Dân Việt

Ký ức Tết trong tôi: Hương bồ kết

Gavoye Quyên 26/01/2020 20:00 GMT+7
Những ngày này, cứ mở màn hình là thấy hình ảnh tết tràn ngập, làm dấy lên trong tôi, người con xa quê một nỗi niềm nao nao khó tả, nỗi nhớ quê hương, nhớ cha mẹ, nhớ mùi vị dưa hành, bánh chưng xanh và mùi hương bồ kết.

Tôi sinh ra vài năm trước khi lệnh cấm vận của Mỹ được dỡ bỏ, đất nước bắt đầu thời kì mở cửa. Cho đến đầu thập niên 90, dầu gội đầu hay sữa tắm vẫn còn là những khái niệm xa xỉ và tương đối xa lạ. Tuổi thơ của tôi vì thế mà gắn liền với nồi nước gội đầu thơm phức của bà ngoại.

Hồi đó, cứ chiều thứ bảy, lúc nắng vẫn đong đưa ngoài ngọn tre, bà ngoại tôi lại lúi húi rửa chiếc nồi to nhất trong bếp, đổ đầy nước mưa đặt phơi ngoài thềm nắng, làm như thế để khi đun nước sẽ mau sôi. Phơi xong nồi nước, bà cầm chiếc rổ ra vườn.

img

Hương bồ kết gắn với ký ức Tết của rất nhiều người. Ảnh minh họa

Nhà tôi khi ấy, dù ở thị xã, nhưng tứ bề là đồng ruộng, nên cây cỏ không phải là của hiếm. Chưa đầy mười phút, bà đã cắt xong một rổ đầy lá mần trầu và hương nhu. Bà bảo đây là những cây cỏ thảo dược sẽ giúp cho tóc chắc khỏe và óng mượt. Bà, một phụ nữ đi lên từ đồng ruộng, đọc được vài ba chữ quốc ngữ nhưng lại biết rất rõ về công dụng của từng loại cỏ cây.  Cả đời bà chỉ có dùng nước chắt ra từ cây cỏ, mà đến khi tuổi đã sang chiều, bà vẫn giữ cho mình mái tóc suôn dài.

Cỏ mần trầu và hương nhu được bà rửa nước giếng mát lạnh, vẩy khô, và thêm vào vài miếng vỏ bòng phơi khô được bà cất giữ quanh năm trong túi xách treo nơi góc bếp. Bà bảo, nước gội mà có thêm vỏ bòng, tóc sẽ rất thơm, trai làng không thể bỏ. Mỗi lần nói xong câu đó bà lại cười, nụ cười trong trẻo của người phụ nữ đã đi qua hết mọi sự đời.

Khi nồi nước bắt đầu reo tí tách, bà lấy một chùm bồ kết ra nướng. Từng trái bồ kết khô đen bóng, nhẹ tênh, cầm lên lắc nhẹ, những hạt bồ kết bên trong tách rời va vào thành vỏ tạo ra những tiếng kêu giòn tan. Tôi nhớ hồi nhỏ, dưới con mắt trẻ thơ, quả bồ kết nhìn giống quả đậu ván.

Để nướng bồ kết, bà tôi dùng một đôi đũa tre thật to, gắp từng quả từ từ bỏ vào đống lửa một lúc rồi gắp ra cho vào nồi nước bắt đầu sôi. Mùi bồ kết tỏa ra thơm cả một gian bếp. Khác với những mùi thơm ngào ngạt của hoa hay dịu ngọt của quả, mùi thơm của bồ kết rất trầm. Đó không phải là mùi của nắng, của gió, đó là mùi của ruộng đồng.

Khi nước sôi bà sẽ thêm vào nắm lá mần trầu, hương nhu và vỏ bòng khô.  Một lúc sau, bà dập lửa và nhấc nồi xuống. Trước khi gội, bà sẽ gắp hết các trái bồ kết ra, dùng hai tay vò nát từng trái bồ kết rồi thả lại vào nồi. Màu nước gội sẽ chuyển từ màu xanh của lá cây, sang màu vàng. Ấy là khi tinh dầu bồ kết hòa vào nước.

Khi bà vớt hết nắm lá và vỏ bồ kết vò nát, là lúc nước gội đầu đã sẵn sàng. Bà luôn để tôi gội đầu tiên, vì bà bảo, con gái cần phải có mái tóc đẹp để làm duyên với đời.

Nhưng có lẽ cái mà tôi thích nhất lúc đó là ăn hạt bồ kết. Hạt bồ kết, khi khô bé tí tẹo như hạt chanh, nhưng đến khi đun sôi sẽ nở ra như hạt đậu. Để ăn được hạt bồ kết, tôi phải bóc vứt bỏ lớp vỏ ngoài, gần giống như vỏ đỗ, sau đó mới ăn lớp thịt bên trong.

Lớp thịt của hạt bồ kết dai dai như long nhãn, thơm thơm mùi bồ kết quyện hương nhu và mùi vỏ bòng. Vị của hạt bồ kết không ngọt, không đắng, chỉ vừa đủ cho những đứa trẻ háu ăn như tôi. Cứ như thế, nồi nước bồ kết vào thứ bẩy hằng tuần theo tôi suốt quãng tuổi thơ bên bà.

Vào đầu những năm 2000, kinh tế của đất nước sang trang mới. Cuộc sống dần trở lên hối hả, mọi người bỏ thói quen nấu nước gội đầu và chuyển sang dùng dầu gội. Phần vì để tiết kiệm thời gian, phần vì làng quê giờ đô thị hoá, đất hoang cỏ mọc cũng vì thế mà hiếm nên việc kiếm đủ lá dùng cho nồi nước cũng trở lên khó khăn hơn. Bà ngoại cũng già, không vào bếp được nữa. Nhưng hàng năm, cứ đến chiều ba mươi, khi mọi việc trong nhà đã xong, mẹ lại nấu cho chúng tôi một nồi nước gội đầu theo chỉ dẫn của bà. 

Khi đó, nhà chúng tôi năm người sẽ xúm xít quanh bếp lửa. Mẹ sẽ để chúng tôi gội trước, và bố sẽ là người gội sau cùng. Khi đó bố hay đùa, đàn ông không cần bồ kết đặc cũng đủ làm mượt tóc. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc của gia đình chúng tôi, mùi bồ kết quyện vào mùi hương trầm sưởi ấm cả căn nhà. Lâu dần, nồi nước gội đầu bồ kết trở thành một truyền thống đón tết của gia đình tôi.

Giờ đây, sau rất nhiều năm xa quê, cứ mỗi độ xuân về, tôi lại nhớ mùi vị bồ kết, mùi thơm của lá mần trầu, của lá hương nhu đến nao lòng. Tôi đã cố tìm trong các hương vị dầu gội một chút gần gũi của hương quê. Nhưng thật khó có thể thay thế mùi bồ kết của tuổi thơ bên cha mẹ. Nhìn trên màn hình, không khí tết đã tràn ngập khắp nơi, chỉ riêng tôi vẫn lặng lẽ nơi xa và nhớ về mùi bồ kết.

Besançon 1/2020