Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (ngoài cùng bên trái) ngồi dự giờ tiết học Giáo dục Công dân ở Trường THCS Trần Cao Vân (TP Huế) hồi tháng 10/2019 (ảnh IT).
Việc một Chủ tịch tỉnh đi dự giờ một lớp học của học sinh là chuyện rất hiếm, ông có thể chia sẻ lý do khiến ông chọn cách làm này?
- Thực tình mà nói việc lãnh đạo chính quyền đi dự giờ lớp học của học sinh không đặc biệt gì đâu. Phần lớn lãnh đạo chính quyền thường chuẩn bị kỹ và chọn thời điểm để đi, còn tôi muốn đi dự giờ một cách bất ngờ. Tôi chọn tiết dạy về đạo đức (môn Giáo dục công dân) để dự. Tại sao vậy? Vì đạo đức, lối sống trong trường học hiện nay là vấn đề được xã hội rất quan tâm. Tôi muốn trực tiếp nghe một giờ dạy hết sức bình thường, không báo trước, để xem sự tiếp thu và việc dạy đạo đức của các thầy cô cho các em học sinh như thế nào.
Qua tiết dự giờ đó thấy có nhiều bài học rút ra, từ chương trình dạy cũng như cách truyền đạt cho học sinh môn đạo đức. Có nhiều nội dung cần cải thiện để nâng cao chất lượng dạy và học môn học đạo đức cũng như việc giáo dục lối sống cho học sinh ở các cấp phổ thông.
Việc một Chủ tịch tỉnh bất ngờ tới dự giờ lớp học như vậy có khiến cho giáo viên và cả học sinh lúng túng, lo lắng trong tiết học thưa ông?
- Mặc dù việc đi dự giờ của tôi không được báo trước, nhưng khi vào lớp học tôi đã giới thiệu và xin phép giáo viên đang đứng lớp cho dự chung với các em học sinh. Đúng là lớp học ban đầu cũng có sự ngỡ ngàng, có phần lo lắng nhưng sau đó tất cả đều hòa nhập nên tiết học diễn ra một cách bình thường.
Ông Phan Ngọc Thọ trong lần phát biểu tại Quốc hội (ảnh quocho.vn).
Là người có nhiều tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, theo ông vấn đề giáo dục hiện nay còn có những hạn chế, bất cập gì cần phải sớm thay đổi?
- Đánh giá chung về giáo dục thấy còn có những hạn chế, bất cập, đặc biệt là vấn đề giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng thực hành cho học sinh. Làm sao nâng cao kỹ năng cho học sinh, đặc biệt kỹ năng thực hành, làm theo nhóm. Hiện nay rõ ràng do giáo trình quá dài nên trong một tiết học thầy cô giáo không đủ thời gian diễn giải những nội dung trong sách. Khi dạy đạo đức chẳng hạn về ứng xử hay lòng biết ơn với tiền nhân, tôi thấy nội dung gói gọn, thiếu nhiều liên hệ thực tiễn tại địa phương. Ví dụ nói về tưởng nhớ công ơn của tiền nhân thì học sinh tại đó cũng phải biết lịch sử trường học của mình. Cần phải làm sao có thêm những giờ học ngoại khóa để làm cho các em hiểu hơn về những thực tiễn từ cuộc sống.
Một điểm nữa, dạy đạo đức lối sống khi nói về việc tiết kiệm, trong bài học chỉ thấy nói tiết kiệm điện và nước. Tôi nghĩ trong cuộc sống còn nhiều cái phải tiết kiệm nữa nhưng do thời lượng không cho phép nên giáo viên chỉ nói chuyện tiết kiệm điện và nước, như học sinh khi ra khỏi phòng tắt điện. Qua dẫn chứng trên cho thấy giáo viên không có đủ điều kiện để đưa những thực tế khác vào bài giảng.
Vấn đề này tôi cũng đã góp ý với giáo viên và hiệu trưởng sau khi dự giờ. Có thể trong tiết học, giáo viên cố gắng đảm bảo nội dung theo chương trình sách giáo khoa nhưng làm sao lồng ghép thực tiễn để sinh động hơn, ít nhàm chán hơn.
Qua việc dự giờ tiết học về đạo đức, tôi thấy sau này cần phải có bài nói chuyện về kỹ năng sống cho học sinh. Chẳng hạn khi nói về vấn đề liên quan đến lòng biết ơn thì mời những giáo viên tại các trung tâm dạy kỹ năng sống ra nói chuyện với các em học sinh, như vậy rõ ràng có hiệu ứng rất cao.
Bức thư ông Phan Ngọc Thọ gây nhiều ấn tượng dịp đầu năm học.
Ông dự định đưa ra cách làm mới mẻ nào áp dụng cho tỉnh nhà để có thể tạo ra bước đi đột phá trong công tác giáo dục?
- Tôi muốn xây dựng mô hình trường học kiểu mẫu ở địa phương mình, mô hình kiểu mẫu sẽ tập trung vào 3 mô hình mà ngành giáo dục đang hướng tới, đó là trường học hạnh phúc, trường học xanh và trường học thông minh. Ba mô hình này là đặc trưng để tạo ra mô hình trường học kiểu mẫu cho địa phương chúng tôi.
Thứ hai, tôi muốn tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh thông qua những lớp thực hành, thông qua bài nói chuyện về lối sống, kỹ năng sống, những buổi ngoại khóa để các em có thể tiếp cận đến câu chuyện ngoài đời. Qua đó, các em được trau dồi đạo đức, nhân cách nhiều hơn.
Chúng tôi cũng muốn đổi mới hệ thống giáo dục liên quan đến tiếng Anh để qua từng cấp học các em có khả năng giao tiếp. Một trong những điều còn yếu của học sinh chúng ta là tốt nghiệp THPT rồi, nhưng ra ngoài đời không giao tiếp được ngoại ngữ ở mức độ bình thường nhất.
Thứ ba, chúng tôi muốn giáo dục liên quan đến thể lực, có những đội tuyển mạnh để tham gia đội tuyển quốc gia từ học sinh phổ thông. Thứ tư, chúng tôi muốn giáo dục về vấn đề địa phương, đó là văn hóa, lịch sử con người Thừa Thiên Huế để các em tự hào về tổ tiên, những tiền nhân tại xứ Huế, qua đó thôi thúc tinh thần ham học hỏi, cũng như cống hiến của các em sau này.
Xin cảm ơn ông (!)