dỡ được phần sai phạm? Có tháo dỡ được phần sai phạm hay không? Khi nào được nhận nhà về ở?...
Nhiều khách hàng mua nhà không thể kìm nén được cảm xúc bị dồn nén bấy lâu, lớn tiếng với đại diện chủ đầu tư về cảm giác bị lừa, vì nhiều năm qua không được nhận nhà. Trong khi công trình 8B Lê Trực thì trơ khối bê tông giữa phố, không thi công xây dựng thêm, cũng không có động thái phá dỡ các phần sai phạm.
Đại diện phía khách hàng, ông Quang Hưng – khách hàng mua tầng 16 cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu UBND thành phố Hà Nội giải quyết dứt điểm đảm bảo an toàn cho tòa nhà cũng như cư dân và đảm bảo quyền lợi các bên liên quan. Thế nhưng, thời điểm hiện tại đã hơn 4 năm nhưng dự án vẫn chỉ là đống bê tông, sắt thép và những người mua nhà chúng tôi vẫn chưa đươc nhận nhà.
Người mua căn hộ tại dự án 8B Lê Trực nhiều năm chờ đợi ngày được về nhà ở. (ảnh Trần Kháng)
“Đến nay đã chuẩn bị xuân Canh Tý 2020 (Âm lịch), chúng tôi đề nghị chủ đầu tư cho biết phương án giải quyết, xử lý để đảm bảo quyền lợi cho những người đã mua nhà tại đây?”, ông Hưng buồn bã nói.
Bức xúc vì việc chậm trễ trong xử lý vi phạm, ông Tuấn - khách hàng mua căn hộ tại 8B Lê Trực gay gắt cho rằng, nếu thấy đủ yếu tố, khởi kiện luôn cả UBND quận Ba Đình ra tòa theo góc độ tắc trách, không rốt ráo xử lý sai phạm, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Tại cuộc đối thoại, đại diện chủ đầu tư cho biết, sau khi kết thúc giai đoạn 1 phá dỡ phần sai phạm của công trình vào năm 2016, đã gần 4 năm qua, đã có rất nhiều đơn thư gửi đi khắp nơi: Chính phủ, Quốc hội, Bộ Xây dựng, UBND TP.Hà Nội… Nội dung các đơn thư cơ bản là xin chủ trương xử lý dứt điểm các vấn đề sai phạm tại dự án 8B Lê Trực, bàn giao cho người mua nhà về ở.
Tuy nhiên, các đơn thư gửi đi lại được quay về giao cho UBND TP.Hà Nội giải quyết. Từ đây, UBND TP.Hà Nội lại giao UBND quận Ba Đình. Cấp quận lại giao xuống đến phường Điện Biên… Vòng luẩn quẩn cứ thế, trong khi công trình không được hoàn thiện, trơ ra khối bên tông giữa phố, còn người mua nhà không được vào ở, chủ đầu tư đương nhiên thua lỗ…
Chờ tới bao giờ?
Sai phạm tại dự án 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) chưa được xử lý triệt để gây bức xúc trong dư luận nhiều năm nay.
Mới đây nhất, vào tháng 12/2019, UBND TP Hà Nội đã có công văn yêu cầu UBND quận Ba Đình thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, xử lý dứt điểm sai phạm tại công trình 8B Lê Trực.
Theo công văn này, UBND TP đã có nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức nhiều cuộc họp để triển khai việc phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc phá dỡ công trình cao tầng có kết cấu xây dựng không tuân thủ giấy phép xây dựng được cấp, chủ đầu tư không chấp hành nghiêm túc, các sở, ngành liên quan, UBND quận Ba Đình chưa quyết liệt triển khai nên công tác xử lý bị chậm trễ, yêu cầu Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình, Công ty cổ phần May Lê Trực nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Sai phạm tại dự án 8B Lê Trực đã tồn tại nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm. (ảnh Trần Kháng)
Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản thông báo ý kiến Thủ tướng về công tác quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng dự án số 8B Lê Trực.
Thông báo nêu rõ, việc xử lý vi phạm tại dự án này, Thủ tướng đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng UBND TP Hà Nội rất chậm trong việc chỉ đạo xử lý, đến nay vẫn tồn tại, kéo dài.
Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm việc này, bảo đảm kỷ cương, pháp luật, an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
Dự án 8B Lê Trực vi phạm cả về chiều cao và diện tích sàn, được UBND TP Hà Nội đánh giá là vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật về xây dựng nghiêm trọng.
Theo kết quả kiểm tra của liên ngành TP Hà Nội năm 2015, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng đã được cấp. Theo đó, công trình được cấp phép xây dựng cao 53m nhưng chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69m (vượt 16m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000m2, tăng trên 6.000m2 so với giấy phép.
Bên cạnh đó, từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái. Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.
Mặc dù sai phạm tại công trình 8B Lê Trực đã được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý từ tháng 10/2015, tuy nhiên, đã hơn 4 năm trôi qua, sai phạm tại công trình này mới thực hiện xong giai đoạn 1 (cắt tầng 19). Còn lại, việc xử lý sai phạm giai đoạn 2 đã “dậm chân tại chỗ”, đến nay năm nay chưa được xử lý, gây mất mỹ quan đô thị ngay trên tuyến phố Trung tâm Thủ đô và bức xúc trong dư luận.
Liên quan tới trách nhiệm trong việc xử lý sai phạm tại dự án 8B Lê Trực, người dân bỏ tiền tỷ mua nhà nhưng lại là nạn nhân của chủ đầu tư, của chính quyền khi chậm trễ trong xử lý sai phạm. Trao đổi với báo chí, GS. Đặng Hùng Võ – Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Trước hết, chủ đầu tư phải là người chịu trách nhiệm trước những tổn thất này của người dân. Chủ đầu tư là người bán nhà cho người dân, nên phải chịu trách nhiệm chính. Thứ hai, cơ quan nhà nước với vai trò giám sát đã không hoàn thành được vai trò của mình, để sai phạm ngang nhiên tồn tại cho đến khi sự việc trở nên phức tạp như hiện nay. Nếu sai phạm được phát hiện và xử lý từ khi mới bắt đầu thì chắc chắn sẽ không có hậu quả như ngày hôm nay. Ngoài ra, GS. Võ cho rằng, với trường hợp dự án 8B Lê Trực, việc xử phạt hành chính bằng công cụ tài chính đối với phần vi phạm pháp luật là không được, nhất định phải cắt gọt vì dự án nằm ở vị trí "nhạy cảm". 4 năm qua, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Hà Nội nhiều lần là phải xử lý dứt điểm cho xong sai phạm tại dự án này, nhưng Hà Nội chưa làm được. Vấn đề hiện nay là Hà Nội cần phải đưa ra một giải pháp sớm, hoặc là đập bỏ cả tòa nhà hoặc là dỡ phần sai phạm, giải pháp nào thì Hà Nội cũng phải quyết định kịp thời. Trên thế giới, nếu dự án vi phạm là bị xử lý ngay chứ không bao giờ để vi phạm đến mức thi công xong cả tòa nhà. |