Thực trạng báo động
Thành cổ Luy Lâu (còn có tên gọi khác là Siêu Loại, Lũng Khê) thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, gắn liền với thời kỳ giặc phương Bắc xâm lược nước ta từ Tây Hán đến nhà Đường. Thành có cấu trúc hình chữ nhật (3.000x200m) với lũy, hào, cửa, vọng, gác… Trước đây, 4 góc thành có 4 trạm gác gọi là “Tứ trân”, ở đoạn giữa phần quay ra sông Dâu có một ngôi nhà nhỏ gọi là Vọng Giang Lâu với lối kiến trúc thời Lê Mạt.
Đường vào thành cổ bừa bộn và đầy rác thải. |
Với những giá trị lịch sử to lớn đó, thành cổ Luy Lâu đã sớm xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 13.1.1964. Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Khoa – Trưởng ban Văn hóa, thể thao xã Thanh Khương cho biết: “Nếu so với diện tích ban đầu thì thành cổ Luy Lâu đã mất khoảng 25%, cụ thể là phía tây dài 328m, phía đông dài 320m, bắc 680m, nam 520m”.
Tòa thành hiện nay chỉ còn lại là một bãi đất trống với một đoạn tường thành, những di tích mộ táng, khu cư trú, hào sâu, thành đất cao đều đã và đang bị xâm hại. Nguy hại và phản cảm hơn là hiện trạng rác thải ngập tràn trên con đường vào thành cổ do chợ làng án ngữ ngay tại ngay cổng vào thành.
Cũng theo ông Khoa: “Ngoài chợ họp hàng ngày, vào các ngày 2, 5, 7, 10 âm lịch hàng tháng là các phiên chợ họp vào buổi sáng. Vào những ngày đó, số lượng người tham gia rất đông, và theo đó, một lượng rác thải rất lớn đổ ra. Xã cũng đã có kế hoạch di chuyển chợ, trả lại cảnh quan cho thành, tuy nhiên kế hoạch đó vẫn chỉ nằm trên giấy tờ. Lượng rác thải đầy lên mỗi ngày nhưng chưa tìm ra chỗ tập kết”.
Theo quan sát của chúng tôi, một phần của con ngõ nhỏ bị biến thành chợ khiến thành Luy Lâu bị bịt mất lối vào tất cả các buổi sáng hàng ngày. Sau khi chợ tan thì nào rác rưởi, túi nylon, bàn bán thịt… ngổn ngang, bừa bãi làm cho lối đi vào thành Luy Lâu như một bãi rác. Kinh khủng nhất là mùi tanh hôi của những loại thực phẩm ươn thối bốc ra khiến những người muốn vào thành vãn cảnh chỉ còn cách bịt mũi để vượt qua.
Mỏi mắt mong chờ
Từ khi được công bố là di tích lịch sử văn hóa (1964) đến nay, thành cổ Luy Lâu đã được trùng tu 2 lần. Tuy nhiên, bác Đỗ Như Nghiên (thủ từ đền Sỹ Nhiếp) cho biết: “Việc trùng tu chủ yếu tập trung ở khu vực đền và chỉ ở mức độ sửa sang hỏng hóc nhỏ. Nhiều lần dân làng có mong muốn đóng góp xây dựng nhưng vì đây là di tích cấp quốc gia nên việc trùng tu phải do trên quyết định và người dân chỉ biết chờ đợi mà thôi”.
Lần trùng tu đầu tiên (năm 2001) với kinh phí 100 triệu đồng, do cơ quan bảo tồn, bảo tàng tỉnh Bắc Ninh đầu tư xây dựng nhà tiền đường. Lần thứ 2 vào đầu năm 2011, tiến hành trùng tu nhà hậu cung thờ Sỹ Nhiếp với kinh phí 82 triệu và toàn bộ công sức lao động do người dân xã Thanh Khương đóng góp.
Hai lần trùng tu vẫn đảm bảo giữ nguyên hiện trạng cũ của thành cổ Luy Lâu, chỉ sửa lại những chỗ hỏng hóc như lớp mái, chống dột… còn một phương án trùng tu tổng thể thì vẫn chưa.
Hoàng Minh