Dân Việt

Cánh Diều Vàng 2012: Phim hài “gây bão”, giám khảo “rối bời”

04/03/2012 14:09 GMT+7
Dư âm Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 tại Phú Yên tháng 11.2011 chưa kịp lắng xuống thì ngay lúc này, giải thưởng Cánh Diều Vàng năm 2012 lại bắt đầu nóng lên.

Bí ẩn của phim hài giải trí

Giải thưởng Bông sen tại Liên hoan phim Việt Nam do Cục Điện ảnh và Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch tổ chức 2 năm một lần. Còn giải Cánh Diều Vàng là giải thường niên của Hội Điện ảnh VN. Các bộ phim có thể tham dự cả hai giải là chuyện hết sức bình thường.

img
Một cảnh trong Hello cô Ba

Năm nay, nhìn vào danh sách phim tham dự giải Cánh Diều Vàng, dư luận thấy một vấn đề nổi bật; Danh sách những phim hài chiếm số lượng khá lớn như Long Ruồi, Hello cô Ba, Tối nay 8 giờ...

Đặc biệt bộ phim hài Helo cô Ba do hãng phim Phước Sang sản xuất có dư luận đình đám nhất. Số là khi bộ phim này phát hành thì khắp trong Nam ngoài Bắc, nhiều tờ báo đều kêu giời về nội dung bộ phim, cho đó là “đỉnh cao của cái gọi là hài nhảm”.

Song một thực tế không thể phủ nhận là, trong số phim chiếu trong dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua Hello cô Ba lại đạt doanh thu cao nhất, trên dưới 20 tỷ đồng (trong khi vốn làm phim bỏ ra chỉ khoảng 2 tỷ).

Bộ phim ăn khách không chỉ ở hệ thống chiếu phim tại các tỉnh lẻ mà ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội hoặc Hồ Chí Minh, khán giả cũng kéo tới nườm nượp. Một số cây bút theo thói quen dễ dàng nhận xét, phim đó ăn khách là do khán giả xem phim theo phong trào, kiểu tâm lý đám đông... Họ dẫn chứng cảnh một anh chàng đang ngồi trong lều chăn vịt, người bạn đến hỏi, sao mày ngồi đây làm chi, mùi vịt hôi thối thấy bà?

Ngay lập tức, anh chàng chăn vịt rút trong túi ra thanh kẹo cao su, cho vào miệng nhai và nói, mùi kẹo cao su này sẽ đánh tan mùi hôi của vịt. Một kiểu chọc cười thô thiển kiêm một kiểu quảng cáo cũng hết sức… thô thiển.

Nhưng đó là cách nhìn nhận theo quan điểm của nhà báo và cũng không nên căn cứ vào những cái gây cười đại loại như thế để chê phim này. Trong phim Hello cô Ba, Phước Sang quy tụ được nhiều danh hài miền Nam, trong số này nổi bật là cây hài Hoài Linh.

Từ góc nhìn xã hội học, có thể Hoài Linh như một thanh nam châm hút khán giả đến rạp.

Đương nhiên, phim dự giải Cánh Diều Vàng không thể lấy yếu tố khán giả là một tiêu chí để gây áp lực với Ban Giám khảo. Bởi đây là giải của hội nghề nghiệp nên các Ban Giám khảo căn cứ vào những yếu tố có tính chuyên môn để trao giải như phong cách kể chuyện có tính sáng tạo không? Phong cách dàn dựng có gì mới mẻ không?

Người quay phim có trình độ nghề cao không? Công việc dựng phim có cảm xúc hoặc tiết tấu hợp lý không? Những thành phần như âm nhạc, tiếng động, nhạc nền... trong phim có hài hòa, hấp dẫn không? Diễn xuất của những diễn viên nam nữ, chính và phụ trong phim có nổi bật không, có quyến rũ không?.. Và các thành viên trong các Ban Giám khảo chưa chắc đã thống nhất ý kiến với nhau.

Lại còn ý kiến của báo chí, của dư luận nữa. Cho nên, điều đọng lại sau khi trao giải là những tranh cãi là những chuyện hết sức bình thường.

Cái khó của năm nay

Trước khi Giải Bông sen công bố, ai cũng nghĩ bộ phim Mùi cỏ cháy sẽ được giải Vàng. Bởi đây là bộ phim về đề tài chiến tranh nhưng hết sức cảm động, khán giả mọi lứa tuổi khi xem đều rơi nước mắt. Một đạo diễn ít khi khen phim như Đỗ Minh Tuấn cũng phải viết bài về các nhân vật trong phim đã hi sinh một cách hồn nhiên trong trắng là ''máu của các vị thánh''; còn đạo diễn Huy Thành thì công khai khen'' Liên hoan phim lần này có Mùi cỏ cháy'' là thắng lợi, là thành công mỹ mãn''.

Nhưng kết cục, Ban Giám khảo chỉ trao cho phim Bông sen Bạc. Liệu trong giải Cánh Diều Vàng năm nay, Mùi cỏ cháy có được Vàng không? Điều này lại tùy thuộc vào sự đánh giá của Ban Giám khảo mới. Song vấn đề đặt ra là, Ban Tổ chức và lãnh đạo Hội Điện ảnh VN thiết kế một Ban giám khảo như thế nào, có đủ uy tín và sự công tâm, sòng phẳng để trao giải cho đa số tâm phục, khẩu phục.

Năm nay, giải cũng sẽ được truyền hình trực tiếp nên công tác chuẩn bị dàn dựng sẽ lại là một thử thách. Tại Lễ bế mạc Liên hoan phim 17, nhiều người thấy dở bởi các clip giới thiệu về phim quá cũ, phần trao giải rời rạc, các MC không hiểu ý nhau v.v....Đạo diễn Trịnh Lê Văn, ủy viên Ban chấp hành Hội Điện ảnh VN đảm nhận sứ mệnh dàn dựng lễ trao giải năm nay. Đây có lẽ là bài toán khá hóc búa đối với Trịnh Lê Văn khi mà yêu cầu và đòi hỏi của người xem ngày càng cao.

Trong xu thế điện ảnh ngày càng phát triển, các cụm rạp ngày càng được xây dựng nhiều, các công ty tư nhân ngày càng tham gia làm phim nhiều hơn, việc trao giải một cách chính xác là một trong những điểm nhấn để phim Việt ngày càng gần gũi với người Việt và chất lượng phim sẽ ngày một nâng cao.

Theo Phụ nữ Thủ đô