Đó là vụ án xảy ra vào tháng 11 năm Thiệu Trị năm thứ nhất, 1841. Bộ sử triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, đệ tam kỷ, quyển 13, chép rằng: Tại huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, có thôn Ba Lệnh thiếu một suất lính, đã 4 năm không cắt được người để nộp cho đủ.
Viên Tri phủ phủ Đức Thọ là Nguyễn Hưng lấy cớ rằng người dân thôn ấy tên là Nguyễn Tích, nhà có 4 anh em trai, nên bắt Tích để điền vào số thiếu. Tích không phục tình, kêu lên tỉnh. Quan tỉnh đem việc này hặc tâu, Nguyễn Hưng bị giáng hai cấp, lưu lại chức.
Một vụ xử án dưới triều Nguyễn.
Nguyễn Hưng lại đem việc quan tỉnh thiên lệch nghe lời tên Nguyễn Tích kêu riêng, sai người chạy ngựa về Kinh kêu oan. Vua giao cho tỉnh Nghệ xét lại việc ấy. Tích khai trái lại là hắn chỉ có hai anh em. Nguyễn Hưng bèn thừa lúc đêm, đem bọn lại viên, lính lệ, cùng các viên chánh tổng, lý trưởng đến bắt bọn anh em của Tích, để cho việc trước của mình là đúng.
Khi ấy, có tên Phan Đình Ba, thân đảng của Tích, ngầm sai người phóng lửa đốt nhà, đánh trống, kêu lên: “Có cướp”, muốn làm cho lính của quan phủ sợ và cứu thoát cho Tích. Việc trở nên nghiêm trọng, nên quan Bố chính Nguyễn Đồng Khoa đem việc này tâu lên triều đình.
Vua Thiệu Trị nghe tâu, lấy làm lạ, nói: “Hưng có trách nhiệm thân dân, thế mà thừa lúc đêm, xông vào nhà dân, còn ra sự thể gì nữa! Và bọn thôn dân kia dám họp nhau đánh trống, giả làm việc cướp bóc, thói gian ngoan ấy đáng ghét!”.
Do đó, vua bắt Nguyễn Hưng phải cách chức ngay và sai thự Đại lý Thiếu khanh Lê Nguyên Giám ra Nghệ An cùng với Nguyễn Đồng Khoa hội đồng tra xét. Sau khi hội xét, các quan xử rằng: Phan Đình Ba hãy để “trảm giam hậu”(tội đáng chém nhưng còn giam lại đợi lệnh vua), còn Nguyễn Hưng được giảm án, bị tội đồ đủ lệ hạn.
Tuy nhiên Cấp sự trung Nguyễn Văn Chấn cho rằng bộ Hình xử tội Nguyễn Hưng chưa được thoả đáng, lại đem tâu lên. Vua lại sai giao Viện Đô sát hội đồng với Khoa đạo duyệt lại cho kỹ. Lần này án nghị rằng Nguyễn Hưng đáng phải giáng ba cấp, nhưng đã bị cách chức, nên xin cứ cách, bắt về làm dân.
Vua thấy việc xử án rắc rối, mới triệu Đại thần viện Cơ mật Trương Đăng Quế vào gặp mặt để bàn định phải, trái. Thự Thị lang bộ Hình là Hoàng Thu, lấy cớ rằng mình trước đã làm quan ở Nghệ An, có dự tra xét án này, lại đem ra biện thuyết ở trước mặt vua, để hòng che lỗi lầm trước đây của mình.
Vua giận, quở trách, giáng Hoàng Thu ba cấp và bảo bề tôi hầu cận là Phan Bá Đạt rằng: “Nguyễn Hưng nhân lúc đêm, đi bắt người, gây nên vụ án to, bộ Hình nghĩ xử phạt trượng và đồ, thực đã thoả hợp. Nhưng nghĩ hắn chỉ là thiếu ý thức, làm xằng, xét ra không có tình tiết gì khác. Vậy gia ơn, đổi làm phạt trượng, cách chức, phát đi làm lính ở hai thành Điện, An (là thành Điện Hải và An Hải ở Đà Nẵng), ra sức làm việc để chuộc tội”.
Ngoài ra, các viên quan đầu tỉnh gồm Tổng đốc An - Tĩnh, Mai Công Ngôn, và thự Bố chính Nghệ An, Vũ Tuấn, trước đây tra xử sơ suất, đều bị giáng một cấp.
Đại lý Thiếu khanh Lê Nguyên Giám, và Bố chính Nguyễn Đồng Khoa bị xử lỗi vì buộc tội nặng, bọn Viện trưởng Lê Đăng Doanh và Khoa đạo Lê Chân 20 người lỗi vì buộc tội nhẹ, mỗi người đều bị phạt lương 6 tháng.
Cựu Tri phủ Nguyễn Hưng, về sau, lại được khởi phục, ra làm Huấn đạo huyện Quỳnh Côi (Thái Bình).