Hôn lễ tổ chức hoành tráng với “đoàn rước dâu siêu xe cả trăm chiếc”, với sự có mặt của nhiều ngôi sao ca sĩ Việt Nam và hải ngoại. Ở Cần Thơ, thiếu gia cưới vợ cũng bằng đoàn siêu xe, trong đó chiếc Rolls-Royce Phantom biển tứ quý 3333 trị giá hàng chục tỷ đồng là xe nhà chú rể. Bà chủ hôn, là nữ đại gia ngành thủy sản Phạm Thị Diệu Hiền.
Chỉ có một điểm khác: Đám cưới ở Hà Tĩnh thì chủ hôn tuyên bố toàn bộ tiền mừng sẽ đem làm từ thiện. Còn đám cưới ở Cần Thơ được tổ chức khi nông dân giăng băng rôn yêu cầu bà Hiền trả nợ tiền mua cá.
Người giàu có quyền tiêu tiền, miễn là đừng ảnh hưởng đến người khác.
Nhưng những “siêu đám cưới” không đơn thuần chỉ là chuyện tiêu tiền, cũng không chỉ là chuyện “nổ”, chuyện khoe của. Ngay sau “siêu đám cưới”, nữ đại gia miền Tây cho rằng làm vậy vì muốn khẳng định cá nhân không nợ nần ai chớ không phải muốn “chơi trội”. Nhưng nực cười là bà này đã dùng chính những món nợ với nông dân để gây sức ép lên ngân hàng khi có văn bản gửi Thống đốc kiến nghị chỉ đạo một số ngân hàng thương mại thẩm định lại tài sản đã thế chấp để tiếp tục cho vay, nhằm giúp công ty trả nợ.
Cuối tuần trước, hội nghị ngành thuế đã đưa ra những con số kinh ngạc về chuyện các đại gia nợ thuế, trong đó những đại gia nổi tiếng nhất về chuyện giàu có, như Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức chẳng hạn, lại là những con nợ lớn nhất với số tiền hàng trăm tỷ.
Chuyện nợ thuế, hay nợ tiền mua cá của nông dân cũng đều là nợ người dân cả. Nhưng không thể chấp nhận khi người dân phải bòn mót mồ hôi, vay nặng lãi từng đồng để rồi bị nợ. Các đại gia “tiền tiêu 4 - 5 đời không hết” lại càng không thể “được nợ” những món tiền khủng trong tình trạng các doanh nghiệp nói chung mướt mồ hôi, chạy vạy vay vài tỷ đồng với lãi suất cao ngất.
Hình như càng nợ, người ta càng cần phải mua xe sang, càng cần phải có siêu đám cưới, càng cần phải “nổ”. Nhưng, nói như chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt, họ không thể “cưỡi lên những sự đau khổ xung quanh” để tiêu xài vô lối như vậy.
Anh Đào