Dân Việt

Con cái cần hiểu "bệnh già" của cha mẹ

05/03/2012 21:07 GMT+7
(Dân Việt) - Người già không còn khả năng lao động, sống dựa vào con cháu, ốm yếu cần được chăm sóc... nhưng vấn đề chính của họ là sự khác biệt về tâm lý, thay đổi về tính cách khiến các con cũng khốn khổ...

Khi cha mẹ già “khó ở”

Vợ chồng chị Vũ Thị Lý (Vụ Bản, Nam Định) sống với bố mẹ chồng đều ngoài 80 tuổi. Cụ ông bị gãy xương đùi đã 7 năm, xương lành nhưng đầu gối lại thẳng đơ nên cụ chỉ nằm một chỗ, việc ăn uống, vệ sinh đều một tay chị cáng đáng.

img
Các cụ bà tìm niềm vui trong sinh hoạt cộng đồng.

“Cụ không thông cảm mà thường xuyên đòi ăn những món giàu đạm, dễ bị rối loạn tiêu hóa như cháo lòng, tiết canh, mắm tôm, mắm tép… Mỗi ngày tôi phải dọn vệ sinh cho cụ 2-3 lần. Nhưng cho cụ ăn thanh đạm thì cụ lại mắng chửi vợ chồng tôi tiếc miếng ăn, bất hiếu, đối xử với bố mẹ bạc ác” - chị Lý tâm sự.

Còn mẹ chồng chị cũng “đốc chứng” nói suốt ngày. Bà kể lể từ hồi chân đất, đầu chấy đến khi nuôi con khó nhọc, khổ sở chừng nào. Mà bà chỉ nhè bữa cơm mà nói. Bà cũng cứ mang chị Lý ra mà chửi, rằng ngày xưa bà làm dâu khổ thế nào, ngày nay con dâu mất dạy, lười chảy thây, hành hạ bố mẹ chồng. Một chuyện thật thì 10 chuyện do bà “sáng tác” ra. Càng thanh minh, giải thích, bà càng mắng tợn. “Nhiều lúc tôi uất ức đến phát khóc. Mình chẳng bất hiếu thì cũng chẳng làm mặt vui được khi bố mẹ cứ hành mình thế”.

Anh Trần Đăng Nhạn (Phủ Lý, Hà Nam) lại khổ nhục vì chuyện bố “già rồi còn dê”. Ông đã 75 tuổi nhưng chỉ thích ngồi kể chuyện “tình sử” từ thời trẻ đến lúc tóc bạc hoa râm. Nhà anh Nhạn cách trường cao đẳng một bức tường. Hàng ngày bố anh chỉ thích đứng cổng trường để ngắm các cô sinh viên rồi về bình phẩm oang oang. Có lần, ông còn trèo lên cây để nhòm trộm vào nhà tắm của các cô, bị bắt quả tang… Con cháu xấu hổ quá, có ý kiến thì ông lại oang oang mắng chửi rồi chứng nào tật ấy. “Bố mẹ cần sống để con cái kính trọng, yêu quý thì mới hiếu đễ được. Đằng này…” – anh Nhạn thở dài.

Nối một cây cầu

Theo GS Lê Thi – nguyên Viện trưởng Viện Gia đình và Giới, đặc điểm tâm lý nổi bật của người già là nuối tiếc tuổi trẻ, hay hoài cổ. Họ thường nhắc đến quá khứ nhiều hơn hiện tại, rất tự hào về kinh nghiệm sống đã qua của mình và “dị ứng” với cái hiện đại. Ông bà thấy mình già yếu, không làm ra tiền, sợ con cái không nể trọng mình nên bực bội, u uất, sinh cáu gắt.

“Hiện nay, cha mẹ và con cái thường ứng xử với nhau bằng kinh nghiệm, tình cảm mà thiếu kỹ năng giải quyết xung đột, ứng xử với sự khác biệt tuổi tác, thế hệ. Khi dân số già hóa, mọi người cùng phải học kỹ năng ứng xử và chung sống với tuổi già.”

Hơn nữa, sức khỏe của người già cũng suy sụp khiến họ dễ phản ứng tiêu cực với mọi việc, cảm thấy mình bị bỏ rơi, cô đơn nên sinh tủi phận, buồn bã. Do đó, tính cách của nhiều người cũng thay đổi “180 độ”. Từ người mẹ, người bố hiền lành, đáng kính sinh ra cố chấp, bảo thủ, khó tính, nói nhiều, nói dai, nhớ nhớ quên quên… Sợ con cái coi thường, “bỏ quên”, nhiều cha mẹ xác định lại quyền lực cho mình bằng cách chửi mắng con cái khiến con “phát điên” và tỏ ý bất phục, bất kính.

Không ít trường hợp cha mẹ già bị các con đùn đẩy trách nhiệm nuôi dưỡng cũng chỉ vì “khó tính, hay mắng chửi con cái”.

Muốn hạn chế được mâu thuẫn “về già” này, theo GS Lê Thi, cả cha mẹ và con cái đều phải sớm “lường trước” những khó khăn. Cha mẹ sống mẫu mực và biết cảm thông cho con cái, không nên sống phụ thuộc vào con cái. Còn con cái cần hiểu “bệnh già” của cha mẹ để đối xử ân cần, vị tha hơn. “Cha mẹ già là hình ảnh của chính chúng ta trong tương lai, nếu ai trông cha mẹ già mà vất vả quá hãy nghĩ đến điều này” – GS Lê Thi cho biết.