Năm 1968, tôi “ăn Tết” tại trại giam Hố Nai. Không có gì cả, chỉ hai bữa cơm như ngày thường. Nửa đêm mồng một, tiếng súng bộ đội ta tấn công vang khắp nơi dội vào trại giam. Sáng ra, địch hốt hoảng đưa tù nhân ra sân bóng để chở ra sân bay đưa ra đảo vì sợ ta giải phóng tù. Nhưng đến trưa tù nhân vẫn ngồi ngoài sân nắng, rồi địch cho vô trại giam trở lại. Lúc đó mới biết chúng bị động, không có máy bay chở tù đi đảo.
Sáng hôm sau chúng lại đưa tù nhân ra sân chọn lọc đưa đi sân bay Biên Hòa, cho lên máy bay đày chúng tôi ra đảo Phú Quốc. Máy bay hạ cánh xuống đường băng dã chiến lót bằng những tấm ghi sắt ở cực Nam đảo. Một toán lính quân cảnh trong đó có tên trung úy Hiển - Trưởng ban An ninh trại giam Phú Quốc “đón tiếp” bằng những lời hăm dọa, những cú đánh dằn mặt người tù không có tấc sắc trong tay. Xe GMC chở chúng tôi đưa vào nơi mới xây dựng chưa có người ở, trại giam chưa có gì cả.
Chiếc xe téc chở nước đến đổ vào hồ, xe chở lương thực cũng đến giao gạo, thực phẩm. Anh em tù lo nấu bữa cơm đầu tiên trên đảo đúng buổi chiều mồng hai Tết cho hàng ngàn người ăn cũng thật đặc biệt. Không có gì chia cơm, anh em tự lực bằng cách lấy mũ, nón, cởi cả áo ra đựng rồi bốc bằng tay mà ăn. Đâu có cách nào khác vì không tù nhân nào được dùng đồ cá nhân khi từ Biên Hòa lên máy bay địch đã xét lấy sạch. Phải đến ngày thứ ba, tức hết Tết địch mới phát cà mên cho mỗi tù nhân dùng đựng cơm, thức ăn cá nhân, cơm từ cái thùng bằng gỗ do nhà bếp phân chia cho mỗi phòng.
Theo thời gian trôi đi, cái Tết năm 1969 đã đến.
Địch bị ta tấn công khắp miền Nam, chúng cay cú vì thua đau trong Tết Mậu Thân, giờ hoàn hồn giở trò trả thù vô cùng hèn hạ vào những người tù. Ngày 2/8/1969, tôi bị địch bắt đánh đập ở Ban điều hành rồi đưa đi nhốt tại trại biệt giam 2, nơi ác liệt nhất ở đảo Phú Quốc do tên Nhứt Nhu cai quản. Trong biệt giam, tôi suýt chết vì sức lực kiệt quệ. Cuối tháng 12 địch cho ra, về trại giam B3. Gặp anh em quen giúp đỡ, có thuốc men điều trị các vết thương, anh y sĩ cho xin thuốc và cấp được lon sữa bồi dưỡng, sức khỏe tôi mới dần hồi phục. Tình đồng chí đồng đội được thể hiện trong cảnh địch luôn theo dõi, sẵn sàng tra tấn giết hại tù nhân là nguồn động viên to lớn giúp tôi vượt khó, là cái Tết sau ngày tôi “thoát chết” ở biệt giam B2.
Tết năm 1970, địch cũng khủng bố dữ dội, năm đó chúng thực hiện âm mưu đánh phá tổ chức của ta trong các trại giam, tăng cường tâm lý chiến, tăng cường khủng bố, đánh đập, rún ép tù chạy sang các khu chiêu hồi trá hình bằng khu “tân sinh hoạt”.
Tết năm 1971, tình hình vẫn căng thẳng, địch vẫn khủng bố, một số trường hợp địch bắn vào trại giam bằng đại liên như phân khu B8. Tù binh vẫn đổ máu bởi bọn địch luôn dùng các kiểu tra tấn man rợ đối với người tù.
Tết năm 1972, địch vẫn căng với tù, chưa có diễn biến gì mới.
Chính vì những đợt khủng bố của địch, chỉ trong thời gian từ tháng 6/1967 đến tháng 3/1973, đã có hơn 4.000 người tù hy sinh trên đảo Phú Quốc. Độ dã man của địch vô cùng tàn ác, chúng chôn hàng trăm người vào một hố. Có 4 hố chôn tập thể như vậy, địch còn đổ hóa chất lên cho tiêu hủy thân xác người tù. Những người tù chết được anh em đấu tranh chôn ở “nghĩa trang” rất ít ngôi mộ có bia. Sau khi trao trả chúng cho xe ủi bằng địa nên việc tìm kiếm, cất bốc gặp nhiều khó khăn, việc tìm tên liệt sĩ là không thể.
Tết năm 1973, tình hình có thay đổi, bọn quân cảnh có thái độ bớt đánh đập tù, chúng sắp xếp thành từng toán 100 n gười chuẩn bị trao trả. Cái Tết này tù cũng không được “ăn Tết” theo nghĩa ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Cũng chỉ hai bữa cơm như ngày thường mà thôi.
Ngày 15/3/1973, địch đưa tôi lên máy bay cùng nhiều anh em khác trao trả tại sông Thạch Hãn (Quảng Trị).
Vậy là tôi đã sống sót qua 6 cái Tết trong tù Mỹ - ngụy, từ 1968 đến 1973.
Ban Thống nhất tiếp đón đưa tôi về an dưỡng tại Sầm Sơn, được chăm sóc sức khỏe, học tập và được ăn hai cái “Tết” 1974 -1975 đúng nghĩa, trong tình yêu thương của Đảng, của đồng chí đồng đội.
Cuộc đời tôi trải qua nhiều cái Tết khác nhau, trong đó những cái Tết ở nhà giam của Mỹ - ngụy lưu lại ký ức không thể phai nhòa, dù thời gian đã lùi xa cách nay trên dưới 50 năm dài!