Cả làng rủ nhau đi săn chuột
Vào những dịp cận tết, cũng là lúc báo hiệu mùa săn chuột rừng đã đến ở bản Bương, xã Tân Pheo. Như thường lệ, khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống, các "cao thủ" săn chuột rừng ở đây lại cùng nhau lên rừng săn chuột.
Anh Lê Văn Tấn - trưởng bản Bương - một "cao thủ" săn chuột tiết lộ: “Chẳng cần đến chiếc bẫy sắt hiện đại, đơn giản chỉ là những thanh tre tạm bợ đã được đan sẵn vào nhau tạo thành chiếc thòng lọng đặt ngay đường chuột chạy. Đêm xuống, chuột ra kiếm ăn sẽ mắc trúng bẫy của bà con”.
Để bắt được các con chuột to, béo núng nính, các "cao thủ" săn chuột ở bản Bương thường tìm nơi để đặt bẫy là những đường chuột chạy. "Thông thường chúng ta nên chọn những nơi nhiều hoa màu của người dân để đặt bẫy vì mùa này chuột rừng thường xuyên phá cây trồng của bà con. Chuột rừng rất nhiều nên khi đi tìm thức ăn, đường đi của chúng gần như một lối mòn vậy nên các thợ săn chỉ cần đặt bẫy vào những lối mòn đó thì chuột sẽ dính ngay" - anh Tấn nói.
Thịt chuột khô gác bếp được gia đình anh Tấn chuẩn bị để phục vụ đãi khách và dâng cúng trong các dịp lễ tết. (ảnh: H.Đ)
Chuột rừng sau khi bị các thợ săn bắt được đem về, bà con người Dao Tiền ở bản Bương sẽ giết mổ và treo nơi gác bếp cho thịt khô lại rồi chế biến thành các món ăn dùng dần.
Giống chuột rừng ở bản Bương rất đặc biệt, hầu hết đều có trọng lượng to gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần chuột bình thường và đặc biệt chúng rất sạch vì ăn hoa quả rừng, hoa màu. Thịt loài chuột rừng khi làm thức ăn rất ngon miệng và bổ dưỡng.
Tại bản Bương, hàng năm các nhà còn treo thịt chuột gác bếp suốt cả một mùa đông giống như món thịt trâu gác bếp của các dân tộc khác ở vùng cao Tây Bắc để dành đãi khách quý. Đến bữa, khi có khách, chủ nhà chỉ cần gỡ thịt chuột xuống, thái miếng, rắc muối, ướp gừng cho thịt ngấm gia vị rồi băm nhỏ. Sau đó dùng gạo nếp nương nấu sôi lên, cho thịt chuột vào, khuấy đều cho đến khi sánh lại thì bắc xuống, bỏ hành lá và rắc bột ngọt vừa phải sẽ trở thành món đặc sản thượng hạng đãi khách.
Tại thôn Bương mỗi lần trong nhà ai có việc lớn gì như: Đám ma, đám cưới, lễ cúng ma, tế trời đất… thì cũng không thiếu được món thịt chuột. Tết đến nhà nào cũng phải chuẩn bị chuột rừng sấy khô trước. Thịt chuột thờ phải tự tay gia chủ đi bắt, không được mua ở ngoài về thì mới gặp được nhiều may mắn trong năm mới. |
Đặc biệt, ở thời điểm giáp hạt (thời điểm cuối năm), trong khi đợi lúa chín, khan hiếm lương thực, thú rừng thì cạn kiệt và bị cấm săn bắt, ở bản Bương chỉ còn loài chuột là nhiều và dễ bắt. Thế nên, thịt chuột trở thành “lộc trời” đối với người Dao Tiền nơi đây.
Dâng cúng thịt chuột
Ông Lê Văn Phú (hơn 90 tuổi) - một già làng cũng là thầy mo (thầy làm lễ tại các lễ ở bản Bương) kể: Theo người trước truyền lại, xưa kia bản Bương là một khu rừng hoang vắng, cây cối lau sậy âm u, nhiều thú dữ, cọp beo... Mãi sau mới có người Dao Tiền lên khai sơn lập địa, cuộc sống vô cùng thiếu thốn. Đất đai còn hoang sơ nên cũng phải mất cả năm khai phá, gieo trồng. Để chờ cho lúa, ngô xanh tốt, người dân chỉ còn cách vào rừng săn bắn, đốn củi. Cái đói vẫn kéo dài triền miên, nhiều hôm không có thú mà săn, không còn quả để hái, họ phải nhịn đói qua ngày.
Nhất là vào những ngày giáp hạt, người Dao Tiền ở bản Bương rơi vào tình trạng đói quay quắt. Họ vào rừng, gặp cái gì ăn được là lấy, gặp con gì là bắt. Ngày đó, vùng đất này chuột nhiều vô kể, khi cạn kiệt thú rừng, người dân đành phải quay sang bắt chuột về ăn trừ bữa.
Sau này, khi đời sống đã phát triển, nguồn thực phẩm cung cấp cho bữa ăn đã đầy đủ, người dân không còn phải ăn thịt chuột để sống qua ngày nữa nhưng để tỏ lòng thành kính trước tổ tiên, hàng năm người Dao Tiền dùng thịt chuột gác bếp dâng cúng trong 3 ngày lễ lớn của đồng bào gồm lễ cầu mùa vào rằm tháng 5, lễ ăn cơm mới sau vụ thu hoạch vào tháng 9 và lễ Tết Nguyên đán.
Anh Lê Văn Tấn - trưởng thôn Bương chỉ miếu nơi thờ thành hoàng, nơi dân làng dâng thịt chuột làm lễ cúng vào dịp lễ tết hàng năm. (ảnh: H.Đ)
Cùng với các lễ vật khác như gà, lợn, trong 3 ngày lễ quan trọng này, người Dao Tiền vẫn thường dùng thêm thịt chuột gác bếp để dâng lên bề trên, tổ tiên của mình như để tri ân và cầu cho mọi người trong thôn mạnh khỏe, mùa màng trong năm mới thuận lợi, bội thu hơn.
"Không biết phong tục dâng thịt chuột làm lễ tế trong các ngày lễ lớn ở thôn Bương có từ bao giờ, người Dao Tiền chỉ biết rằng, khi họ sinh ra và lớn lên đã có tập tục này. Với người Dao Tiền, mỗi năm có ba ngày lễ lớn bắt buộc phải có thịt chuột để thờ cúng" - ông Phú chia sẻ.
Vào Lễ cầu mùa rằm tháng 5, nhà nào cũng phải có ít nhất 3 con chuột sấy khô (tức là chuột đã được hun khói ở gác bếp) để làm lễ. Người làm lễ phải là nam giới, như vậy mới thể hiện được sức mạnh của người nhà khi đi làm ngoài ruộng trên nương.
Còn đối với Lễ cơm mới, người Dao Tiền cũng làm theo hình thức như Lễ cầu mùa. Có điều, ý nghĩa của ngày ăn cơm mới là để báo cáo và biết ơn tổ tiên, đất trời đã mang lại cho người dân một vụ mùa bội thu.
Riêng vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, đúng vào đêm giao thừa, nhà nào cũng dành thịt chuột gác bếp để cúng tại gia. Đến ngày mồng hai Tết, mỗi nhà góp vài con chuột gác bếp cho thầy mo của thôn Bương đưa đến ngôi miếu nhỏ ở cuối làng để làm lễ tế, dâng lễ vật lên thần thánh tỏ lòng thành kính và cầu cho dân làng một năm mới tốt lành, mùa màng bội thu. Sau khi làm lễ xong, cả làng cùng tập trung ăn uống và vui đón năm mới.