11h30, tại nhiều phường ở thành phố Việt Trì (Phú Thọ), người dân ghi nhận mưa đá kéo dài khoảng 10 phút. Mật độ viên đá thưa, đường kính 1-2 cm. Sau đó trời hửng nắng tầm 30 phút thì mây giông, sấm chớp lại kéo đến.
Nhiều khu vực trũng như ở phường Thọ Sơn, Thanh Miếu bị ngập. Vườn rau ăn Tết ở một số nhà ngả rạp. "Từ bé đến giờ, lần đầu tiên tôi chứng kiến trận mưa to như vậy vào 30 Tết. Tôi cứ ngỡ như đang ở mùa hè", chị Quách Kim Tiền (27 tuổi, phường Thọ Sơn) nói.
Tại huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), huyện Phổ Yên (Thái Nguyên), mưa đá cũng xuất hiện trong cơn giông. Nhiều người ngạc nhiên vì tháng 1 vẫn là chính đông, thời tiết chủ đạo là rét, mưa nhỏ, mưa phùn, chứ ít khi xuất hiện mưa giông, đặc biệt là mưa đá.
Ông Nguyễn Văn Hưởng (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) giải thích chiều nay không khí lạnh còn cách biên giới phía Bắc hơn 100 km. Tuy nhiên, rãnh áp thấp do không khí lạnh tạo ra kết hợp với hội tụ gió trên mực 1.500 m và 5.000 m khiến vùng trung du và phía tây Hà Nội có mưa rào, một số nơi có giông. Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa còn có mưa đá.
Ông Hưởng cho rằng mưa đá xuất hiện vào thời điểm này "hiếm, chứ không phải chưa gặp". Chiều và đêm nay, không khí lạnh dồn mạnh xuống, tương tác của không khí lạnh và hội tụ gió vẫn còn mạnh. Vì thế từ chiều nay đến sáng mai, miền Bắc liên tục mưa rào và giông mạnh, nguy cơ cao xuất hiện các hiện tượng cực đoan như mưa đá và giông sét.
Đến giao thừa, miền Bắc sẽ có mưa rào và gông diện rộng. Một số nơi còn có thể mưa vừa (16-50 mm trong 24 giờ), thậm chí mưa to (50-100 mm trong 24 giờ), không thuận lợi cho việc vui chơi ngắm pháo hoa của người dân.