Dù là người Hà Nội hay là du khách đến thủ đô vào ngày Tết Nguyên Đán thì Quảng Trường Ba Đình lịch sử vẫn luôn là điểm đến đầu tiên. Như một truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, vào ngày đầu tiên của năm, các thế hệ con cháu đến dâng hương tưởng nhớ công ơn của Bác Hồ vĩ đại với dân tộc. Ngoài yếu tố tâm linh và truyền thống, vào ngày đầu xuân, Quảng trường Ba Đình còn được trang trí cờ hoa rực rỡ. Hàng năm, lượng người về đây dịp Tết luôn đông đúc vừa dâng hương lên Bác vừa cảm nhận không khí mát lạnh của thời tiết Hà Nội. Ảnh: Lê Hiếu.
Hồ Gươm nằm ở vị trí trung tâm của Thủ đô, được ví như trái tim của Hà Nội. Đây là địa điểm thường xuyên có những hoạt động văn hóa, giải trí vào những dịp cuối tuần hoặc lễ tết. Thông thường vào Tết Nguyên Đán, hồ Gươm sẽ được trang hoàng lộng lẫy với đèn và hoa rực rỡ. Bên cạnh đó, các hoạt động văn nghệ, vui chơi gần như diễn ra liên tục trong những ngày Tết. Ảnh: Lê Hiếu.
Không tắc đường, không tiếng còi xe, không tấp nập người mua kẻ bán, sáng mùng 1 Tết trở thành thời điểm được người dân Hà Nội đặc biệt đón chờ trong năm. Đây là lúc tất cả phố phường nội thành thưa thớt bóng người. Đến phố cổ những ngày này, du khách có thể cảm nhận trọn vẹn không khí yên bình của thủ đô như hàng chục năm trước, khác biệt hẳn ngày thường. Thời điểm thích hợp nhất cho chuyến tham quan này là sáng mùng 1, mùng 2 khi những người dân ở tỉnh tạm thời rời thủ đô về quê đón Tết. Ảnh: Lê Hiếu.
Khu vực Hồ Tây có phủ Tây Hồ, đây là nơi gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Phủ Tây Hồ thờ Chúa Liễu Hạnh - một trong tứ bất tử của hệ thống điện thần Việt Nam. Vào những ngày đầu năm, người người đổ xô đến đây để xin được xá tội, ban phúc theo tín ngưỡng dân gian. Khu vực Hồ Tây không chỉ nổi tiếng về địa điểm tâm linh mà còn có nhiều khung cảnh đẹp để thưởng ngoạn vào dịp Tết. Ảnh: Lê Hiếu.
Đầu năm đi lễ chùa và Chùa Trấn Quốc là địa điểm nổi tiếng bậc nhất với những ai muốn đi lễ đầu năm. Đây là nơi bạn nhất định phải đến trong những ngày tết sắp đến nếu bạn có kế hoạch đến Hà Nội. Trước đây, vào thời Lý - thời kỳ phật giáo hưng thịnh thì chùa Trấn Quốc là trung tâm phật giáo của cả kinh thành. Ảnh: Lê Hiếu.
Văn Miếu Quốc Tử Giám được xem là biểu tượng của tri thức, của nền giáo dục Việt Nam. Nơi đây thờ phụng các bậc Tiên Thánh, Tiên sư của đạo Nho và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An - người thầy tiêu biểu về đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam. Đặc biệt vào ngày xuân, có nhiều hoạt động văn hóa diễn ra ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong đó hoạt động xin Chữ ở hồ Văn được nhiều người hưởng ứng nhất. Các ông đồ với trang phục áo dài, cầm bút lông để viết chữ tặng du khách. Ảnh: Lê Hiếu.
Để cảm nhận rõ nhất không khí Tết ở Hà Nội thì bạn có thể đến những chợ hoa nổi tiếng ở đây. Chỉ cần dạo quanh một vòng các chợ hoa Hà Nội là bạn sẽ được ngắm hàng ngàn loại hoa khác nhau được chăm chút kỹ lưỡng để nở đúng vào dịp đầu năm. Chợ hoa Quảng An, Hàng Lược, Hàng Mã là những điểm đến thú vị. Ảnh: Lê Hiếu.
Thung lũng hoa Hồ Tây, vườn đào Nhật Tân, bãi đá sông Hồng... là những điểm đến luôn thu hút người dân mỗi dịp Tết đến xuân về. Ảnh: Lê Hiếu.