Mẹ tôi nói, ở thành phố người ta ăn cao lương, mỹ vị, quê mình nghèo nên cúng ông bà những món dân dã chân quê. Điều quan trọng là tấm lòng của lớp cháu con nhớ về cội nguồn ngày tết. Món ăn này mang nhiều ý nghĩa lắm nên mỗi khi tết về, mẹ phải làm cho bằng được để vừa cúng bái tổ tiên, vừa cho con cháu ăn để không quên nguồn cội.
Mẹ nói: Bánh canh bột xắt thì đâu cũng có, nhưng với món ăn gia truyền này, hiếm người biết và nấu nướng vì rất kỳ công.
Ngày cận tết, mẹ thường bảo các cậu tìm kiếm dưới sông những con tép bạc đất no tròn nhảy soi sói rất đẹp mắt, không được nấu với bất kỳ loại tép (tôm) nào khác vì chất lượng sẽ kém ngon bởi không ngọt, bùi rất lạ thường. Tép dạng này thường được các cậu tôi đóng đáy ở cửa sông mới có và nhanh chóng mang về cho mẹ.
Món bánh canh tép đậm đà hương vị quê hương
Riêng bột xắt phải dùng gạo Chợ Đào ( Long An) mới đảm bảo dẻo, mùi thơm đặc trưng. Có lần các dì tôi dùng loại gạo đắt tiền khác để thay thế. Kết quả là nồi bánh đã không đạt yêu cầu.
Đâu chỉ vậy, nước cốt phải làm từ những trái dừa xiêm xanh để có độ béo và mùi thơm đặc biệt. Nhà tôi đến nay còn lưu giữ được 5 gốc dừa chuyên để làm bánh canh. Nhiều người đến hỏi mua để làm mứt, nhưng mẹ tôi kiên quyết từ chối. Mẹ nói: Chỉ để làm bánh canh cúng tết, làm đám giỗ và cho con cháu làm quà về lại đô thành.
Tép bạc đất sau khi rửa sạch, bỏ đầu, bỏ vỏ ướp tỏi, đường, bột ngọt, muối, nước mắm khoãng 30 phút trước nấu chung với bánh canh. Người nấu còn chuẩn bị hành lá rửa sạch, để ráo, tước thành những sợi nhuyễn; củ hành tím bóc vỏ, băm nhỏ; nước cốt dừa pha với nước sôi tỷ lệ 50/50.
Sau khi cho tất cả gia vị vào nồi khoãng 5 phút sau thì cho bột gạo xắt vào, sau đó đến lượt tép bạc, nước cốt dừa sẽ cho vào sau cùng. Để tăng phần thơm ngon, nhiều người cho thêm ruột con nghêu hay mực ống bằm nhuyễn vào cùng. Để bột gạo ngon, dai, đẹp mắt thì cần pha trộn bột năng vào cùng, bột phải xay bằng cối đá thì độ sáng sẽ tươi hơn dù mất nhiều thời gian. Bột thành phẩm được ép vào các chai thủy tinh, sau đó dùng dụng cụ hình cánh cung cắt chúng thành từng sợi rất đẹp mắt.
Tôi nhớ lắm cái công đoạn xắt bột trên thành các vỏ chai thủy tinh từ những dụng cụ có hình như một cây cung thu nhỏ. Người cắt sẽ dùng nó để cắt những cọng bột sao cho thật đều, thật khéo. Tuy nhiên lũ cháu con trong đó có tôi cứ “bó tay” bởi không tài nào cắt được những lát bột đều đặn như mẹ tôi làm. Mẹ nói: Tao già nhưng còn khéo tay lắm, nhỏ như bay quen cầm viết, cầm điện thoại, máy vi tính nên đâu có khéo như tao được. Mẹ cười rất vui.
Ngoài hương vị thơm ngon, đậm đà món ăn này còn mang tính hoài cổ gợi nhớ về đất và người Bến Tre thông qua con tép sông quê, nước cốt dừa, con mực, con nghêu… khiến nhiều người xa quê luôn nhớ về nguồn cội.
Tôi nhớ lắm mấy thời khắc mươi năm về trước, chúng tôi vui hơn lắm được ngồi nhìn mẹ vừa xắt bột làm bánh canh tép, vừa kể nhiều chuyên cổ tích rất hay và ý nghĩa như: Thạch Sanh chém chằn; Lâm Sanh – Xuân Nương; Phạm Công – Cúc Hoa; Mục Liên – Thanh Đề; Quan Âm Thị Kính… Mẹ tôi tuy học hành hạn hẹp, nhưng có lối kể chuyện rất hay.
Tết này về quê, chúng tôi lại được thưởng thức món bánh canh tép của mẹ nấu năm nào nhưng thật nao lòng khi bắt gặp đôi tay gân guốc đầy vãy đồi mồi khi xắt bánh; bắt gặp mái tóc bạc phơ bay của mẹ bay trong gió lộng trên bến sông quê. Mẹ không còn sức lực để kể những câu chuyện cổ tích ngày xưa. Duy chỉ đôi mắt vẫn ánh lên sự độ lượng, thương yêu các con như ngày mẹ tôi còn trẻ.
Xa xa tiếng ai hát càng làm nỗi lòng thương mẹ tăng lên gấp bội. “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, ngọt ngào”.
Tết đã về.