Dân Việt

Gặp Thắng “Tài Dậu” nghe kể về bóng đá “phủi” Hà Nội

04/03/2012 06:15 GMT+7
Thắng "Tài Dậu" hiện đang là Chủ tịch, kiêm HLV CLB bóng đá phường Văn Miếu, Hà Nội, đồng thời là Chủ tịch CLB bóng đá Sông Đà - Thăng Long nơi anh đang làm việc.

Từng nghe tên Nguyễn Văn Thắng - Thắng “Tài Dậu” nổi danh mát tay với các đội bóng đá phủi, chúng tôi quyết tìm gặp anh để rõ thực hư. Như đã hẹn, đúng 18h, anh Thắng có mặt ở Trung tâm TDTT Quận Tây Hồ, Hà Nội. Trước mắt tôi là người đàn ông đứng tuổi, có dáng hơi mập cùng quả đầu đinh lởm chởm tóc bạc bước vào sân.

img
Thắng "Tài Dậu" (bên phải) nổi tiếng với bóng đá "phủi" Hà Nội

Sau màn chào hỏi các đồng đội, anh kéo tôi lại một góc sân để tâm sự.

Khác với những gì người ta thường tưởng tượng khi chưa gặp, Thắng “Tài Dậu” lại là người rất vui tính và dễ gần. Trong thời gian này, anh đang cùng đội của mình luyện tập cho giải đấu Megastar Cup. Anh hiện đang là Chủ tịch, kiêm HLV CLB bóng đá phường Văn Miếu, đồng thời là Chủ tịch CLB bóng đá Sông Đà - Thăng Long nơi anh đang làm việc.

Kể về bóng đá “phủi” Hà Nội, anh nói: “Tôi có niềm đam mê rất lớn với trái bóng tròn. Cứ khoảng 18h hàng ngày là tôi lại có mặt ở đây với anh em để “quay” cùng trái bóng tròn. Dù chỉ là một đội bóng “phủi”, nhưng đội bóng do tôi làm chủ tịch lại có rất nhiều cái tên nổi tiếng, họ đều là những cựu cầu thủ ĐTQG Việt Nam.

Điển hình trong đó có thể kể đến những danh thủ như: Hồng Sơn, Minh Đức, Danh Minh, Như Thuần, Văn Tuyền và một loạt tên tuổi “phủi” Hùng Bưởi, Kiên Phú, Sơn Mỹ Đình, Tùng Hậu, Ngọc tay cò, Kiên Mán... Đối với họ, tôi vừa là người anh, người chú bởi những kinh nghiệm của tôi ít nhiều cũng được giúp họ trong nghiệp bóng.

Là một trong những người góp mặt trong thời kỳ phát triển cực thịnh của bóng đá “phủi” từ những năm 90 của thế kỷ trước. Năm 1988, tôi thành lập đội bóng phường Văn Miếu và đứng tên chủ tịch, HLV kiêm cầu thủ.

Đội bóng do tôi dẫn dắt đã thi đấu tưng bừng trên các sân “phủi” ở Hà Nội, thậm chí được coi là đội quân bách chiến bách thắng bởi đấu bất cứ giải nào thì ngôi vô địch cũng thuộc về đội bóng này.

Danh tiếng của đội vang xa, những cầu thủ chuyên nghiệp khi đó như Hồng Sơn, Như Thuần cũng tìm đến đầu quân cho đội Văn Miếu sau những giờ phút lăn lộn trên sân cỏ chuyên nghiệp.

Như hổ thêm cánh, đội bóng Văn Miếu càng trở nên bất khả chiến bại. Thậm chí, một số đội mạnh như Trà Dilmah… cũng khó mà cự lại được đội hình của Văn Miếu.

Sau thành công với đội Văn Miếu, đã có rất nhiều CLB bóng đá phong trào mời tôi về làm HLV. Dù chẳng biết huấn luyện thế nào, cũng chẳng có bằng cấp HLV nhưng tôi được cái… mát tay.

Hầu như đội nào tôi nắm cũng đều vô địch, lý do vì mình biết kích thích các em chiến đấu hết mình, chỉ bảo cho các em cách tìm chỗ trống, cách kiếm những quả phạt có lợi… Tất cả những cái đó đều là kinh nghiệm tích lũy sau bao năm đá “phủi”.

Bây giờ, ngoài công việc bình thường tại Công ty Sông Đà - Thăng Long, tôi còn kiêm luôn Chủ tịch CLB bóng đá của công ty. Đội bóng hiện tại đang phát triển rất tốt, các em đều là những người nhiệt tình lại được sự chỉ dẫn của những cầu thủ giải nghệ nên khá cứng cáp” - anh Thắng chia sẻ.

Kể về bóng đá “phủi”, anh Thắng cho biết ở Hà Nội những năm 60, 70 của thế kỉ trước đã nổi tiếng với sân bóng bằng đất ở Long Biên, ven bãi sông Hồng. Từ những sân bóng này, nhiều lứa cầu thủ tài năng của Hà Nội đã thành danh.

Không biết từ bao giờ, bóng đá tự phát chơi trên bãi đất hay vỉa hè, sắp gạch làm cầu môn được gọi là bóng đá “phủi “. Đội hình cầu thủ mỗi bên độ 7-8 người, phần lớn là thanh thiếu niên chơi bóng bằng chân đất.

Ngày nay Hà Nội có hàng trăm sân bóng các loại, các khu vực từ vùng ven đô cho đến các khu vực ở nội thành, đâu cũng có sân bóng "phủi".

Riêng khu vực trường Đại học Y Hà Nội đã có tới 7 sân bóng, trường Đại học Thuỷ Lợi có cả sân cỏ nhân tạo. Sân bóng đá phong trào Hà Nội ngày càng hiện đại, có cả đèn chiếu sáng cho người chơi bóng đá đêm sau giờ làm việc.

Hà Nội có tới có hàng trăm đội bóng hoạt động thường xuyên và hàng năm có hơn 50 giải phong trào lớn nhỏ. Đây chính là nơi thi thố tài năng đích thực của những dân "phủi" nghiền bóng đá.

Cũng chính từ những giải phong trào này, đã cho ra lò nhiều tên tuổi lớn của làng bóng đá Việt Nam như Trương Việt Hoàng, Triệu Quang Hà, Đức Thắng, Phạm Thành Lương...

Người hùng của bóng đá “phủi”

Ngày nay, các đội bóng "phủi" có thể tồn tại dưới sự bao cấp của những "ông bầu". Họ bỏ tiền ra cho đội bóng hoạt động, thu hút các nhân tài giới "phủi" và kiêm luôn việc tạo điều kiện công ăn việc làm cho họ.

Thành viên nào đau ốm, ông bầu đích thân đưa đi chữa bệnh. Nhiều khi đá bóng với nhau cũng chỉ vì tình yêu bóng đá và thắt chặt những mối quan hệ làm ăn.

Bóng đá "phủi" nhiều lúc cũng đem lại tiếng tăm cho các ông bầu. Thế mới có việc bầu này đưa quân đi du đấu với đội bóng của bầu nọ. Dân "phủi cứng" nhiều khi được săn đón, đưa rước như ngôi sao thực thụ.

Tất nhiên, anh Thắng là một trong những ông bầu như thế. Thậm chí anh còn hơn các ông bầu khác ở điểm, không ai là không kính nể và mong muốn được chơi ở đội bóng của anh.

Theo anh Thắng cho biết, bóng đá “phủi” bây giờ chất lượng lắm, bởi những cầu thủ từng chơi ở giải chuyên nghiệp lừng danh một thời như Trương Việt Hoàng, Quang Hà, Lã Xuân Thắng, Đức Thắng, Đặng Phương Nam... cũng vào đá sân "phủi". Đức Thắng (Thể Công) giờ về đầu quân cho Cường Quốc, Lã Xuân Thắng vẫn đá cho Trà Dilmah.

Tiền đạo Thành Lương của CLB bóng đá Hà Nội cũng có đến 2 năm liền đá "phủi" ở đội Liên đoàn Hoàn Kiếm.

Chính họ khi vào sân cũng làm nên cái chất chuyên nghiệp, bên cạnh việc thỏa mãn niềm đam mê của mình thì những cựu cầu thủ này còn là chỗ dựa tinh thần cho các cầu thủ trẻ, dẫn dắt lối chơi của các em.

“Tôi nghĩ mình chỉ là một trong những người tâm huyết với bóng đá, yêu bóng đá thôi. Tôi đem kinh nghiệm có được chia sẻ lại cho các em, rồi những em đó khi đã cứng rồi thì tiếp tục dìu dắt những em lứa sau.

Còn nói về công, người có công với phong trào bóng đá Thủ đô phải là những người lãnh đạo Sở TD-TT Hà Nội. Phải có họ khuyến khích thì mới có các giải cho dân “phủi” thi thố.

Nhiều người nói rằng tôi chính là người dẫn dắt các cầu thủ như Hồng Sơn, Như Thuần, Minh Đức vào nghiệp cầu thủ. Nhưng không phải, tôi chỉ góp một phần vào những thành công của các cầu thủ đó bằng kinh nghiệm của bản thân.

Còn trình độ của họ, danh tiếng của họ là do những câu lạc bộ nơi họ đã đầu quân tạo nên. Có chăng, mình chỉ có công tổ chức, thành lập nên các câu lạc bộ phong trào. Đồng thời, dẫn dắt một vài đội như Sứ Thanh Trì, Dầu khí Vũng Tàu, công an mấy phường thuộc Hà Nội để trình độ các cầu thủ bắt kịp nhau, không tạo ra quá nhiều khoảng cách. Như thế, bóng đá mới hấp dẫn bởi yếu tố cạnh tranh, ngang tài ngang sức.

Từ những đội phong trào như thế, sau mấy chục năm quần nát các sân “ít cỏ” ở Hà Nội, giờ đây nó thành một bữa ăn không thể thiếu của thanh niên Thủ đô.

Ngay cả với tôi, dù đã gần 60 tuổi nhưng vẫn ăn ngủ cùng trái bóng. Ngày nào không được ra sân là bứt rứt trong người, khỏe thì vào đá cùng các em, các cháu. Yếu thì ngồi xem, chỉ đạo hay cầm còi làm trọng tài.

Thậm chí, những lần đi công tác xa ở Đà Nẵng hay TP Hồ Chí Minh tôi cũng nhét vào hành lý đôi giày đá bóng, rảnh việc lại ra chơi bóng cùng các cầu thủ “phủi” địa phương.

Chẳng biết từ bao giờ người ta lại gọi bóng đá phong trào là "phủi". Hay thậm chí, nhìn trong đội hình đối thủ thấy có gương mặt nào là lạ liền chỉ trỏ thì thầm "dân phủi đấy!" - anh Thắng cười lớn nói.

Theo Bóng đá Toàn cầu