Dân Việt

Xứ Tuyên - "miền gái đẹp"

Tạ Bá Hương 29/01/2020 06:10 GMT+7
Về vùng đất Tuyên Quang, An Phủ Trần Quang thời Lê từng viết: “Đây là xứ sơn kỳ thủy tú, con người tươi đẹp, ruộng nhiều lúa chín, đất nở đầy hoa, chim kêu vượn hót, thuốc quí tiềm tàng...”.

 Lật giở tích xưa...    

Chẳng biết có phải từ thời xa xưa, khi Mạc Đăng Dung mang theo các cung tần mĩ nữ lên xây thành ở đất Tuyên Quang, hay tại khí sắc của vùng sơn kỳ thủy tú với những ôn tuyền, thanh tuyền kia mà Tuyên Quang có nhiều người đẹp? Tại ngôi đền Ông ở huyện Hàm Yên còn có câu đối: “Sơn kỳ thủy tú chi linh ứng - Tài tử gia nhân tại hạo nhiên” (nghĩa là: Núi sông tươi đẹp ở đất thiêng - Trai tài gái sắc bởi thiên nhiên).

Tô Hương Lan - Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 1994. Ảnh:img T.L

Tên gọi “Miền gái đẹp” có lẽ ra đời từ một điển tích. Điển tích này bắt nguồn từ câu nhận định lan truyền trong dân gian: “Chè Thái, gái Tuyên”. Theo nhà văn - nhà nghiên cứu Phù Ninh thì sự xuất hiện con gái đẹp, tôn vinh vẻ đẹp người con gái có ở xứ này từ thuở xa xưa. Tín ngưỡng thờ Mẫu rất thịnh hành tại Tuyên Quang là một điển hình. Thánh Mẫu đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La là hai công chúa Ngọc Lân và Phương Dung theo xa giá vua cha đi kinh lý rồi hiển thánh. Vì thế, kiệu Mẫu, kiệu nhang án, kiệu võng đào trong Lễ rước Thánh Mẫu đều đặt trên vai các thiếu nữ. Lễ hội này có thi Đánh cờ người, trong đó 16 quân cờ là nữ tú đẹp người, đẹp nết.

Trong văn hóa dân gian ở Xứ Tuyên, dưới dạng sự tích, như: Sự tích Đèo Nàng, sự tích Núi Ái Cao, sự tích Pù Loòng Nào, sự tích đèo Ái Au... có điểm chung: Những người con gái sắc nước hương trời đều có kết cục bi thương là tìm đến cái chết, vì không chịu bị ép duyên. Họ là những người đẹp nơi miền sơn cước, được bước ra từ văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang. Trong dân gian Xứ Tuyên cũng từng có câu “ Mận Hồng Thái, gái Thượng Lâm”, ý nói quả mận ở xã Hồng Thái ngọt thơm, con gái xã Thượng Lâm thiên hạ ngắm nhìn không chớp mắt.

Thời danh tướng Trần Nhật Duật trấn giữ mạn Tuyên Quang, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, khi thắng trận trở về, trên đường úy lạo nhân dân, người tướng tài ba này đã yêu một thiếu nữ người Tày ở huyện Na Hang. Người con gái ấy có sắc đẹp nghiêng nước, nghiêng trời, lại có tài thêu hoa văn trên các vuông thổ cẩm. Sau này, người con gái ấy trở thành đệ nhị phu nhân. Dấu tích liên quan đến vị công thần của vương triều Trần này vẫn còn hiện hữu tại ngôi đền cổ kính, linh thiêng dưới chân núi Pắc Tạ, giữa lòng hồ thủy điện Tuyên Quang.

img

Nguyễn Hoài Thu (SN 1998, quê Na Hang, Tuyên Quang). Ảnh: Máy Cỏ

Sự hội tụ làm nên nét đẹp

Đi tìm lời giải cho sự xuất hiện người đẹp trong suốt chiều dài ngàn năm ở xứ Tuyên này là một điều rất khó. Theo lý giải của ông Nguyễn Vũ Phan - nguyên quyền Giám đốc Sở VHTTDL Tuyên Quang, thì Tuyên Quang là vùng đất nằm ở quãng giữa của hai tiểu vùng khí hậu Đông Bắc và Tây Bắc. Vùng Đông Bắc có tiểu khí hậu ẩm ướt, còn Tây Bắc mang đặc trưng khí hậu nóng. Vì vùng đất kết hợp yếu tố của cả hai vùng khí hậu này nên con gái Tuyên Quang thường có nước da trắng ngần, mang vẻ đẹp trong trẻo và đằm thắm hơn so với các địa phương khác.

img

 Những cô gái dân tộc Tày ở “miền gái đẹp”  Tuyên Quang.  Ảnh: T.L

Theo nhà văn Phù Ninh, thời chống Pháp, không ít chàng trai đi kháng chiến qua phố Tuyên say mê cô Xuân, cô Hạ  nhà Bảo Khuê. Hai chị em xinh đẹp này xuất hiện trong phim “Việt Nam trên đường thắng lợi” của  đạo diễn nối tiếng người Nga Roman Carmen. Sau này, Tuyên Quang còn có thêm một số người đẹp nổi tiếng: Siêu mẫu Thủy Hương, siêu mẫu châu Á Thanh Chấn, các diễn viên điện ảnh Thu Hà, Thanh Hằng, Mai Huê, Á hậu Tô Hương Lan...

Con gái Tuyên Quang mang vẻ đẹp hình thể và tâm hồn. Những cô gái  đẹp, thường có cha mẹ khác tộc người: Bố Tày, mẹ Kinh, hoặc bố Kinh, mẹ Hoa, bố Dao mẹ Tày... Ngược chiều thời gian, hòa huyết giữa người Kinh và người Tày thấy được từ thời nhà Lý. Năm 1082, Vua Lý đã gả công chúa Khâm Thánh cho tộc trưởng họ Hà, thủ lĩnh Châu Vị Long (là vùng Na Hang, Chiêm Hóa ngày nay). Công chúa lên miền ngược làm dâu đem theo số đông thể nữ hầu hạ. Những thể nữ này được gả cho trai tráng họ hàng của tộc trưởng.

Lịch sử thời trung đại từng có cuộc thiên di của cư dân thành Thăng Long do sự kiện vua tôi nhà Mạc rút lui lên Tuyên Quang. Thời hiện đại có tới cả vạn cư dân Hà thành, nhà hoạt động cách mạng, tướng lĩnh, trí thức, nhà khoa học, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, ca sĩ, thanh niên học sinh sinh viên, nhà buôn, nhà doanh nghiệp, thợ thủ công giỏi nghề đã tụ về “thiên đô” An toàn khu Tuyên Quang. Họ sống ở xứ này suốt cuộc kháng chiến trường kỳ. Dấu ấn văn hoá của hai cuộc di dân, sự giao thoa văn hoá nhiều tộc người truyền lại tính ưu việt cho đến bây giờ. Những yếu tố đó chung đúc nên vẻ đẹp hình thể và tâm hồn cùng tính tình thân thiện, ứng xử bao dung của con gái Tuyên Quang.