Với công trình “Castaway Island Resort”, Công ty Kiến trúc Võ Trọng Nghĩa (VTN Architects) đã đoạt “Giải vàng-giải GOLD-ARCASIADhaka” 2019 cho hạng mục công trình công cộng (đây cũng là năm thứ 7 Công ty Kiến trúc Võ Trọng Nghĩa được “Giải vàng” tại Arcasia Award for Architectures). Đây là một giải thưởng uy tín của Hội Kiến trúc sư châu Á. Công trình Castaway Island Resort trên quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) với các bungalow, nhà hàng và chòi nghỉ đều được làm bằng kết cấu tre và lợp mái vọt, mang lại cho du khách một trải nghiệm đặc biệt về văn hóa Việt Nam.
Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa. Ảnh: T.L
Tháng 11/2019, Văn phòng kiến trúc Vo Trong Nghia Architects đã vinh dự nhận giải thưởng “Architect of the year (Kiến trúc sư của năm) - Dezeen Awards 2019” do Tạp chí Dezeen (tạp chí chuyên về kiến trúc, nội thất, thiết kế hàng đầu thế giới hiện nay) bình chọn. Trước đó, tháng 3/2019, kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa và các cộng sự đã đoạt “Giải thưởng Kiến trúc xanh” (Green Good Design Awards) - một trong những giải thưởng quan trọng và lâu đời nhất trên thế giới về lĩnh vực thiết kế xanh, được tổ chức kể từ năm 1950 tại Chicago, Mỹ bởi Trung tâm Nghiên cứu thiết kế kiến trúc nghệ thuật châu Âu và Viện Kiến trúc Chicago. Dấu ấn của những công trình này, bên cạnh yếu tố xanh là sự góp mặt của chất liệu tre.
Nhiều năm qua, miệt mài “thổi hồn” vào các công trình kiến trúc tre, dường như Võ Trọng Nghĩa muốn nhấn mạnh nét đẹp của làng quê Việt vẫn thấp thoáng quanh những thanh tre uốn vòm độc đáo cùng kỹ thuật ghép nối truyền thống, cải thiện tuổi thọ của tre đến 10-15 năm… Không chỉ với các công trình trong nước, Võ Trọng Nghĩa đã đưa những công trình tre sang Bắc Mỹ, Trung Quốc, Úc, Ý… và được người nước ngoài ngưỡng mộ bởi tính độc, lạ, sáng tạo. Rất nhiều công trình tre của Nghĩa từng đoạt giải thưởng quốc tế.
Quán cà phê Kontum Indochine (TP.Kon Tum) với chất liệu chủ yếu là tre. Ảnh: V.T.N
Nghĩa có niềm say mê mãnh liệt với chất liệu tre. Cũng chính vì thế, anh phải vật lộn sau nhiều lần thất bại mới tìm ra công thức khiến tre trở thành vật liệu khá bền, thay vì chóng mục, gãy nát theo thời gian. Cũng chính nhờ các công trình tre cùng các công trình xanh khác, Võ Trọng Nghĩa đứng đầu trong danh sách 21 kiến trúc sư đại diện cho thế kỷ 21 (giải thưởng WAN 21 for 21).
Các công trình tre điển hình của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa và cộng sự: “Cafe Gió và Nước” ,“Bar Gió và Nước”, “Nhà hàng tre Bamboo Wing” thuộc Flamingo Đại Lải Resort, Kontum Indochine Café, Nhà hội nghị Đại Lải 2013, dự án Gian triển lãm Việt Nam (Expo Thượng Hải 2010) và Hill restaurant ở Mexico, nhà hàng tre ở Hạ Môn (Trung Quốc)... |
“Sở dĩ tôi chọn chất liệu này vì ở đâu trên đất nước Việt Nam này cũng đều có tre. Nguồn nguyên liệu vùng phong phú như thế vừa rẻ, vừa khai thác tại chỗ, lại mang đậm màu sắc bản địa, tại sao không làm? Hơn nữa, cây tre gắn liền với người Việt, từ mọi vật dụng xung quanh ngôi nhà, cho đến ký ức của những người con xa quê. Tuy nhiên, bài toán khó đặt ra là làm sao biến tre thành vật liệu bền vững và kết nối các mối tre lại trong một kết cấu phức tạp để nối dài các mái vòm trong thiết kế” - kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa chia sẻ.
Và anh đã thành công khi sử dụng khớp nối chốt tre truyền thống. Những thân tre được liên kết bằng các chốt uyển chuyển, nhẹ nhàng và chuyển tiếp đầy nhịp điệu.
Một trong những đặc điểm ở công trình kiến trúc tre của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa chính là những mái vòm có độ cao khác nhau, lấy cảm hứng từ những ngọn núi bao quanh tạo thành một đường chân trời hài hòa với phong cảnh hữu tình. Cây tre - hình ảnh đại diện của làng quê Việt Nam và “linh hồn tre” được truyền tải trong ngôn ngữ kiến trúc hiện đại khiến những ngôi nhà, nhà hàng... trở nên thân thương, quyến rũ mà vẫn khiến người thưởng lãm kinh ngạc vì sự hoành tráng của không gian bạt ngàn gió mở ra trước mặt.