Theo dấu chân xưa…
Chúng tôi đi xuyên Đồng Tháp Mười về thăm lão nông Ba Be - Trần Văn Nghị (xã Bình Phong Thạnh, Mộc Hóa, Long An). Trang trại ông Ba Be chơ vơ giữa đồng phèn. Đường vào là những bờ đê nhỏ chỉ đủ đặt 2 bàn chân. Như hồi gần nửa thế kỷ trước, ông vẹt tràm đi vỡ hoang.
Năm 1979, sau khi chia tay đời lính, từ Mỹ Tho, lão nông Ba Be dắt díu gia đình vào đây khai hoang, mở đất, tìm miếng cơm, manh áo. Tôi nhớ, có lần TS Mai Thành Phụng (nguyên Phó chủ nhiệm Dự án Nghiên cứu hệ thống nông nghiệp Đồng Tháp Mười) tỉ tê: 40 năm trước, khi cùng vào vùng Đồng Tháp Mười nghiên cứu trị phèn, TS Melforw (chuyên gia về đất phèn của Hà Lan) đã cảnh báo: “Muốn xử lý 1ha đất phèn ở đây phải tốn cả triệu USD”. Hai giáo sư địa chất Liên Xô vào nông trường Láng Biển (Đồng Tháp Mười) lấy mẫu đất đem về nước họ phân tích, cũng kết luận: “Đồng Tháp Mười không thể trồng lúa!”.
Cha con lão nông Ba Be thu hoạch gương sen trong ao cá lóc đồng. (ảnh: Trần Đáng)
Nghe tôi kể lại chuyện này, lão nông Ba Be cười ngất: “Lúc ấy, đúng là chuột chạy cùng sào mới vào Đồng Tháp Mười. Cả khu rừng mênh mông chỉ có gia đình tui. Nước ngọt không đủ uống chứ đừng nói để tưới cây”.
Theo một số lão nông ở đây, hầu hết cư dân ở Đồng Tháp Mười phần lớn có nguồn gốc lưu dân người Việt từ miền Thuận - Quảng vào lập nghiệp đầu thế kỷ XVIII. Cư dân Thuận - Quảng vốn chủ yếu làm nghề khai thác cá biển nên họ đã sớm ứng dụng kinh nghiệm truyền thống đó để đánh bắt cá ở Đồng Tháp Mười...
Nói là vậy, nhưng ngày lão nông Ba Be quảy nóp, dắt díu vợ con vào Đồng Tháp Mười khai hoang, đồng bưng này khắc nghiệt lắm. Chỉ có cá nhung nhúc và phèn ngập ngụa. “Cá khỏi nói, có cảm giác thò tay xuống nước, con nào ngon thì bắt. Thừa mứa nên cá bán rẻ như bèo. Thậm chí, cho cũng không ai nhận” - lão nông Ba Be cười.
Nhưng gia đình ông thèm cơm. Để lấy đất trồng lúa, lão Ba Be xẻ kênh thoát phèn. Ông mua vôi rắc xuống đồng. Rồi trồng khoai mỡ, trồng lúa… Từ một vụ lúa/năm, ông lên bờ bao trồng 2 vụ/năm...
Ghiền tiếng cá lóc táp mồi
Cánh đồng khoảng 1 triệu ha này (gồm 300.000ha thuộc Campuchia, còn 700.000 ha thuộc 3 tỉnh: Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp, trong đó tỉnh Long An chiếm đến 60% diện tích) luôn chứa đựng hấp lực lạ kỳ, trong đó có nghề nuôi cá đồng. Ở đồng bưng này có tới 159 loài cá, gồm nhóm cá đen (cá đồng), như: lóc, trê, rô… và nhóm cá trắng (cá sông), như: chép, chốt, he… |
Trong khi chúng tôi nói chuyện, út Cưng (Trần Hoàng Anh, con út ông Ba Be) đang loay hoay dưới ao hái gương sen. 12ha đất giao cho anh giờ có 7ha trồng sen lấy gương, trồng lúa và 5ha nuôi cá đồng. Lão Ba Be tính nhẩm: lợi nhuận từ đồng đất này mỗi năm, gồm 50 triệu đồng từ gương sen, hơn 100 triệu đồng từ lúa và gần 100 triệu đồng từ cá đồng.
Út Cưng cho biết, để đào hai ao cá 5ha, anh bỏ vốn hơn 1 tỷ đồng. Theo lão nông Ba Be, dưới ao có lứa cá lóc mỗi con nặng 2-3kg. “Lứa cá đó tôi để gây giống. Nói gì thì nói, ở Đồng Tháp Mười mà không nuôi cá đồng thấy kỳ kỳ sao đó. Tính tui lạ lắm, hoài cổ và thích làm ngược. Khi nông dân đua nhau trồng lúa 50404, tui trồng lúa thơm. Giờ nông dân đổ xô đào ao nuôi cá tra, tui nuôi cá rô, cá lóc... Sống ở bưng gần nửa thế kỷ, ghiền nghe tiếng cá đồng táp mồi, không quên được”- ông Ba Be tâm sự.
Nếu ông Ba Be là dân bản địa “cùng sào” mới chạy vào Đồng Tháp Mười, thì anh nông dân Trần Hoàng Anh (huyện Vĩnh Hưng) là đời thứ ba sống trong rốn phèn này. “Tui không rõ gốc gác mình lắm, nghe ba má nói dòng họ tui là dân miền ngoài, vào bưng này khai hoang được 3 đời” - Anh chia sẻ.
Hiện, Anh có nông trại rộng 7ha. Ngoài trồng lúa, dừa, chuối và gần 1.000 gốc mai vàng, Anh còn thuê máy đào ao rộng 1,5ha để nuôi cá vồ đém, dứa, sặc bổi, tai tượng... Riêng ao nuôi cá lóc, Anh cho thông ao sen. Đất giữa ao trồng lúa. Khi cá lóc thành cá thương phẩm (bình quân 2-3kg/con), Anh cho cá ra ruộng lúa.
“Ngoài nuôi cá bán, tui nuôi cá để các “câu thủ” giải trí. Tui thích nhìn cá táp mồi thiệt dữ như thời cha con tui đi khai hoang ở đây nghe cá lóc táp mồi. Giờ cá câu được, đem cân, trả cho tui 70.000 đồng/kg, ai muốn ăn món gì, tui nấu, ăn tại chỗ” - Anh cười. Mỗi năm bán vài ba tấn cá đồng thu chừng 100 triệu đồng. Thương lái đến tận ao. Cá đồng là đặc sản miệt bưng.