Tọa lạc tại số 164 Đồng Khởi, trụ sở của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh là một tòa nhà có lịch sử rất đặc biệt.
Những năm tháng đất nước chìm đắm trong đêm đen nê lệ, nơi đây chính là Sở Mật thám Nam Kỳ mà người dân Sài Gòn quen gọi là “bốt Catinat”.
Hoạt động từ năm 1917, Sở Mật thám Nam Kỳ là một bốt cảnh sát và trại giam của chính quyền thực dân Pháp. Tên gọi “bốt Catinat” dựa theo tên con đường Catinat, tên cũ của đường Đồng Khởi.
Tại Sở Mật thám Nam Kỳ, nhiều người con ưu tú của đất nước Việt Nam, là các chiến sĩ Cách mạng, những nhà hoạt động yêu nước... đã chịu tra tấn, nhục hình, đọa đày tù ngục.
Có thể kể ra nhiều gương mặt nổi tiếng từng bị giam ở đây, như Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Trần Huy Liệu, Nguyễn Duy Trinh, Trần Phú, Lý Tự Trọng, Ngô Gia Tự, Hà Huy Giáp, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai...
Khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên bốt Catinat từ ngày 26/8-23/9/1945.
Trong những ngày đó, nhà tù khét tiếng này trở thành trụ sở Quốc gia tự vệ của Sài Gòn – Chợ Lớn.
Nhưng rồi đất nước lại tiếp tục bị giày xéo. Bốt Catinat trở lại là nơi giam cầm, tra tấn những người kháng chiến.
Trong giai đoạn 1955 - 1975, nơi đây là trụ sở bộ nội vụ của chính quyền Sài Gòn.
Sau ngày 30/4/1975, Ủy ban quân quản thành phố tiếp quản khu nhà này và đặt trụ sở của Sở Văn hóa và Thông tin (nay là sở Văn hóa và Thể thao) TP Hồ Chí Minh.
Bên cạnh cổng chính của tòa nhà, một tấm bia đá đã được dựng để ghi nhớ ý chí kiên trung bất khuất của bao lớp người đã hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc.