Cách đây 11 năm về trước, dòng sông Gianh đã nhấn chìm con đò, cướp đi 42 sinh mạng con người đang trên đường đi chợ sắm Tết về khi thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới đang đến rất gần.
Ông Phạm Xuân Lập chỉ tay về phía con đò bị chìm trong ngày cuối năm 2009. Ảnh: PV
Phóng viên Dân Việt tìm về xã Quảng Hải, TX. Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình), hỏi về vụ chìm đò vào ngày 30 Tết Kỷ Dậu năm 2009 khiến 42 người chết, từng dòng ký ức lại ùa về với bà con nơi đây.
Dẫn chúng tôi ra bến đò năm xưa, ông Phạm Xuân Lập (SN 1972, thôn Văn Bắc, xã Quảng Hải, TX. Ba Đồn) hồi tưởng kể: “Sáng ngày 30 Tết âm lịch, tôi đang dọn dẹp nhà cửa thì nghe con tôi chạy vào hét lớn “ba ơi đò chìm”. Tôi tất tả chảy ra sông, thấy ghe của ai đậu mép sông rồi cùng 2 người nữa chèo ra cứu được 3 người đang chới với dưới dòng nước và kéo được 3 thi thể vào bờ”.
“Cảnh tượng lúc đó bi thương lắm, dưới dòng sông lạnh ngắt người dân ra sức cứu hộ, trên bờ bà con gào khóc gọi tên người thân” - Ông Lập ngân ngấn lệ rơi.
Anh Cao Xuân Tạo bên di ảnh của vợ và hai người con đã chết trong vụ chìm đò ngày 30 Tết. Ảnh: PV
Ông Lập tiếp lời: “Trong vụ chìm đò năm xưa, gia đình tôi mất đi chị gái Phạm Thị Tơ và chị dâu Cao Thị Hồng. Khăn trắng bao trùm gia đình, xóm làng, nghĩ lại mà thấy xót thương”.
Clip: Ông Phạm Xuân Lập kể lại giây phút định mệnh ngày 30 tết âm lịch năm 2009.
Năm đó, chính quyền địa phương và người dân xã Quảng Hải phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi để mua đủ số quan cho những người tử nạn. Do số người chết quá lớn nên nhiều gia đình phải đặt quan tài của người thân trên xe thồ để đưa đi chôn cất.
Ngày đưa tang ba mẹ con, anh Cao Xuân Tạo đứng không vững, gào khóc, gọi tên vợ con trong vô vọng
Trong vụ chìm đò năm xưa, gia đình mất mát lớn nhất có lẽ là anh Cao Xuân Tạo. Dòng sông Gianh tưởng như hiền hòa ấy đã cướp mất đi người vợ và hai đứa con thơ của anh.
Anh Cao Xuân Tạo (SN 1974, thôn Vân Trọng, xã Quảng Hải, TX. Ba Đồn) ngân ngấn nước mắt tâm sự: “Hôm đó là ngày cuối cùng của năm, tôi ở nhà dọn dẹp, vợ và hai đứa con đi chợ. Đang dọn nhà thì bất chợt tôi nghe nhiều người hét lớn “chìm đò rồi, chìm đò rồi” tôi nghe đã thấy lạnh người vì có ba mẹ con đi chợ phải qua đò, thế là tôi tức tốc chạy ra”.
Tang thương bao trùm xóm làng, xe tang không đủ nên người dân phải dùng xe thồ để chở quan tài.
“Khi chạy ra tận tôi thấy cảnh tượng quá đau thương, nhiêù người chết được vớt lên đưa vào nhà văn hoá, chưa định thần lại thì có người giật tay tôi nói vợ con em chết rồi, tôi được họ kéo lại nơi đặt vợ con mình. Lúc đó tôi bàng hoàng lắm, luôn gào khóc, gọi tên vợ, tên hai đứa con của mình. Đời tôi lúc đó như sụp xuống, mất mát, đau thương quá”.
“Vợ tôi Cao Thị Hà cùng hai con, đứa gái Cao Thị Huyền, đứa trai Cao Minh Đức thế là ra đi mãi mãi từ ngày đó. Con gái đầu của tôi giờ còn sống cũng được 20 tuổi rồi” - Anh Tạo bùi ngùi chia sẻ.
Cầu Quảng Hải bắc qua sông Gianh đã giúp người dân di chuyển, giao thương dễ dàng và dần quên đi kí ức buồn năm xưa.
Hơn 3 năm sau anh Tạo mới dần nguôi ngoai nỗi nhớ về vợ về con, cố gắng làm lại cuộc đời. Và còn trẻ nên anh đã đi thêm bước nữa để xây dựng cho mình một tổ ấm mới.
Cuộc sống của người dân xã Quảng Hải (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) nay đã đổi thay, bến đò Quảng Hải nay chỉ còn lại phế tích, bà con trong làng đã có cầu để qua sông, có chợ để mua bán. Người dân vực dậy sống một cuộc sống mới, như cây phong ba trước bão, dù quật ngã bao lần vẫn kiên cường đứng lên.