Tiếng pháo hoa vang từ tít mãi trung tâm thành phố, cách ruộng làng những gần mươi cây số, vẫn đủ khiến thằng bé hôm nào giật mình hốt hoảng. Ôi thôi, ông ù đến tóm đứa nào hư đi đấy. Đứa trẻ hư thon thót chạy vào buồng bà, càng thêm sợ vì căn buồng trống trải.
Bà đã ra sân làm lễ khấn đầu năm.
Đứa trẻ hư ngóng cổ ra hiên, lén nhìn những bộ trang phục rực rỡ của“ông ù”. Nó lén nhìn cả dáng lưng bà đã còng sau bao năm gồng gánh bán buôn, bà đang chắp tay trước mâm cúng. Que hương gài ở mâm nhả khói lặng lẽ như đang nghe thấm từng lời khấn của bà…
Cảnh đốt pháo vào mỗi dịp Tết Nguyên đán ngày xưa. (Ảnh minh họa)
Nhớ lại, tôi cũng không hiểu tại sao mình lại sợ tiếng pháo đến thế. Làng tôi có truyền thống về pháo, trước kia vẫn có nhiều người chơi pháo và đèn trời. Pháo diêm kêu cái bụp, đồng đêm cứ lụp đụp suốt mấy hôm liền. Đèn trời lơ lửng phát sáng như chim bay giữa đêm, bay lên cao xa thì lấp lánh như sao, xóa đi cả một bầu trời mịt mùng thăm thẳm.
Ở thành phố đã thôi pháo hoa, những chùm pháo hoa xa xăm rơi từng tàn li ti vào đêm lặng. Người đi chơi giao thừa, đi hái lộc chưa về. Chốc lát, nghe xôn xao tiếng rao bán muối đầu năm. Đồng đêm không đèn, chỉ có cái xe đạp nhỏ gắn đèn và giỏ muối của chị đi loanh quanh. Các cụ bảo: “Đầu năm mua muối cuối năm mua vôi”. Những gói muối được bà tôi ghém lại trong cái túi áo nhỏ. Dép gỗ của bà lộc lộc theo nhịp rao của chị bán muối văng vẳng đã xa…
Tôi sinh ra khi quê mình đã không còn giữ lễ hội đốt pháo Đình. Pháo đình là cối pháo rất lớn, to như cái cột đình, phải huy động cả chục thanh niên trai tráng trong làng ra khiêng. Chú họ tôi cứ khoe mãi, khoe tôi xem cái ảnh thời thanh niên khiêng pháo của chú, chú khoe đều đặn như thông lệ đầu năm.
Do hoàn cảnh xã hội, lũ trẻ giờ không quan tâm về cái pháo ấy và có vẻ những giá trị văn hóa sau cối pháo thần của vị thành hoàng làng năm xưa, cũng ẩn hiện ảo mờ như tàn khói sau hội làng năm nào?
Lớn lên rồi đi học, tôi ám ảnh về đêm giao thừa tại thị trấn, bỏ lại trong trí những ám ảnh về “ông ù” một thời ấu thơ.
Tôi đã mang tâm thế như cổ động viên bóng đá hóng chờ cú sút vào. Khung thành là bầu trời thị trấn giăng tỏa ánh đèn. Dưới lòng hè chộn rộn dòng người vội vã chúc chen. Những nòng pháo đang nấp ở nóc nhà kia. Chúng im ỉm cấu vào sự hộp hồi của một cổ động viên trung thành như tôi. Và dù đã lớn, dù đã không phải sợ ông ù, cái giật mình hốt hoảng vẫn bất thình lịch phụt ra cùng tiếng độp bắn lên không trung.
Tàn pháo rụng lơi lả xuống lòng sông rộng…
Sau đấy lại nghe tiếng rạt xát vào bầu trời. Cả đường phố nín thinh nghe pháo. Xong hiệp 1 trận đấu. Màn pháo vàng lóe ra như bông đeo tay của các nàng dancer đang cổ vũ giữa hiệp. Mọi người ồ lên tán thưởng. Tôi nhớ mãi một năm bắn cả pháo hình trái tim.
Những trái tim hôn lên màn trời, thả tàn tim bay xuống hai bờ công viên, nơi có những rặng liễu không bao giờ biết chịu tang giống trong thơ Xuân Diệu mà lúc nào cũng vấn vương đôi cặp tình tứ. Lại một năm nào đấy, trận kết đổ pháo sáng lòa căng chói. Những chùm cầu vàng chóe thi nhau xõa ra vòm trời, thách đố từng chùm pháo con xanh đỏ hứng khởi phụ họa.
Mía lộc được đính ruy băng thắt nơ kiểu lễ tân khách sạn. Chúng biết cười niềm nở đem nhiều niềm vui cho bao người ra về trong hân hoan năm mới, sau màn đấu pháo rộn ràng chào năm mới.
Có một năm tôi được bố mẹ giao cho xông nhà. Thị trấn đang đông vui là thế, khi vãn người mua lộc, bỗng tĩnh lặng đến không ngờ. Tôi bước vào chào bố mẹ khi mà sau lưng, đường đã tịch không còn một bóng người.
Nhà tôi khuất vào rìa ngoài thị trấn, im lìm nghe ruộng đồng thở khúc giao mùa xao xuyến. Điều đó vô thức gọi tôi về ấu thơ, với những lụp bụp pháo diêm, với bức ảnh đáng tự hào của người chú họ, với cối pháo trưng biểu cho uy dũng của lịch sử.
Tôi mong manh như cơn mưa mồng một năm ấy. Tôi mong manh mơ màng về những ám ảnh của cái giờ khắc thiêng liêng vút lên bao giai điệu xúc cảm, cái giờ khắc rịn vào các giác quan của tôi từng luồng khói hương. Dường như chúng luôn có hơi thở và trong hơi thở ấy lại có hương thơm nồng đượm của dân tộc mình.
Người dự thi: Nguyễn Hoàng Hiệp K62 Văn học CLC, Trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội. |