Vào ngày đầu năm mới Tết 1946, ba tôi cưỡi xe đạp chở bánh tét còn đèo tôi theo từ nhà ra đèo Cù Mông hơn 10 km ranh giới giữa Bình Định - Phú Yên tặng quà Tết cho bộ đội. Ngồi trên cái đòn dông xe đạp cấn rất đau nhưng tôi cố chịu đựng, ba tôi phải đẩy xe khi lên dốc, con dốc khá dài nhiều cây số. Khi trở về thì xuống dốc, để hạn chế xe lao nhanh, ông cột chùm lá kéo phía sau để cản bớt độ nhanh khi lao dốc.
Bộ đội vui mừng tiếp ba tôi như người thân trong gia đình. Tôi còn nhỏ chỉ chạy chơi bên ngoài không biết hai bên nói với nhau những gì, nhưng thấy ai cũng vui vẻ là điều tốt đẹp cả chủ và khách.
Những cái Tết về sau, làng tôi thường có một trung đội bộ đội địa phương trú đóng để giữ đồng muối, sẵn sàng đánh bọn lính Pháp cho tàu thủy đưa quân lên phá muối. Những ngày Tết dân làng trong đó có gia đình tôi đem bánh trái tặng cho bộ đội tại chỗ không phải đi xa nữa. Đúng là tình quân dân gắn bó như cá với nước, cùng chung một nhiệm vụ chống Pháp.
Là vùng độc lập, quê tôi (Sông Cầu, Phú Yên) 9 năm kháng chiến người dân luôn luôn lo tăng gia sản xuất nhiều lương thực, “tự túc, tự cấp” nên địch không thực hiện được ý đồ “bao vây kinh tế” vùng độc lập.
Ảnh minh họa.
Đến năm 1954, cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã thu được nhiều thắng lợi to lớn, giặc Pháp thua đau nhiều nơi ở Nam Bộ, ở miền Bắc. Nava đề ra kế hoạch Nava trong đó có chủ trương đánh vào vùng độc lập Khu 5. Ngày 20/1/1954, chúng cho quân nhảy dù, quân từ biển càn lên, quân từ Tây Nguyên tràn xuống và từ Khánh Hòa vượt đèo Cả ra chiếm thị xã Tuy Hòa. Cả tỉnh khẩn trương chặn đánh quân Pháp. Làng tôi ở cuối phía Bắc của tỉnh, người dân phải tản cư lên núi cao tránh Tây. Khác với những lần tản cư trước kia, khi có báo động, ngườid dân chạy lên núi trú ẩn, giặc đưa quân từ biển đổ bộ vào tới trưa là rút xuống tàu, ta về nhà. Lần này, Pháp càn quy mô lớn, người dân phải chôn giấu tất cả tài sản không để giặc lấy đi. Heo gà thì giết thịt đem theo để ăn nhiều ngày. Bò thì lùa lên núi cho chúng ở cùng con người nơi có suối nước. Cha con tôi cũng cùng lên núi trốn Tây như mọi người, nhà bỏ trống. Bị ta chặn đánh nhiều nơi, đường sá bị phá hoại hầm hố khắp nơi nên quân Pháp di chuyển rất chậm, theo dự đoán của cán bộ địa phương phổ biến cho dân, địch sẽ ra tới làng tôi trước Tết, nhưng qua Tết vẫn chưa thấy chúng tới. Hết lương thực, mọi người phải về lấy thêm đưa lên núi để ăn “chờ” địch tới.
Để báo hiệu địch đi gần tới, cán bộ cho biết khi nào nhìn thấy cái bồ được kéo lên là địch tới gần. Khi cái bồ treo lên nhìn sang núi bên đó thấy người đi lúc nhúc như kiến, nó từ trên núi tràn xuống đồng bằng vào làng tôi. Chính quyền đã phổ biến địch có sư đoàn xuyên sơn, chỉ di chuyển, ăn ở trên núi, không ở dưới làng xóm, những vật dụng của ta phải chôn cất, không đưa lên núi địch sẽ phát hiện đập phá.
Khi địch vào làng cũng là lúc người dân tản cư trở về. Nhà tôi chúng phát hiện, cạy cái hầm chông lòi mấy cái chông tre chỉa tua tủa ngay trước cửa đường vào nhà. Sư đoàn xuyên sơn đúng là không ở dưới xóm mà trèo lên ở trên núi ngay sau nhà tôi. Dù được phổ biến rõ nhưng chú tôi nghĩ địch không lên nên ông đem cái chân máy may giấu trên núi. Chúng “đóng quân” ngay chỗ chú tôi để cái chân máy, vậy là chúng đập nát, không còn sử dụng được nữa!
Thực sự “sư đoàn” xuyên sơn này không phải lính của Pháp mà những người chúng kéo theo để hôi của của dân, họ dẫn theo nhiều con la để chở đồ đạc. Ngựa thì tôi biết, còn con la quê tôi không ai nuôi nên đến lúc đó mới biết. Con la nhỏ, thấp hơn ngựa, sức chở cũng không bằng con ngựa.
Chỉ ở vài ngày chúng rút theo quân Pháp, ra Quy Nhơn, khi chúng vừa đi khỏi thì hai cây cầu mới bắc đã bị dân quân phá ngay.
Một cuộc hành quân quy mô lớn với ý đồ chiếm giữ vùng độc lập Khu 5 của Nava thất bại thảm hại, tháng 5, 6 năm 1954 chúng phải rút các cụm đóng quân ở Chí Thạnh, Sông Cầu, còn vùng nông thôn quê tôi chúng phải rút từ trước nên mọi sinh hoạt của người dân trở lại bình thường sau khi “xuống núi” về lại nhà mình.
Tết năm 1954, không người dân nào quê tôi được ăn Tết tại nhà mà ở ăn trên núi cao trong lúc chạy Tây nhưng vẫn được tự do. Đến cái Tết 1955, những người kháng chiến cũ phải chịu đựng sự khủng bố dã man của chế độ Ngô Đình Diệm và iếp theo là Nguyễn Văn Thiệu suốt 20 cái Tết, tới năm 1976 mới có cái Tết hoàn toàn tự do, độc lập, cái Tết đón người đi kháng chiến, tập kết trở về đoàn tụ dành cho người dân miền Nam trong đó có người dân quê tôi! Ba cái Tết, ba cột mốc không thể nào quên.