Tại Diễn đàn Bất động sản thường niên vừa diễn ra, theo các chuyên gia lĩnh vực bất động sản, Năm 2019, thị trường bất động sản trải qua nhiều biến động nhưng không rơi vào trầm lắng. Cơ quan quản lý cũng thay đổi một số chính sách nhằm đưa thị trường phát triển theo hướng ổn định, minh bạch hơn. Năm 2020, trước những dự báo khác nhau về triển vọng của thị trường nhưng thông tin thu hút sự quan tâm vẫn tập trung vào nguồn vốn, dòng tiền cho bất động sản, nhất là khi Chính phủ có chủ trương kiểm soát chặt chẽ hơn về tín dụng cho lĩnh vực này.
Nhận định về xu hướng dòng vốn vào bất động sản, ông Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, chuyên gia kinh tế cho rằng, dòng vốn vào bất động sản thời gian qua có thận trọng nhưng rất tích cực.
Theo ông Lực, có 5 dòng vốn trong năm 2019 và năm 2020. Về tín dụng, không phải tín dụng ngân hàng giảm đối với bất động sản mà thực tế mà theo số liệu 10 tháng 2019 cho vay xây lắp tổng dư nợ 800 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5%; cho vay kinh doanh bất động sản vẫn tăng 5,5%, cho vay mua nhà, sửa nhà tăng 19,6%.
“Năm nay, Chính phủ chỉ đạo gộp cho vay bất động sản và vay mua nhà, sửa nhà vào thành cho vay bất động sản như vậy thực tế là tăng 14,5%, cao hơn bình quân cho vay của hệ thống ngân hàng hết 10 tháng 2019 là khoảng 10%”, ông Lực chia sẻ.
Dòng vốn vào bất động sản thời gian qua rất tích cực.
Cũng theo vị chuyên gia này, về vốn từ tư nhân, 11 tháng đầu năm 2019 có 16 nghìn doanh nghiệp xây lắp thành lập mới, tăng 2%; 7,3 nghìn doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, vốn tăng 27,5%.
Về vốn FDI, tổng cả hai dòng vốn đăng ký mới và góp vốn 4,8 tỷ USD (chiếm 15% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam).
Về trái phiếu doanh nghiệp, tổng trái phiếu doanh nghiệp phát hành 11 tháng 237.000 tỷ đồng, tăng 6% cùng kỳ 2018; trong đó doanh nghiệp bất động sản là 71.000 tỷ đồng. Đây là mức ấn tượng trong năm qua và là một dòng vốn quan trọng. Các quỹ trong tương lai sẽ phát triển rất tốt. Ta đã được phép thành lập quỹ tín thác đầu tư bất động sản, đây là một kênh tiềm năng trong tương lai.
Về Fintech, đây cũng có thể là một kênh thu hút vốn cho bất động sản vì fintech hiện chủ yếu là thanh toán, nhưng trong tương lai, sẽ có những fintech huy động vốn cộng đồng để đầu tư vào bất động sản hoặc góp phần tạo hệ sinh thái bất động sản.
Bàn luận thêm về vấn đề dòng vốn vào bất động sản, PGS.TS Trần Kim Chung- Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đưa ra nhận xét, thị trường bất động sản Việt Nam đang ở trong giai đoạn chuyển đổi cấp độ phát triển, chập chững bước sang giai đoạn tài chính hóa, bỏ qua giai đoạn tiền tệ hóa. Điển hình như việc năm 2019 phát hành 120.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, đây là luồng tiền phái sinh quan trọng cho thị trường bất động sản. Hay việc M&A và hệ thống chứng khoán của các công ty bất động sản kinh doanh bất động sản khu công nghiệp hạ tầng đang rất thịnh vượng...
Tuy nhiên, cần chú ý đến 3 yếu tố sẽ ảnh hưởng đến thị trường gồm: đầu tư công giải ngân chậm; chứng khoán không phát triển đủ mức để làm động lực thúc đẩy thị trường bất động sản (thị trường tăng không mạnh, không đủ tạo chốt lời để hợp thức hóa khoản tiền lời vào tài sản là mua bất động sản); tư nhân đầu tư vào hạ tầng cơ sở - đây là tín hiệu tích cực về dài hạn, quyết định sự phát triển của thị trường bất động sản.
Đánh giá về dòng vốn ngoại, bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc thị trường Hà Nội - JLL Việt Nam cho rằng đây là dòng tiền tiềm năng. Họ đem theo kinh nghiệm, dòng vốn và các doanh nghiệp trong nước không chỉ có thêm tiền mà còn có thể tích luỹ thêm kinh nghiệm để phát triển dự án của mình lên một tầm cao hơn. Các nhà đầu tư ngoại cũng không bị giới hạn tầm nhìn ở một lĩnh vực nào mà họ đầu tư vào nhiều lĩnh vực.
“Hiện nay, vốn đầu tư của Nhật Bản, Hàn Quốc là những dòng vốn tốt. Còn Trung Quốc cũng đầu tư nhiều nhưng chủ yếu là khu công nghiệp, còn trung tâm thương mại, nhà phố thì nguồn vốn nhiều nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản”, bà Vân nói.