Hôm ở cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng), xứ của sắc tộc bản địa K’ho, gặp được căn nhà dài nguyên bản của họ, mừng gì đâu. Cả cái bòn (buôn) Djiring - từ đây mà thành ra địa danh tên “Di Linh” - còn lại được độc nhất căn nhà dài ở gần sát thung lũng dưới chân đỉnh núi Brah Yang kia. Đi vòng quanh, ngắm như vọng mơ sơn nữ xưa...
Căn Nhà dài của người Ê Đê nơi đầu nguồn con suối Ea Tam và từ đó chảy xuyên xuống TP.Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk). Ảnh: N.H.T
Gặp nhà dài, lòng vui lắm
Giờ lại ở buôn Ko Tam, xứ sắc tộc Ê Đê, cũng ngắm được một căn nhà đặc trưng của tộc người này, và dạ cũng rộn rã tương tự. Nó là buôn đầu nguồn của con suối quan trọng nhất, dài nhất chảy qua lòng thành phố Buôn Ma Thuột, Ea Tam mà. Vẫn kiến trúc mang hình thái viên hình kim cương, chữ V úp ngược, và chỉ chất liệu gỗ, ngoại trừ những rừng cỏ tranh không còn thì lấy tôn lợp mái vậy. Vẫn chiếc cầu thang bằng gỗ bước lên. Vẫn 7m chiều ngang trên sàn nhà, và dài thườn thượt từ trước ra sau trên năm chục thước. Là không dàn trải ở mặt tiền, không có “chủ nghĩa” mặt tiền. Người ta sống theo chiều sâu, cho lợi tâm hồn, sở thích, chứ không theo cái lợi cơ cầu vật chất. Độ nồng nàn của gia đình cô lại, đọng dồn độ ấm “tổ người” về phía sau. Ba cửa sổ trên vách chạy dọc ở mỗi bên. Nhà cách mặt đất một thước hai và toàn gỗ như thế làm sao mà không mát vào mùa khô và ấm vào mùa mưa được chứ. Những bóng cây trái vẫn sà vào mái dốc của căn nhà dài.
Và nhớ bữa nọ, ở cái buôn Cư Dluê, buôn cuối dòng Ea Tam ấy, cách 25 cây số theo con nước chảy, vẫn còn được một căn nhà dài như thế, giữa bao vây phủ kín nhà xây. “Tây Nguyên” quá, sơn cước quá, là cái thần thái, “hồn xứ” đó mà.
Một người đàn ông M’Nông Rlăm ngồi trước nhà dài nghỉ ngơi. Ảnh: N.H.T
Nên mùa mưa rồi, lọt vô vùng Lăk, gặp những bòn Tría, Triết, Lê, Jun, Tơr, Dơn Kriêng, Kdiê, thấy nguyên những lớp nhà dài vo tròn ở các bòn mà nhảy dựng lên vì sướng. Như gặp lại châu báu về không gian sống của loài người. Không có bản thiết kế, quy hoạch gia, kiến trúc sư nào cả, mà nhà nào đều đặn với nhà đó từ khoảng cách đến độ to nhỏ của căn nhà, độ cao, khoảng lùi, lối đi. Nó bài bản, hài hòa và tha thiết với tự nhiên đến ngỡ ngàng. Đơn giản vì chủ nhân trong từng căn nhà dài không muốn hơn thua những nhà xung quanh, không thể hiện đẳng cấp, hay có ý khác người. Họ chỉ muốn “như nhau”. Chắc tâm hồn hướng vào đại ngàn buổi nào chưa phai lạt, là thứ tâm hồn giao hòa, nương tựa vào đại ngàn, đồng chịu, đồng cảm, đồng tình, luôn biết con người là nhỏ bé trước thiên nhiên ấy vẫn còn nên họ mới có thể tổ chức bòn (đơn vị cộng đồng xã hội) ra như thế.
Mà thực ra có ai tổ chức đâu, người cất sau nhìn người cất trước mà ứng xử. Cứ thế. Thế hệ ra sau, nếu cần tách nhà, cũng nhìn vào cấu trúc chung đó mà cất thêm cái mới, ráp dài hoặc rộng bòn ra, thêm nhà. Đơn giản, tự nhiên. Hai ba chục căn tụ lại, là hai ba chục gia đình lớn, làm thành một cái bòn. Rặt người M’Nông Prâng, Rlăm, M’Nông Gar, không có sự trộn lẫn, lỏi chỏi nào cả. Giữa những lớp núi non, thung lũng, đầm hồ, rẫy nương, bỗng hiện ra một “tổ người”, và những “tổ người”.
Căn nhà dài của người M’Nông Rlăm dùng nhiều lồ ô ở vùng huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk. Ảnh: N.H.T
Trên xa kia là những dãy núi, dưới chân nó là hồ Lăk tự nhiên hoang sơ mênh mông nước. Những bòn người lọt vào không gian đó. Bóng núi che bòn. Mặt nước hồ làm mát bòn. Mọi thứ trong các bòn êm ả, lớp lang và mượt mà đến độ người đô thị hiện đại nhất cũng phải nể. Mà ấy là chưa nói, hình thức kiến trúc lại càng không quan trọng bằng “phẩm chất người” sống trong không gian chung với nhau. Ở đây chẳng có mỗi nhà là một “ốc đảo”. Chẳng có điếm canh đầu làng, chẳng có người tuần tra. Bòn không có rào, nhà không có cổng, cửa không có khóa, dù đêm hay ngày, dù đang mùa đầy của cải hay mùa xài vơi cạn của cải. Lành và tràn đầy niềm tin vào cuộc sống... Người ta trao đổi tình thân thương với nhau như trao đổi khí. Và cũng chẳng ngại ngùng với người lạ, hay kẻ gian. Sống thảnh thơi, an nhiên, không canh ke, cẩn mật, hoài nghi, sợ hãi, vị kỷ.
Ở đó, hàng ngày những người phụ nữ vẫn chiếc gùi trên vai đổ bóng xuống bòn. Vẫn Mẫu hệ - phụ nữ giữ vai trò chủ nhà và con cái mang họ Mẹ. Họ vẫn lên rẫy, vào rừng, xuống ruộng, đi phố (Buôn Ma Thuột, hoặc thị trấn Liên Sơn). Đi phố vẫn chiếc gùi trên vai, để đựng những gì cần mua. Chiếc gùi làm bằng lồ ô đó thách đố văn minh túi nylon của hệ thống xã hội và con người được cho là hiện đại: Đô thị. Những người đàn ông vẫn lặn lội lên rừng xuống rẫy cùng vợ; tha thiết, thương yêu, hợp tác, trao đổi, vâng lời, thống nhất, giao hòa.
Tiếng chiêng sẽ đánh từ đâu...
“Nhà dài như một tiếng chuông ngân”. Sử thi Tây Nguyên từ lâu đời đã từng thể hiện thế về đặc điểm “cái”cư trú của mình, và cao rộng hơn là về cái quê núi đại ngàn, cái miền thượng Kirata (người Chăm xưa gọi miền đất trên non cao lùi sâu vào phía biển - là Tây Nguyên ngày nay) tràn đầy màu xanh, thanh tịnh, vạm vỡ, rực rỡ và huyền ảo. |
Có độ bỏ ra mấy mùa khô, mùa xe máy dễ dàng chạy khắp góc rừng xó núi, lang thang cao nguyên Dak Nông - cao nguyên Trung tâm, quan trọng và văn hóa lâu đời nhất Tây Nguyên, nơi ở của người bản địa M’Nông Bu Nor, M’Nông Bu Dêh, M’Nông Preh. Nhìn các bòn người M’Nông này đã “sát đất” cả, hiện hình những “xóm”, “phố”, với nhà mái bằng, gạch, bê tông, phân lô, cấp ba, cấp bốn, và có cái không thuộc cấp nào. Có nơi bòn vẫn tên đó, người vẫn nói ngôn ngữ Môn-Khmer, hay Malayo Polynésien, nhưng hình thái văn hóa kiến trúc đã rã biệt. Có chỗ tên bòn đã bỗng thành số, là 1, 2, 3, 4, 5… với tiếp đầu danh nó là “Thôn”. Bòn mất tên. Nhà cửa ở bòn buôn lại bắt đầu thò vào thụt ra. Nhà to, nhà bé, cao với thấp nhảy tưng tưng, kiến trúc thì muôn hình vạn trạng, còn màu sắc lại vàng, đỏ, xanh, tím nháo nhào.
Bà con sơn cước giờ “xuống đất” và “sát đất” cả rồi. Y chang bảo làng người Kinh mình lên đây lưu cư, ở mọi nơi...
Nhìn những căn nhà sàn, nhà dài cuối cùng ấy, không biết nó chống chịu được bao lâu nữa trước ba đào xu thế. Rừng đã bỗng biến tan trong chớp mắt - nếu nơi nào còn sơn nhân cũng không thể tự do lên đó kiếm gỗ nữa. “Nhà dài” đối diện với trùng vây thực tại. Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” ấy cũng xanh xao, chơ vơ. Tiếng chiêng sẽ đánh lên từ đâu, va vào đại ngàn, hay va vào “sân khấu”, va vào khu phố, vào tường nhà bê tông, va vào nền văn minh đồng bằng, hay va vào nền văn minh đô thị. Hay nó phải là dư vang kỷ niệm của loài người một thời nào đó xa xăm. Giờ thì nó đã... dài như tiếng thở dài của rừng xưa.