Dân Việt

Việt Nam có ca nhiễm virus nCoV: "Phòng dịch như phòng hỏa"

Diệu LinD 23/01/2020 21:40 GMT+7
“Phòng dịch như phòng hỏa, không thể bảo dịch chờ Tết xong hãy tiếp tục được”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định tại buổi làm việc với tỉnh Lạng Sơn về công tác phòng chống viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (nCoV) ngày 23/1.

Tại buổi làm việc, ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, tỉnh Lạng Sơn hiện có 12 cửa khẩu, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu song phương và 9 cửa khẩu phụ.

Thực hiện các văn bản của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV; kiểm tra công tác phòng chống dịch tại cửa khẩu Hữu Nghị, trực tiếp chỉ đạo các lực lượng chức năng tại cửa khẩu (biên phòng, hải quan) phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tăng cường kiểm tra, giám sát  đối với người nhập cảnh và phương tiện, hàng hóa tại tất cả các cửa khẩu, tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh xâm nhập...

img

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra công tác phòng dịch tại cửa khẩu ở Lạng Sơn. 

Từ ngày 1/1/2020 đến ngày 16/1/2020, ngành Y tế tỉnh đã kiểm soát 90.837 lượt khách nhập cảnh; 94.167 lượt người xuất cảnh (Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma, Cốc Nam và Ga Đồng Đăng, riêng cửa khẩu Hữu nghị có 44.518 người nhập cảnh, 46.820 người xuất cảnh), chưa phát hiện trường hợp nào nghi ngờ.

Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đã tăng cường công tác giám sát hành khách đến từ vùng có dịch thông qua hệ thống giám sát thường xuyên và giám sát dựa vào sự kiện (EBS) tại tất cả các cửa khẩu, tổ chức giám sát chặt chẽ thân nhiệt khách nhập cảnh bằng máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát tình trạng sức khỏe tất cả các hành khách nhập cảnh về từ Trung Quốc.

Hiện Lạng Sơn có 7 máy đo thân nhiệt từ xa (3 máy ở cửa khẩu Hữu Nghị; 1 máy ở Tân Thanh; 1 máy ở Cốc Nam; 1 máy ở Chi Ma; 1 máy ở Ga Đồng Đăng) và các máy đo thân nhiệt điện tử cầm tay.

img

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: “Phòng dịch như phòng hỏa, không thể bảo dịch chờ Tết xong hãy tiếp tục được”.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Ban chỉ đạo tỉnh chú trọng công tác phòng chống tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, đồng thời sẵn sàng triển khai ở tình huống 2 xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Lạng Sơn, thực hiện quyết liệt việc phân tuyến điều trị, hạn chế di chuyển bệnh nhân, triển khai kế hoạch mở rộng...

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Lạng Sơn rà soát lại thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, khẩn trương kiện toàn và phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng thành viên. Theo đó, từng thành viên phụ trách từng địa bàn cụ thể và chịu trách nhiệm chỉ đạo phòng chống dịch ở địa bàn đó. Trong phân công cần có sự phối hợp giữa các ngành.

Trước ý kiến của các đơn vị về việc thiếu phiên dịch viên tiếng Trung, Thứ trưởng Bộ Y tế gợi ý, Sở ngoại vụ có thể bố trí phiên dịch tiếng Trung tại khu vực cửa khẩu. “Phòng dịch như phòng hoả, không thể bảo dịch chờ ăn tết xong hãy tiếp tục được”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Trước đó, chiều 23/1, Việt Nam đã công bố có 2 ca dương tính với nCoV là người Trung Quốc, là 2 cha con. Người con từ Vũ Hán (Trung Quốc – nơi bùng phát dịch bệnh đầu tiên) đến Nha Trang và Long An, sau đó lây bệnh cho cha đang ở Long An. Hiện hai bệnh nhân này đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), sức khỏe đã ổn định.

img

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng dịch tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư.

Cùng ngày, sáng 23/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới  kiểm tra Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cơ sở 2 tại Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội về khả năng đáp ứng với dịch bệnh trong trường hợp bệnh viêm phổi do virus Corona xâm nhập Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đi kiểm tra khu cách ly đặc biệt, điều trị, hệ thống labo, phòng thí nghiệm  cho bệnh nhân trong trường hợp xuất hiện người nhiễm bệnh. Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt các cửa khẩu, đặc biệt các cửa khẩu từ Trung Quốc, sẵn sàng theo dõi, cách ly ngay tại cửa khẩu khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ. Tất cả các cơ sở điều trị thực hiện đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế, có bệnh nhân cần phải cách ly, điều trị ngay. Bộ Y tế phải chủ động thông tin tình hình dịch bệnh của Việt Nam và thế giới.

"Nếu gia đình có người sốt cần phải hạn chế tiếp xúc gần và đưa đến cơ sở y tế kịp thời, bởi bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc phòng chống nhiều dịch nhưng ở thời điểm này, tất cả phải sẵn sàng ứng phó ở tình huống xấu nhất và luôn có biện pháp cao hơn mức bình thường, nhất là trong thời điểm dịp Tết Nguyên đán", Phó Thủ tướng khuyến cáo. 

Theo ông Đặng Quang Tấn, Phó cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế),  tính đến ngày 23/1, Trung Quốc đã ghi nhận 541 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 17 trường hợp tử vong, 15 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh. Nhiều nước trên thế giới đã có người mắc bệnh viêm phổi cấp do virus nCoV đến từ Trung Quốc.

Tổ chức Y tế thế giới nhận định virus nCoV có thể lây từ người sang người. Tỷ lệ tử vong do chủng Corona virus mới tại Trung Quốc hiện chỉ chiếm khoảng 3%, thấp hơn nhiều do với các chủng Corona, virus gây bệnh SARS là 16%, MERS tỷ lệ tử vong lên tới 36%...

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành công điện về việc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona gây ra. 

"Bệnh viêm phổi cấp do virus Corona là bệnh lây qua đường hô hấp. Thời gian ủ bệnh là 14 ngày. Người xung quanh hít phải giọt bắn của nước bọt hay hắt hơi của người bệnh có nguy cơ mắc bệnh. Hiện WHO đã khẳng định bước đầu là virus có nguồn gốc từ động vật nhưng là chủng gì thì chưa xác định. Cũng giống như bệnh SARS, virus này sẽ lây từ người sang người nên không chỉ người dân và cán bộ y tế cũng có nguy cơ lây bệnh, những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân không được lơ là, mất cảnh giác. Virus Corona chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên vẫn dựa trên phòng bệnh và phát hiện điều trị triệu chứng và biến chứng".

GS-TS Nguyễn Văn Kính - nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương