Theo đó, VN-Index đóng cửa tăng 6,75 điểm (0,7%) lên 974,31 điểm; HNX-Index tăng 1,09% lên 104,32 điểm và UPCom-Index tăng 0,18% lên 55,46 điểm.
VN-Index đóng cửa tăng 6,75 điểm (0,7%) lên 974,31 điểm.
Giao dịch khối ngoại diễn ra khá tích cực khi họ mua ròng 43,5 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực mua của khối ngoại tập trung vào các cổ phiếu ngân hàng như HDB (32,58 tỷ đồng) và BID (23,6 tỷ đồng). Trong khi đó khối ngoại cũng bán gần 5,4 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Dù tăng điểm nhưng phiên hôm nay độ rộng thị trường vẫn nghiêng về bên giảm điểm với 239 mã giảm điểm và 46 mã giảm sàn. Trong khi đó ở chièu tăng điểm cũng có 225 mã tăng điểm với 33 mã tăng trần.
BID, CTG, HVN là 3 mã tác động tích cực nhất tới VN-Index khi đóng góp lần lượt 3,7; 1,48 và 0,48 điểm. Ở chiều ngược lại GAS, VRE và VHM tác động tiêu cực nhất tới thị trường khi lấy đi lần lượt 0,38; 0,18 và 0,13 điểm.
Dù thời gian gần đây những thông tin xung quanh hoạt động của VinGroup liên tục nhưng VIC vẫn giữ vững được vị thế. Hôm nay là phiên thứ 2 liên tiếp cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đứng sàn giữ vững được mốc 115.000 đồng/ cổ phiếu.
VinGroup từng thoái lui khá nhiều lĩnh vực.
Được biết, trong thông báo mới nhất từ VinGroup, tập đoàn này đã chính thức rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không từ 14/1. Tập đoàn cũng đã gửi văn bản lên Bộ Giao thông Vận tải xin chấm dứt dự án Vinpearl Air.
Đây là dự án mà Vingroup mới công bố đầu tư nửa năm trước, hồi tháng 7/2019 và chưa đi vào vận hành. Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nuôi tham vọng lớn trong lĩnh vực hàng không khi dự tính chi ra 4.700 tỷ đồng vốn đầu tư cho hãng hàng không Vinpearl Air, riêng vốn chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau chưa đầy 5 tháng công bố, tập đoàn này đã phải thoái lui với lý do "tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp".
Hàng không không phải lĩnh vực đầu tiên Vingroup đặt tham vọng nhưng chưa kịp vận hành đã phải rút lui. Trước đó, tập đoàn này đã thoái lui ở nhiều lĩnh vực lớn như tài chính, chứng khoán, bán lẻ, thời trang…
Giai đoạn 2007-2008, khi thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở thời điểm rực rỡ nhất, VN-Index tăng liên tục vượt ngưỡng 1.000 điểm, Vingroup đã đặt tham vọng gia nhập thị trường với Tập đoàn Tài chính Vincom (VFG). Trong đó, tập đoàn tài chính này sẽ kinh doanh trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ.
Đây cũng là thời điểm Vingroup (khi đó vẫn mang tên Vincom) đang rất dồi dào về nguồn vốn khi vừa niêm yết hai cổ phiếu VIC (Vincom tháng 9/2007) và VPL (Vinpearl Land tháng 1/2008).
Tuy nhiên, 2007-2008 cũng là giai đoạn khủng hoảng tài chính của Mỹ lan rộng và ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường chứng khoán Việt vào cuối năm 2008, đầu năm 2009. Trước diễn biến này, Vingroup đã phải tuyên bố hủy kế hoạch tham gia vào mảng tài chính.
Lĩnh vực liên quan duy nhất Vingroup tham gia khi đó là chứng khoán với Công ty Chứng khoán VincomSC (VIX) thành lập từ 2007.
Ra đời vào giai đoạn thị trường thăng hoa, nhưng sau 2 năm vận hành thì thị trường chứng khoán Việt thoái trào, Vingroup đã phải thoái vốn khỏi VincomSC vào năm 2011. Hiện công ty chứng khoán này được đổi tên thành Công ty CP Chứng khoán IB (IBSC) với cổ đông lớn nhất là Công ty Cổ phần FTG Việt Nam (nắm 17% vốn).
Vingroup cũng từng mở ra nhiều dự án kinh doanh khác như VinDS, Vinlinks, VinExpress, VinFashion... nhưng đều sớm phải rút lui không lâu sau đó.
Đơn cử, VinFashion được thành lập từ năm 2014 thì sau một năm đã thoái lui. Tương tự là Vinlinks, VinExpress… Mới đây, tập đoàn này đã tuyên bố thoái lui khỏi mảng bán lẻ và thu hẹp hoạt động thương mại điện tử.
Cuối năm, người lao động háo hức ngóng chờ tiền thưởng Tết, tuy nhiên khá nhiều người bất ngờ trước khoản thuế...