1. Phố đi bộ Nguyễn Huệ
Phố đi bộ Nguyễn Huệ được xem là địa điểm tập trung của dân Sài Gòn. Dịp Tết Nguyên đán 2020 này, du khách được thưởng lãm đường hoa xuân lộng lẫy đủ sắc màu.
Phối cảnh đường hoa Tết Nguyễn Huệ.
Năm nay, đường hoa Tết Nguyễn Huệ lấy cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ - Đám cưới chuột, mà đại cảnh là gia đình chuột cách điệu, nối đuôi nhau chào đón năm mới. Sự kiện này sẽ khai mạc lúc 19h ngày 22/1 (28 Tết) và kéo dài đến 21h ngày 28/1 (mùng 4 Tết). Trong suốt quá trình diễn ra, TP.HCM cũng sẽ tổ chức một số hoạt động thú vị như cắt tỉa rau củ quả nghệ thuật và các buổi biểu diễn nghệ thuật đặc sắc.
2. Hội Hoa xuân Tao Đàn
Hội Hoa xuân Canh Tý 2020 được tổ chức tại công viên Tao Đàn, quận 1, TP.HCM, kéo dài từ 25 tháng Chạp đến mùng 6 Tết.
Tại đây sẽ trưng bày triển lãm và dự thi nghệ thuật ngành hoa, cá, kiểng, bonsai, non bộ, tiểu cảnh... với trên 3.000 hiện vật đạt tiêu chuẩn thuộc các bộ môn; trưng bày cắm hoa nghệ thuật; biểu diễn lân sư rồng, võ thuật cổ truyền, các loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian (múa rối, đờn ca tài tử...); các trò chơi dân gian, xiếc, ảo thuật, các sân chơi vẽ tranh, triển lãm tranh, các hoạt động khéo tay dành cho thanh thiếu nhi; biểu diễn thư pháp tiếng Việt, trà đạo, văn hóa ẩm thực...
Vé vào cổng Hội Hoa xuân là 30.000 đồng/vé/người, trẻ em dưới 12 tuổi (thấp hơn 1,2m) được miễn vé.
Đường sách Tết chào đón độc giả.
3. Hội Hoa xuân Phú Mỹ Hưng
Như hàng năm, Hội Hoa xuân Phú Mỹ Hưng được tổ chức tại Khu hồ Bán Nguyệt - Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7 từ ngày 17-24/1; riêng Đường Xuân Phú Mỹ Hưng kéo dài đến ngày 29/1. Đây là điểm check in khá phổ biến của giới trẻ Sài thành với cảnh đường lúa, hoa hướng dương, cảnh hồ hữu tình.
4. Phố Ông Đồ
Tết Canh Tý 2020 vẫn giữ hai hình ảnh không thể thiếu mỗi dịp Tết đến là đường mai vàng và phố ông đồ dọc hai tuyến đường Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Thị Minh Khai.
Tại đây cũng sẽ diễn ra các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi dân gian và múa lân sư rồng. Điểm nhấn năm nay chính là khu vực tiểu cảnh của 4 làng nghề truyền thống: làng Gốm, làng Mây, làng Hương và làng Lụa. Lễ hội Tết Việt sẽ diễn ra từ 9/1 đến 29/1.
5. Cầu Ánh Sao
Cầu Ánh Sao tọa lạc ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, quận 7, bắc qua rạch Thầy Tiêu nối khu Hồ Bán Nguyệt với khu kênh đào. Thay vì tìm đến những địa điểm sôi động, bạn trẻ thích tìm đến cầu Ánh Sao vào đêm giao thừa Tết Nguyên đán để thưởng thức những ánh đèn lung linh, huyền ảo.
Đầm Sen có nhiều tiết mục độc lạ thu hút khách.
Dù hơi cách xa trung tâm Sài Gòn, nhưng đây vẫn là địa điểm hấp dẫn các bạn trẻ. Cầu Ánh Sao được lắp đặt hệ thống đèn led trong lòng cầu tượng trưng cho những ngôi sao lấp lánh trải dài xuyên suốt dọc hai bên hông cầu nên nhìn từ xa, cầu như một dải sao nổi bật giữa những tia sáng bảy sắc màu.
6. Đường sách Tết
Trải qua 10 năm (2010-2020), Đường sách Tết TP.HCM đã trở thành điểm đến văn hóa Tết quen thuộc, được người dân thành phố ủng hộ và chờ đón. Năm nay, Lễ hội Đường sách Tết Canh Tý 2020 có chủ đề "Điều kỳ diệu từ sách" với điểm nhấn trọng tâm tôn vinh sách và khuyến khích văn hóa đọc của người dân. Lễ hội được tiến hành trong 7 ngày (22-28/1/2020; nhằm ngày 28 tháng Chạp đến ngày mùng 4 tháng Giêng âm lịch).
Vẫn là trung tâm quanh trục đường Nguyễn Huệ, Lễ hội Đường sách Tết Canh Tý 2020 được tổ chức trên ba tuyến đường: Tuyến Mạc Thị Bưởi (từ Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ) chủ đề "Thế giới kỳ diệu của em"; tuyến Nguyễn Huệ (từ Mạc Thị Bưởi đến Ngô Đức Kế) chủ đề "Điều kỳ diệu từ sách"; tuyến Ngô Đức Kế (từ Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ) chủ đề "Sách, cà phê và công nghệ".
7. Công viên văn hóa Đầm Sen
Khách tham quan có thể thưởng thức màn bắn pháo hoa kéo dài 15 phút trong đêm giao thừa. Trong những ngày Tết, khu du lịch này còn có biểu diễn lân sư rồng, tổ chức Đường mai, Phố ông đồ và các trò chơi dân gian. Ngoài ra, Đầm Sen còn có các liveshow ca nhạc, hài kịch với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng diễn hàng đêm.
Du khách còn được vui chơi tại Con đường Mây, được chơi đùa với những “cụm mây”, tung mây, tạo hình bằng mây, các cô gái có thể hóa thân thành tiên nữ khi chụp ảnh trong mây trước khi vào gặp “Ngọc Hoàng”.
Tại Quảng trường La Mã (từ mùng 3 đến hết sáng mùng 5 tết – mỗi ngày 2 suất sáng và chiều tối), là màn biểu diễn độc đáo với tên gọi “vũ điệu trên không”. Đây là chương trình biểu diễn với nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước tham gia. Điểm nhấn là phần hòa nhạc cùng dàn trống led trên không ở độ cao 10 mét. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các ca sĩ Long Nhật, Nguyễn Phi Hùng, Kiều Oanh. Đặc biệt là 3 nhóm múa trong và ngoài nước với các điệu múa áo dài Việt Nam, vũ điệu Samba, và vũ điệu bốc lửa Phi Châu.
Tại sân khấu Ngôi sao sẽ diễn ra các chương trình ca nhạc - hài kịch “Xuân Canh tý – cười hết ý”. Đây là chương trình ca nhạc - hài kịch thu hút sự tham dự của các danh hài như Lâm Vỹ Dạ - Hứa Minh Đạt; Hồng Vân - Chí Tài - Lê Lộc; Đại Nghĩa - Tấn Phát; Tấn Beo - Dũng Nhí; Quách Ngọc Tuyên - Hoàng Mèo; Lê Giang - Lê Lộc - Lê Dương Bảo Lâm.
8. Khu du lịch Suối Tiên
Suối Tiên năm nào cũng đông khách.
Đến Suối Tiên, các du khách nhí đặt chân đến thế giới thần tiên đầy sắc màu cổ tích với 99 trò chơi liên hoàn tại Vương quốc Thiên Tài tương lai hay thâm nhập vào Vương quốc của 25.000 cư dân cá sấu dũng mãnh.
Bên cạnh đó, trẻ em thích vui chơi ở Biển Tiên Đồng – Ngọc Nữ cùng hệ thống máng trượt xoắn ốc và tổ hợp trò chơi liên hoàn hiện đại, khám phá Lâu đài pháp thuật, Cổ Loa Thành, Kỳ Lân Cung, Phụng Hoàng Tiên và trải nghiệm cái lạnh -5 độ C tại Lâu đài Tuyết.