Yêu quê, yêu mãi bây giờ còn yêu
Được gặp nhạc sĩ Trịnh Hưng tại Paris (Pháp) năm 2007, tôi mới biết: Thì ra những tình ca thôn dã đẹp đẽ về nông thôn Việt Nam mà từ nhan đề đã toát lên tình cảm nồng hậu là của tác giả đây. “Tôi yêu”, “Lúa mùa duyên thắm”, “Trăng soi duyên lành”... có nhiều chữ “duyên” và các tác phẩm cũng thấm đẫm niềm yêu thương lưu luyến.
Trịnh Hưng lúc ấy đang tuổi 77, ông di cư sang Pháp năm 1990, khi tuổi 60. Được gặp ông lần đầu Hè 2007 không ngờ là lần duy nhất và cuối cùng, với tôi, Trịnh Hưng để lại những cảm thương, tiếc nuối... Làm sao có lại cuộc gặp thứ 2 khi ngay cả người giới thiệu tôi - nhạc sĩ Quốc Lâm - từ Hà Nội sang thăm con trai, cũng khó do mất liên lạc. Khi ấy tôi không biết gì về Trịnh Hưng ngoài cái tên, không biết mặt nhưng khi nhạc sĩ Quốc Lâm hát vài câu trong “Tình thắm duyên quê”, thì tôi mới reo lên. Ông già vận áo vest, mũ phớt xám, chống gậy (can) má nhăn nheo, nở nụ cười tươi và càng sảng khoái khi tôi hát cả đoạn 1 và nói đã nghe bài này từ bé. “Ở Việt Nam có nhiều người biết bài của tôi không?”. “Riêng bài này thì rất nổi tiếng, được các ca sĩ cự phách hát suốt đấy bác ạ, như là Thu Hiền”. Trịnh Hưng phấn khởi lắm: “À, tôi biết Thu Hiền, băng đĩa trong nước vẫn gửi sang, các trung tâm ca nhạc hải ngoại vẫn thâu bài của tôi”.
Nhạc sĩ Trịnh Hưng (trái) cùng nhạc sĩ Trần Quang Hải, tháng 10/2003. Ảnh: GS-TS Trần Quang Hải cung cấp
Chúng tôi cùng nhau xuống métro về trại dưỡng lão nơi ông ở. Phòng của ông 15m2, không có tiện nghi gì đáng kể. Lần đó, tôi ở Pháp 3 tháng, khi gặp được Trịnh Hưng thì chỉ còn vài tuần. Tôi rất nhớ mấy lần gặp Trịnh Hưng đều vào các buổi chiều nhiều nắng gió. Trịnh Hưng rất nhiệt tình mời tôi: “Khi có thể cứ đến chơi, hoặc cháu ở đâu bác sẽ đến, bác còn khỏe, lại không tốn tiền vé tàu, bác ở diện được miễn vé mà”.
Những lần gặp gỡ, bác kể về những khổ ải trong đời, về sự thích yêu nhưng sợ đàn bà, sợ kết hôn do gặp phải người vợ tai quái. Trong lần gặp cuối, bác lại kể những khổ ải tình yêu bạn hữu trong nước và ước về thăm quê ở Bắc Ninh lần chót. Đủ thứ khổ mà rồi kết mỗi đoạn kể lại cười đôn hậu.
Danh ca Bạch Yến cùng nhạc sĩ Trịnh Hưng, tháng 6/2004. Ảnh: GS -TS Trần Quang Hải cung cấp
Trịnh Hưng không chỉ viết về quê hương theo ký ức những gì nhìn thấy, mà viết bằng nỗi nhớ da diết chất chứa khao khát thanh bình. Cảnh vật làng quê trong tình ca quê hương của Trịnh Hưng là chuỗi tranh liên hoàn vẽ bằng âm nhạc từ trái tim khắc khoải muôn ngàn tình tự gửi về xứ sở. Đấy là Kinh Bắc trong mơ. Sống tại Sài Gòn từ 1954, quê hương trong âm nhạc Trịnh Hưng còn có cả miệt vườn, sông nước miền Nam, trong giấc mơ nước nhà thống nhất: “Tôi yêu quê tôi, yêu mãi bây giờ còn yêu/ Yêu chim bay qua mang đến tin mừng thái hòa/ Yêu anh, yêu em, yêu nước, yêu trời gần xa...”.
Chỉ tình quê mãi trong trẻo
Nhưng con dốc vùng Créteil ấy vẫn bừng nắng gió với hình ảnh cụ già tươi cười nhân hậu một mình trên đường vắng đón tôi mà tôi nhất định có ngày quay lại. Dù không gặp được Trịnh Hưng, vẫn có bóng ông ở đó. |
Nhạc sĩ Trịnh Hưng (sinh năm 1930, quê Bắc Ninh), theo kháng chiến chống Pháp khi 15 tuổi, làm đội phó Văn công Trung đoàn Thăng Long. Sáng tác từ khi 20 tuổi, nhưng sau 1954 vào Nam, ông mới có tác phẩm gây chú ý. Những tình ca được yêu chuộng của Trịnh Hưng viết tại Sài Gòn, nơi ông sống đến năm 1990, nghe tên đã thấy sự mộc mạc vui tươi, tin yêu chan chứa: “Tôi yêu”, “Lối về xóm nhỏ”, “Lúa mùa duyên thắm”, “Tình thắm duyên quê”, “Trăng soi duyên lành”, “Tiếng ca dân lành”.
Thời trẻ sống bằng nghề dạy đàn, luyện giọng; vào Nam và sau 1975, Trịnh Hưng lại dạy nhạc kiếm sống. Cả đời chỉ có 1 CD cá nhân duy nhất thu âm tại Pháp, với 12 ca khúc nổi bật nhất, ra mắt tháng 10/2003.
Về Việt Nam năm 2000, 2002, 2005, Trịnh Hưng gặp lại những đồng nghiệp, bạn cũ yêu mến từ thời trai trẻ, trung niên và những năm khốn khó. Lần nào cũng về Thanh Hóa thăm thi sĩ Hữu Loan - người anh mà ông mến mộ từ hơn nửa thế kỷ trước, bởi bài thơ “Màu tím hoa sim” bất hủ, quý nhau khi còn là lính Sư đoàn 301. Trịnh Hưng từng gặp gỡ thân tình với Quang Dũng, Hữu Loan ở chiến khu Thanh Hóa; từng độc tấu guitar cho Quang Dũng nghe, được nhận là em kết nghĩa. Thăm Việt Nam lần đầu 12/1999, sau 3 tháng, trở lại Pháp, ông viết về những cuộc gặp nhạc sĩ Ưng Lang, Huyền Linh, Đỗ Lễ, gia đình nhà thơ Quang Dũng với âm nhạc và cả về nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ - tác giả “Bông hồng cài áo”.
Đổ vỡ hôn nhân hơn 40 năm ông không đi bước nữa. “Bà vợ của tôi làm tôi sợ đàn bà”. Vì thế, ông chỉ viết một tình ca lứa đôi duy nhất cũng có tựa đề cay đắng “Tìm quên”. Chỉ có tình quê hương là mãi trong trẻo, vẹn nguyên, mắc nợ, vì quê hương không phản bội ai bao giờ: “Lúa thắm vàng đầy đồng/Người sống với tình mặn nồng/Như cùng nhau xây tình yêu sông núi/Tô màu cho nước Việt ngày thêm tươi” (ca khúc “Lúa mùa duyên thắm”).
Những tác phẩm của ông hay được nhắc nhớ vì được hát lên ở mọi cuộc hội tụ của các hội đoàn, không có ranh giới nào bởi tình người, tình quê luôn làm lay động, trào dâng những con người mang dòng máu Việt nơi xa xứ... |
Trịnh Hưng đã hòa hợp nhạc Tây và nhạc cổ Việt Nam trong sáng tác từ khi trẻ. “Lối về xóm nhỏ” (sáng tác đầu tay, 1952) theo điệu Cha cha cha; “Lúa mùa duyên thắm” (Mambo - Boléro), “Trăng soi duyên lành”, “Tình thắm duyên quê”, “Tiếng ca dân lành”, “Miền Nam mưa nắng 2 mùa” (Rumba). Tác phẩm của ông hay được nhắc nhớ vì được hát lên ở mọi cuộc hội tụ của các hội đoàn, không có ranh giới nào bởi tình người, tình quê luôn làm lay động, trào dâng những con người mang dòng máu Việt nơi xa xứ.
Nhạc sĩ Trịnh Hưng qua đời tháng 5/2008 tại Créteil, Pháp. Bao năm qua, rất nhiều ca sĩ nổi tiếng trong nước và hải ngoại vẫn hát tình ca quê hương của Trịnh Hưng.