Dân Việt

Tin đồn: Ngây thơ hay ác ý?

12/12/2010 15:04 GMT+7
(Dân Việt) - Đuôi voi "nghe đồn" có thể trở thành món bùa thiêng hộ mạng, kết quả là nhiều con voi ở Bản Đôn (Đăk Lăk) bị chặt trộm mất đuôi. Một thời, trên biên giới phía Bắc, "nghe nói" Trung Quốc mua rễ cây hồi, sừng nghé đắt như vàng, nông dân đổ xô vào rừng hồi đào rễ, cắt trộm sừng trâu của nhau... Phải nói đó là những tin đồn ác ý, thâm hiểm.

Có những tin đồn mới nghe qua tưởng là vô hại nên người ta tự cho mình cái quyền được huyên truyền làm quà cho nhau. Cho nên một đống mối đùn lên dưới nền nhà kia, ra ngoài ngõ đã thành tin "thần rồng cuộn" (chuyện ở An Giang), hút nông dân đến cúng bái xin lộc.

Rồi con trăn lột da, có hình đầu người đủ mắt, tai ở chùa Dơi (Sóc Trăng). Một dạo người ta "nghe nói" bưởi có chất gây ung thư và thế là bưởi rụng đầy vườn. Người ta cũng truyền nhau tin "trứng gà giả" tràn ngập thị trường làm nhiều trang trại nuôi gà khốn đốn. Và mới đây nhất là vụ cá kèo, loại cá luôn có mặt trong bữa ăn hàng ngày vì ngon và rẻ cũng đang được huyên truyền là mang chất gì đó gây ung thư. Chỉ trong mấy ngày, giá loại cá này hạ xuống chỉ còn một nửa. Hàng chục ngàn hộ nuôi cá kèo đang méo mặt vì thua lỗ.

Tin đồn do ác ý hoặc do ngây thơ lẫn lộn, khó phân biệt. Lời nói, đọi máu. Một câu chuyện đã lan ra trên miệng thiên hạ thì vạn con ngựa cũng khó đuổi theo. Đó là điều cha ông răn dạy rồi. Ngẫm lại xưa nay, tin đồn nhiều nhất vẫn là trong lĩnh vực cúng bái, trị bệnh và đời sống.

Tin đồn sống được là nhờ vào sự cả tin, kém hiểu biết, xét đoán của những người không có tiền chữa bệnh nên hay hy vọng hão huyền vào mấy câu bùa chú. Người ta dễ dàng tin vào những chuyện vớ vẩn nhất trên đời (như trẻ mới 10 tháng đã biết nói vanh vách ở Nghệ An mới đây) vì ít ra những chuyện vớ vẩn ấy cũng làm nóng lên phút chốc cuộc sống dàn trải, cũ kỹ và buồn tẻ của họ.

Nhưng tin đồn sinh ra chủ yếu vẫn là do thông tin đã thiếu mà còn chậm. Nông thôn ít báo chí, nhiều nơi chưa có Internet, người nông dân biết kênh thông tin truyền khẩu là chính. Và những kẻ có tà tâm muốn gây hại cho cộng đồng, đối thủ cạnh tranh hay nhiều khi chỉ vì không ưa hàng xóm, luôn có đất để gieo tin đồn.

Truy cứu để quy trách nhiệm cho ai đó gieo tin đồn là rất khó. Nhưng khi xuất hiện tin đồn gây hại cho kinh tế hay đe dọa cuộc sống thường ngày của dân chúng, báo chí cần cấp tập vào cuộc. Dẹp tin đồn phải mạnh và nhanh như cứu hỏa.

Và nền tảng mạnh mẽ nhất để không còn phát sinh mọi loại tin đồn vẫn là lời nói đi đôi với việc làm, cán bộ phải giữ chữ tín với dân để nói là dân nghe, dân tin, xây dựng một cuộc sống lành mạnh, không dối trá, có văn hóa, có ý thức và trách nhiệm. Làm sao cuộc sống luôn tạo được cảm hứng, để người dân được hào hứng sống lành mạnh với nhiều hy vọng vào tương lai hơn là làm mồi cho những tin đồn dù ngây thơ hay ác ý.