Dân Việt

Không phải mai hay đào, chơi "siêu” sung cổ thụ giá 1,2 tỷ mới sang

Việt Vũ 23/01/2020 13:55 GMT+7
Cây sung cổ thụ hơn 100 năm tuổi trên đường Cổ Linh (quận Long Biên, Hà Nội) đang được chủ vườn rao bán 1,2 tỷ đồng.

Bên cạnh các sản phẩm cây cảnh Tết truyền thống như: đào, quất, mai,... thì năm nay, nhiều khách hàng lựa chọn các sản phẩm cây cảnh mang tính chất “độc" và "lạ”.

Mới đây tại Hà Nội, một gốc sung cổ thụ hơn 100 năm tuổi gây xôn xao khi được chủ vườn chào bán với giá 1,2 tỷ đồng. 

Theo chủ vườn, điểm đặc biệt của gốc sung là có thế rồng, với 2 nhánh chính vươn thẳng lên trời.

img

Cây sung cổ thụ hơn 100 tuổi trên đường Cổ Linh (quận Long Biên, Hà Nội) đang được chủ vườn rao bán 1,2 tỷ đồng.

img

Cây sung cổ thụ có chiều cao khoảng 5,5 mét, thân cây to xù xì. Với “thân hình” khá đồ sộ, cây sung 100 tuổi phải được chủ vườn chống các cột đỡ chống đổ.

img

Chủ vườn tiết lộ, sở dĩ cây sung này có giá cao như vậy là do tuổi đời lâu năm và dáng “lưỡng long chầu nguyệt”, với 2 nhánh chính vươn thẳng lên trời như hình rồng. 

img

Theo chủ vườn, trước đó đã có một số khách hàng trả giá 700 - 800 triệu đồng, tuy nhiên người này từ chối bán, vì cảm thấy chưa tương xứng với giá trị của cây: “Nếu năm nay không bán được thì để năm sau, nếu nhiều năm không bán được thì tôi để lại ngắm”, chủ vườn khẳng định và cho biết sẽ không bán với giá dưới 1 tỷ đồng.

img

Về nguồn gốc cây sung cổ thụ, người này cho biết mua lại từ cách đây khoảng 10 năm của một nhà vườn ở miền Nam. Sau nhiều năm chăm sóc, phần ngọn cây được tỉa bớt lá, còn lại cây gần như nguyên bản.

img

Hiện tại, cây sung 100 năm tuổi đang là cây cảnh Tết to nhất, cao nhất tại chợ hoa Cổ Linh (Long Biên).

img

Theo quan niệm truyền thống của người Việt, cây sung có ý nghĩa rất lớn trong văn hóa tâm linh, tượng trưng cho sự sung mãn, tròn đầy. Đặc biệt, tại Nam Bộ, sung là một trong 5 loại ngũ quả không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên đán.

img

Ngoài ra, người chơi cây cảnh còn xếp sung đứng đầu trong bộ tam đa, là biểu tượng của Phúc (sung) cùng với Lộc (lộc vừng) và Thọ (vạn tuế).