Dân Việt

Đây! Lý VCK U23 châu Á đầy khốc liệt và khó lường

Tùng Lâm 18/01/2020 21:20 GMT+7
Ứng cử viên vô địch U23 Nhật Bản, á quân U23 Việt Nam và đội giành hạng 3 U23 Qatar đều đã phải sớm xách va-li về nước. U23 Iran hay U23 Iraq cũng đồng cảnh ngộ. ĐKVĐ U23 Uzbekistan cũng phải rất vất vả mới có thể đi tiếp... Rõ ràng, VCK U23 châu Á khốc liệt và đầy khó lường.

VCK U23 châu Á 2018 chứng kiến những bất ngờ lớn khi 2 đội không được đánh giá quá cao trước thềm giải đấu là U23 Uzbekistan và U23 Việt Nam có mặt ở chung kết. Trong khi đó, U23 Malaysia hay U23 Palestine cũng tạo ra những bất ngờ lớn tại giải. Còn ứng viên nặng ký cho chức vô địch như U23 Australia hay U23 Saudi Arabia thì lại về nước từ rất sớm.

img

Á quân U23 châu Á 2018 - U23 Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng.

Tới VCK U23 châu Á 2020, những bất ngờ tiếp tục diễn ra. Trong số 8 đội giành quyền vào tứ kết cách đây 2 năm chỉ còn sót lại U23 Hàn Quốc và U23 Uzbekistan ở vòng đấu tương tự tại giải năm nay. Suýt chút nữa U23 Uzbekistan đã xách vali về nước sớm sau trận thua Hàn Quốc 1-2, nếu ở trận đấu cùng giờ U23 Iran ghi thêm 1 bàn thắng trước Trung Quốc. 6 đội còn lại góp mặt ở tứ kết giải lần trước là U23 Qatar, U23 Nhật Bản (vô địch năm 2016), U23 Palestine, U23 Iraq (vô địch năm 2013), U23 Malaysia, U23 Việt Nam thì có đến 4 đội dừng bước sau vòng bảng là U23 Việt Nam, U23 Qatar, U23 Nhật Bản, U23 Iraq.

U23 Nhật Bản – chủ nhà của Olympic Tokyo 2020 và là ứng viên hàng đầu cho chức vô địch tại VCK U23 châu Á 2020, kết thúc vòng bảng với 2 trận thua, 1 trận hòa, xếp bét bảng B. Tương tự, U23 Việt Nam – á quân tại VCK U23 châu Á 2018, chỉ có 2 trận hòa và thua 1 trận tại bảng D, cũng xếp bét bảng. U23 Qatar và U23 Iraq khá khẩm hơn (cùng có 3 điểm), nhưng cũng không đủ để giành vé đi tiếp.

Tại sao VCK U23 châu Á năm nay khắc nghiệt? Do đồng thời là vòng loại Olympic Tokyo 2020 nên các đội đều cử binh hùng, tướng mạnh tham dự giải. Vì lẽ đó, các trận tranh tài vòng bảng diễn ra cân bằng, kịch tính. Trừ U23 Trung Quốc, U23 Nhật Bản, U23 Triều Tiên sớm bị loại sau 2 trận thua, 4 bảng đấu đều gay cấn đến lượt trận cuối cùng. 8 gương mặt giành quyền vào tứ kết đều xứng đáng. Trong số này U23 Hàn Quốc nổi lên như là ứng viên sáng giá cho chức vô địch với thành tích toàn thắng 3 trận ở vòng bảng.

Cũng cần nói thêm rằng, bóng đá trẻ vốn thiếu ổn định, chưa kể các đội cũng luôn có sự thay đổi nhân sự ở mỗi kỳ tham dự. Không nhiều đội dự VCK U23 châu Á 2020 mà còn tới độ 8-10 cầu thủ từng có mặt ở Thường Châu cách đây 2 năm. Không phải nền bóng đá nào cũng liên tục đào tạo ra thế hệ hậu bị đầy tiềm năng cho đội tuyển quốc gia. U23 Việt Nam là đơn cử điển hình. Tương tự Qatar cũng không thể duy trì sức mạnh khi vắng Akram Afif, Ali Almoez…

Sự đua tranh nảy lửa và khốc liệt tại VCK U23 châu Á năm nay cũng là tín hiệu tích cực cho châu lục đông dân nhất thế giới. Rõ ràng đã không còn nhiều cách biệt về đẳng cấp giữa các đội tham dự. Trình độ giữa các nền bóng đá ở cấp độ trẻ có sự rút ngắn đáng kể. Việc nước chủ nhà Olympic 2020, U23 Nhật Bản xách vali về nước sớm trong bảng đấu có U23 Saudi Arabia, U23 Syria, U23 Qatar đã nói lên tất cả.

Thêm vào đó, các đội bóng ở Đông Nam Á cũng không còn cho thấy họ là “vùng trũng” nữa. 2 năm trước, U23 Việt Nam vào tới chung kết, U23 Malaysia cũng vượt qua vòng bảng. Năm nay, U23 Thái Lan ra quân bằng đại thắng 5-0 trước U23 Bahrain và đã có vé vào tứ kết. U23 Việt Nam dù về nước sớm, nhưng cũng có những trận đấu khiến đối thủ mướt mồ hôi.