Dân Việt

Ký ức Tết trong tôi: Mùi Tết!

Gia Tưởng 22/01/2020 19:04 GMT+7
Với tôi, tết có một thứ mùi rất đặc trưng, rất khó tả. Và rất dễ gây cho người ta nhung nhớ hay thèm thuồng. Những mùi đó chỉ tết mới có, rất khó nắm bắt, nhưng lại rất dễ cảm nhận, nếu ta không để những thứ hối hả của cuối năm lấn át đi mất.

Quê tôi xứ Kinh Bắc, mùi tết đến quê tôi đầu tiên từ cái chợ. Bắt đầu phiên từ rằm tháng Chạp, là thấy cái mùi ngai ngái của lá dong, mùi ai ải của lạt giang. Cứ thấy những thứ mùi đó ở chợ là biết tết sầm sập về đến quê. Vì quê tôi nhà nào cũng gói bánh chưng, nên cứ thấy cái mùi ngái ngái, ải ải ngoài chợ là người dù kém mắt cũng biết tết đã gõ cửa.

img

Nồi nước mùi già để tắm tất niên. (Ảnh: T.L)

Nhưng kể về cái mùi tết mà không nhắc đến cái mùi kích thích vị giác, không thể nào thành tết được. Đó là mùi tỏa ra từ nồi nước luộc lòng lợn. Quê tôi vẫn giữ nếp xưa, tết là mấy nhà anh em thân cận, mấy nhà hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau thường đụng lợn. Đến khoảng ngày 29 tết là tiếng lợn kêu eng éc khắp làng. Đàn bà con gái thì nhặt rau, nhóm lửa, đám trẻ con chạy lăng xăng, nhưng không quên hóng được ăn khấu đuôi, bong bóng lợn. Còn đàn ông thì tay dao tay thớt, lợn được ngả ra.

Cỗ lòng lợn bao giờ cũng được chú ý nhất, làm sạch, đoạn lòng già thì nhồi nhân gồm hành, húng, rau thơm, lạc rang, mỡ chài, tất cả trộn với tiết, rồi cho cả lòng, gan, tim, phổi vào một nồi luộc. Lúc chín tới, chỉ cần mở vung nồi ra là thấy mùi thơm đến ngào ngạt, ngậy ngậy, khắp cả làng trên xóm dưới. Người sành ăn món lòng lợn chỉ cần ngửi cái mùi thơm đến tứa nước miếng từ nồi lòng luộc, là biết đám đụng lợn đó có được cỗ lòng ngon đến cỡ nào...

Người thôn quê thì không chỉ có ăn. Dù nhà thiếu ăn hay dư giả, thì đến chiều 30 tết chẳng ai còn tất bật nữa. Những người đàn bà dù đoảng nhất cũng đun một nồi nước bỏ cây mùi già vào, rồi hối thúc chồng con đi tắm, gội. Như là cách gột bỏ hết vất vả, xui xẻo của năm cũ.

Cái mùi của mớ mùi già đun nước sôi nó lạ lắm, hăng hăng, nồng nồng, nhưng lại rất thanh tao, sạch sẽ. Nó làm cho con người ta như phấn chấn hẳn lên. Dường như tất cả mọi người, dù giàu hay nghèo, khi tắm nước mùi già xong ai cũng tự tin, ai cũng thấy được ấm áp, no đủ, khi toàn cơ thể đang tỏa ra mùi thơm hăng nồng dễ chịu của thứ cây lúc non thì ăn, lúc già thì tắm này.

Nói đến mùi tết, cái mùi của đêm 30 cũng rất nhớ, khi con gà, hay cái chân giò được luộc chín, để làm mâm cơm cúng lúc sang canh. Ngoài trời thường mưa lâm thâm, thỉnh thoảng gió lành lạnh. Trên ban thờ, mùi hương tỏa ra thơm kỳ lạ.

img

Nhà nào có điều kiện thì đốt hương trầm vào dịp Tết. (Ảnh: I.T)

Nếu gia chủ nào có điều kiện thì thắp hương trầm, còn bình dân thì đốt nén hương bài, tất nhiên hương vòng thì lúc nào cũng cháy đủ những ngày tết. Dù là hương trầm hay hương bài, thì đều tạo ra một mùi ngọt ngọt, làm cho thần kinh của người ta tỉnh táo, mà tạo ra không khí rất linh thiêng.

Cái mùi hương ngọt ngọt đó cứ bảng lảng, vướng vất vào đầu óc ta, tạo ra cảm giác chờ đợi và phấn chấn hơn, nhẹ nhõm hơn. Khi tiếng chuông giao thừa đã điểm, chính mùi hương trên bàn thờ đã tạo ra không khí vô cùng ấm cúng và linh thiêng mà nhiều người đi cả vạn dặm để về bên gia đình, để ngửi được mùi hương nơi bàn thờ gia tiên trong ngày tết.

Có lẽ cái mùi tết tròn vị nhất phải là sáng sớm mồng 1, vẫn giữ phong tục hái lộc, ai cũng chọn cho mình một góc vườn kín đáo, để tìm lộc của riêng mình. Khi chưa kịp đưa tay hái đã chạm phải mùi hương chanh, hương bưởi.

Cái đám cây họ nhà có múi này cứ như đoán được lòng người, sắp đến giao thừa là bảo nhau chúm chím, rồi sáng mồng 1 là nở hé ra, tỏa một mùi thơm đến nao lòng, như người con gái đang vào độ xuân sắc.

Trước kia thì còn một mùi nữa, là mùi thơm của thuốc pháo, cứ bay khắp đầu làng cuối ngõ. Nhưng giờ cấm pháo rồi, nhiều người trung niên độ 40 tuổi trở lên thì nhớ cái mùi này lắm, cái mùi thơm rất khó tả...

Hết tết là mùi lá bánh chưng ngâu ngấu, mùi thum thủm của thóc ngâm làm mạ, mùi tanh tanh của đất ruộng được bừa vỡ, và cả mùi ai ải của những đống phân chuồng ủ mục, trát bùn xung quanh được bung ra. Thế là hết tết!

Có mùi bắt đầu của lá dong và có mùi kết thúc của hợp ca đồng ruộng. Một năm mới bắt đầu và người ta lại lao động, lại chờ đợi đến tết sau, để lại được hít hà mùi tết rất khó quên.