Cố nhà văn Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), ông qua đời vào ngày 30/10/2018 tại Hong Kong (Trung Quốc). Ông được mệnh danh là đại hiệp của các đại hiệp khi xây dựng nên hàng loạt hình tượng anh hùng giang hồ quân tử, nghĩa hiệp. Cố nhà văn Kim Dung đã tạo ra 15 bộ kiệt tác tiểu thuyết võ thuật, và là tiểu thuyết gia người Trung Quốc hiếm hoi nổi tiếng toàn cầu. Ông là một trong số ít tác giả châu Á có nhiều tác phẩm được chuyển thể thành phim, hơn nữa được chuyển thể nhiều lần trong suốt nửa thế kỷ qua.
Cố nhà văn Kim Dung.
Một trong những điểm đặc sắc nhất của tiểu thuyết Kim Dung là cách ông mô tả võ công và những cảnh giao chiến rất độc đáo, đầy sáng tạo. Các môn võ được Kim Dung nghệ thuật hóa, cá tính hóa, thậm chí triết lý hóa, do đó không đơn giản “đọc để mua vui” mà còn ẩn chứa bên trong những ý nghĩa sâu sắc.
Trong số tác phẩm của Kim Dung, được chuyển thể nhiều nhất là Anh hùng xạ điêu, tiếp theo là Ỷ thiên đồ long ký và Thần điêu đại hiệp, Thiên long bát bộ giữ vị trí thứ ba, Lộc đỉnh ký, Bích huyết kiếm, Tuyết sơn phi hồ cũng có nhiều bản phim khác nhau. Trong đó hệ thống các môn võ công nói về nội công và kiếm pháp được mô tả nhiều hơn còn đao pháp thì ít được nhắc đến. Dười đây là một số đao pháp ấn tượng trong truyện Kim Dung.
Nhiên Mộc đao pháp
Nhiên Mộc đao pháp là một môn võ công trong truyện Thiên long bát bộ của cố nhà văn Kim Dung. Đây là một trong 72 tuyệt kỹ của Thiếu Lâm. Sau khi luyện thành có thể trên một nhánh cây khô bổ nhanh chín chín tám mươi mốt đao, lưỡi đao không tổn hại nhánh cây chút nào nhưng trên đao phát ra nhiệt lực có thể thiêu cháy nhánh cây nên mới có tên là Nhiên Mộc.
Nhiên Mộc đao pháp là một trong 72 tuyệt kỹ của Thiếu Lâm.
Hồ Gia đao pháp
Hồ Gia đao pháp là võ công trong bộ tiểu thuyết Tuyết sơn phi hồ và Phi hồ ngoại truyện của cố nhà văn Kim Dung. Đây là đao pháp gia truyền của dòng họ Hồ gia, chiêu thức biến hoá, không phải tập trung dùng lực chống lực, xuất chiêu mang cảm giác chậm rãi nhưng ẩn chứa đạo lý âm dương, có âm có dương, có cương có nhu, mỗi đao đều tiềm tàng sức mạnh mãnh liệt, truyền nhân xuất sắc nhất là Hồ Nhất Đao.
Hồ Nhất Đao.
Con trai của Hồ Nhất Đao, là Hồ Phỉ nhờ vào bộ đao pháp gia truyền Hồ Gia đao pháp cùng thanh Lãnh Nguyệt Bảo đao mà trở thành một cao thủ võ lâm, võ công sánh ngang với Miêu Nhân Phụng, một trong những nhân vật danh tiếng trong giang hồ với ngoại hiệu Đả biến thiên hạ vô địch thủ Kim diện Phật. Đồng thời đánh bại Điền Quy Nông, hóa giải ân oán giữa bốn dòng họ lớn vốn là những người thân cận của Sấm Vương Lý Tự Thành.
Kim Ô đao pháp
Kim Ô đao pháp xuất hiện trong bộ tiểu thuyết Hiệp khách hành của cố nhà văn Kim Dung. Đây là loại đao pháp khai môn của phái Kim Ô, do Sử bà bà Sử Tiểu Thuý, vợ của chưởng môn phái Tuyết Sơn là Bạch Tự Tại sáng tạo ra, nhằm khắc chế cũng như bổ trợ cho Tuyết Sơn kiếm pháp. Đao pháp này gồm có bảy mươi ba chiêu, toàn những chiêu đầy nộ khí, sát thủ, dễ gây tử thương và tổn thương cho đối phương, sẽ chuốc lấy oán thù, cừu hận đe dọa an ninh cho bản thân, gia đình và bang phái.
Kim Ô đao pháp do Sử bà bà Sử Tiểu Thuý sáng tạo ra.
Kim Ô đao pháp có sức mạnh khắc chế và vượt hẳn kiếm pháp Tuyết Sơn, mỗi chiêu của Kim Ô đao pháp đều là khắc tinh của từng chiêu Tuyết Sơn kiếm pháp, nhưng khi đao pháp này và kiếm pháp Tuyết Sơn liên thủ thì tạo thành một sức mạnh kinh hồn. Người dùng Kim Ô đao pháp nội lực phải thâm hậu, nếu không thì những chỗ biến ảo kì diệu chẳng thể phát huy được.