Dù đã mang danh là doanh nhân, nhưng ông Nở hiện vẫn luôn đồng hành cùng nông dân, đỡ đầu, giúp đỡ những người nông dân nghèo.
Ông Nguyễn Duy Nở đang hướng dẫn công nhân kỹ thuật tại xưởng sản xuất của công ty. |
Dựng cơ đồ từ 6 sào ao thả cá
Vốn là một người lính tham gia chiến trường miền Nam từ năm 1971, năm 1977 ông Nở đã trở về quê hương để tiếp tục nghề làm ruộng. Vốn liếng duy nhất của ông ngày ấy là sự bạo gan, tài sản trong tay ông chỉ có 6 sào ao nuôi cá nhận thầu lại của hợp tác xã đã bỏ hoang. Hằng ngày, ông làm quần quật cải tạo lại khu ao nuôi cá. Cũng từ 6 sào ao nuôi cá ấy, năm đầu tiên ông thu hoạch được 15 triệu đồng. Ông Nở nhớ lại: “Hồi ấy, vào những năm đất nước bắt đầu đổi mới, mà thu được số tiền ấy là lớn lắm”.
Cũng từ số tiền lời lãi ấy, đã đem lại nguồn động lực thôi thúc ông Nở phải làm thêm nghề gì nữa để tăng thêm thu nhập. Có chút vốn nho nhỏ, ông Nở tiếp tục nhận thầu thêm ruộng của hợp tác xã để cấy lúa, chăn nuôi vịt và đầu tư nuôi bò lai sind. Trong vài năm mở rộng mô hình chăn nuôi tổng hợp, nguồn thu của gia đình ông được nâng lên đôi, ba chục triệu đồng mỗi năm. Ngày ấy, mỗi khi nằm ở ngoài chòi canh cá, trông vịt giữa đồng, ông Nở vẫn luôn nghĩ cách làm giàu.
Nghĩ là làm, vẫn chiến lược lấy ngắn nuôi dài, ông tiếp tục đi vay vốn ngân hàng để xây lò nung vôi rồi cung cấp cho bà con ở quê. Thế nhưng, trong kỹ thuật xây lò và nung vôi, không phải ai cũng có thể làm được. Vậy là, ông lên tận khu nung vôi nổi tiếng núi Nhồi (huyện Đông Sơn), xin gia nhập “đội quân” bốc vác đá, than vào lò để học cách làm của người ta…
Thấy ông Nở cứ sáng sáng cọc cạch đạp chiếc xe cà tàng đi đến tối mịt mới về, trên người lấm lem bụi vôi và than đá, thì nhiều người cho rằng ông này “có vấn đề”. Kệ! Ai nói gì thì nói, còn ông vẫn cứ lao theo cách làm của mình. Sau khi “học mót” được kỹ thuật nung vôi, ông quay về quê quyết định đầu tư xây lò.
“Vất vả nhất là giai đoạn nung vôi. Một mình phải chạy chiếc xe công nông đi chở đá, than về rồi lăn vào lò vừa hướng dẫn cho mấy cháu, mình vừa xếp đá, than để nung. Kỹ thuật ban đầu rất khó, nếu nung không cẩn thận, khi ra lò vôi sẽ nửa sống, nửa chín thì chỉ còn nước đổ đi”- ông Nở kể.
Một thời gian sau, bà con ở xã Hoằng Đại và nhiều xã lân cận đều đến mua vôi từ chủ lò Nguyễn Văn Nở. Khi đã trở thành ông chủ lò vôi, thu hút được hơn 30 lao động làm việc, ông lại nghĩ đến chuyện kinh doanh cát, than và vật liệu xây dựng... Cứ như vậy, việc kinh doanh luôn được suôn sẻ, tới năm 2002, ông Nở quyết định thành lập Công ty TNHH Hoàng Tuấn do chính ông làm giám đốc với số vốn điều lệ 1,8 tỷ đồng.
Nâng đỡ lao động nông thôn
Khi thành lập công ty, ông giám đốc chân đất ấy đã mạnh dạn vay vốn, mua sắm phương tiện, máy móc, thiết bị hiện đại để phục vụ các công trình xây dựng. Với cách nghĩ “công ty là của mình, nhưng sống được là nhờ công nhân”, vì vậy ông đứng ra tiếp nhận con em của đồng đội năm xưa, rồi thanh niên trong làng, trong xã. Ông bảo: “Trong thâm tâm tôi, chỉ nghĩ một điều rằng, khi mình tạo dựng được công ăn việc làm, thì trước tiên phải ưu tiên cho con, em đồng đội của mình”.
Theo cách làm của ông, thì người nào cần học lái xe, máy móc công trình, ông trực tiếp liên hệ với các trường đào tạo nghề và gửi công nhân đi học. Sau khi có nghề trong tay, trở về làm việc cho công ty mới trừ dần tiền học phí vào lương tháng. Hóa ra, cách làm của ông lại được đông đảo con em trong làng, ngoài xã đến xin tham gia. Vậy là, công ty của ông ngày càng phát triển cả về quy mô, số lượng công nhân. Chỉ sau 3 năm hoạt động, số vốn của công ty nâng lên hàng chục tỷ đồng...
Tâm sự về thành quả đạt được của công ty, ông Nở bộc bạch: “Với số lượng công nhân chính thức hiện nay là 123 người, công nhân thời vụ hơn 200 người, tôi luôn tâm niệm một điều rằng; những thành quả của hôm nay là do tất cả anh em, chú cháu trong công ty gắng sức mà có, chứ không phải của riêng ai. Tôi chỉ là người khởi xướng nên mà thôi”. Hiện nay, công nhân của Công ty Hoàng Tuấn có mức lương bình quân từ 4-8 triệu đồng/người/tháng, còn công nhân thời vụ, bình quân đạt 3,7 triệu đồng/người/tháng.
Khi hiệu quả kinh doanh của công ty ngày càng cao, trong lòng ông luôn canh cánh một điều: Làm thế nào để giúp đỡ được các em học sinh nghèo đạt được ước mơ của mình và những gia đình nông dân nghèo, đồng đội khó khăn có điều kiện trở thành hộ làm ăn có hiệu quả. Từ năm 2003 đến nay, công ty của ông đã nhận đỡ đầu cho 4 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tạo vốn làm ăn cho nhiều gia đình nông dân nghèo; xây dựng nhà tình nghĩa cho đồng đội cựu chiến binh khó khăn… với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Hiện nay, công ty của ông đang đỡ đầu cho 3 học sinh học đại học, mỗi em 25 triệu đồng; nhận hỗ trợ một gia đình có 3 con tàn tật 12 triệu đồng trong vòng 5 năm…
Thế Lượng