Ngành chăn nuôi vừa trải qua một năm Kỷ Hợi nhiều sóng gió khi ngay từ đầu năm, dịch tả lợn châu Phi được phát hiện lần đầu tiên tại Thái Bình và Hưng Yên, dịch bệnh mà theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường: "Nguy hiểm chưa từng có".
Trên thực tế, ngay từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở Trung Quốc, Chính phủ, ngành chức năng đã có những văn bản chỉ đạo kịp thời công tác ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, do tính chất nguy hiểm của dịch trong khi Việt Nam có đường biên giới dài với Trung Quốc, hoạt động thương mại giữa hai bên rất sôi động nên dù không muốn dịch tả lợn châu Phi vẫn xuất hiện, và ngay sau đó bùng phát, lây lan với tốc độ cực nhanh.
Tính đến thời điểm cuối tháng 12/2019, khi dịch đã đi vào giai đoạn cuối, tổng số lợn phải tiêu hủy do dịch đã lên đến 5,9 triệu con với trọng lượng 337.800 tấn, chiếm 8,9% tổng sản lượng thịt cả nước; đàn lợn giảm khoảng 26,8% so với cùng thời điểm năm 2018; sản lượng thịt lợn cả năm khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018. Điều đáng nói là, phần lớn những trang trại bị dịch đều của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều hộ lâm vào tình cảnh nợ nần chồng chất.
Dịch bệnh không chỉ khiến đàn lợn bị giảm đáng kể, giá heo hơi suốt nửa đầu năm 2019 luôn trong trạng thái đóng băng đã khiến nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ nặng, có thời điểm, giá heo hơi chỉ còn khoảng 23.000 - 24.000 đồng/kg, dưới cả giá thành. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do những thông tin không đúng về dịch tả lợn châu Phi khiến người tiêu dùng e ngại, trong khi người chăn nuôi lo ngại dịch bán tống bán tháo lợn ra thị trường.
Anh Đỗ Văn Nghĩa, ở thôn Bãi Sậy 2, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết, trong lúc dịch đang ở thời kỳ cao trào, giá lợn hơi chạm đáy, anh phải đứt ruột bán 1.000 con lợn chỉ với giá 23.000 – 25.000 đồng/kg. “Tiếc nhưng không còn cách nào khác phải giảm đàn để giám sát dịch bệnh tốt hơn” – anh Nghĩa nói.
Để bảo vệ đàn lợn còn lại, anh Nghĩa quyết thực hiện phương châm “nội bất xuất ngoại bất nhập” với trang trại của mình, công nhân “cố thủ” trong trang trại, khi có việc ra ngoài, vào lại trang trại phải qua nhiều bước cách ly, khử trùng. Xung quanh trang trại rắc vôi bột, định kỳ phun thuốc sát trùng 3 ngày một lần. Rất may, đến thời điểm này, trang trại của anh Nghĩa vẫn an toàn qua “bão” dịch dù có đến 70% trang trại chăn nuôi lợn ở Tân Dân đã dính dịch tả lợn châu Phi.
Rất may là sau đó, giá heo hơi được cải thiện, thậm chí có lúc tăng nóng, hiện đạt bình quân 80.000 - 85.000 đồng/kg, giúp những người chăn nuôi còn giữ được đàn thu lợi nhuận khá.
Đơn cử như gia đình anh Nghĩa, hiện, trang trại của anh Nghĩa có 4.000 con lợn các loại, đợt này có 500 con đến thời kỳ xuất chuồng với biểu cân 115 – 120kg/con, mức giá lợn hơi khá cao giúp vợ chồng anh dần “lấy lại những gì đã mất”.
Theo dự báo, giá heo hơi những tháng đầu năm 2020 vẫn ổn định ở mức cao, và có thể sẽ cao hơn năm 2019 do lượng lợn bị thiếu hụt do dịch vẫn chưa bù đắp đủ.
Rất may là, dịch tả lợn châu Phi tại nhiều địa phương từng bước được kiểm soát, số lượng lợn tiêu hủy giảm nhiều, hiện giá thịt lợn hơi đang tăng mạnh nên nhiều địa phương chủ động tái đàn nhưng được kiểm soát chặt chẽ nhằm hạn chế bùng phát và lây lan dịch bệnh trên đàn lợn.
Có thể thấy, ngay từ đầu, Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo rất cụ thể và sát sao công tác phòng chống dịch bệnh; Bộ NNPTNT, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đã triển khai quyết liệt. Đã có trên 50 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống bệnh. Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì, chỉ đạo tại 05 Hội nghị về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và trực tiếp đến cơ sở để kiểm tra và chỉ đạo tổ chức công tác phòng, chống bệnh.
Bộ NNPTNT đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để quán triệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. phối hợp với các tổ chức quốc tế (và các nước hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh và tổ chức nghiên cứu vắc xin dịch tả lợn châu Phi, qua đó, đã giảm thiệt hại ở mức thấp nhất do dịch bệnh.
Một số trại chăn nuôi đẩy mạnh các biện pháp an toàn sinh học, sử dụng chế phẩm tăng cường sức đề kháng; người chăn nuôi quan tâm áp dụng có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học và vệ sinh phòng bệnh; nhiều địa phương đã chủ động cho tái đàn.
Theo Sở NNPTNT Hà Nội, sau hơn 10 tháng bùng phát bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Hà Nội có 550.000 con lợn (chiếm khoảng 30% tổng đàn toàn thành phố Hà Nội) mắc bệnh phải tiêu hủy, trọng lượng khoảng 38.000 tấn.
Hiện, thành phố chủ trương tổ chức tái đàn tại các hộ chăn nuôi đáp ứng điều kiện theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT nhưng không ồ ạt mà có kiểm soát. Toàn thành phố đã có khoảng 3.500 hộ đủ điều kiện được phép chăn nuôi lợn trở lại với tổng đàn khoảng 290.000 con.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong năm 2020, ngành chăn nuôi tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại trên cơ sở điều chỉnh Chiến lược phát triển chăn nuôi; chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm (trọng tâm là tăng gà lông màu, vịt đẻ trứng) và gia súc lớn, tạo sản phẩm an toàn; tiến tới xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi có tiềm năng.
Phát triển chăn nuôi trang trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức hữu cơ truyền thống; mở rộng chăn nuôi áp dụng VietGAP; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.
Tỷ lệ gia súc được chăn nuôi theo hình thức trang trại, công nghiệp đạt 41 - 43%, gia cầm đạt 50 - 55%; số lượng gà được nuôi theo quy trình VietGAP đạt 19 - 20%, lợn đạt 5,5 - 5,8%.
Kiểm soát tốt dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, trọng tâm là bệnh dịch tả lợn Châu Phi; tăng cường hoạt động kiểm dịch thú y, tổ chức kiểm soát ngăn chặn buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm… qua biên giới. Đẩy mạnh kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế sản phẩm động vật và giám sát tồn dư hóa chất, ô nhiễm vi sinh vật trong thịt, trứng, sữa và mật ong; xây dựng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh...