Dân Việt

Chân dung Thần tiễn suýt bắn chết Thành Cát Tư Hãn

Quốc Tiệp 27/01/2020 10:32 GMT+7
Nhờ khả năng bắn tên xuất chúng và sự dũng cảm mà Triết Biệt đã được Thành Cát Tư Hãn chú ý tới và từng bước trở thành một trong những chỉ huy quân sự cấp cao nhất của đế chế Mông Cổ trong quá trình chinh phục những vùng đất rộng lớn ở châu Á và châu Âu.

Trong đại quân hùng mạnh của Thành Cát Tư Hãn, Triết Biệt được coi là một trong những cung thủ xuất sắc nhất. Tài năng bắn tên thiện xạ cùng khả năng thao lược quân sự, nhạy bén trên chiến trường đã giúp ông lập nên nhiều kỳ tích trên cuộc hành trình chinh phạt khắp châu Á và châu Âu của đại quân Mông Cổ.

Theo sách Mông Cổ bí sử, Triết Biệt được hậu thế ghi nhận là cung thủ giỏi nhất của quân đội Mông Cổ lúc bấy giờ.

img

Triết Biệt là một trong những cung thủ tài năng nhất trong đại quân của Thành Cát Tư Hãn. (Ảnh minh họa).

Nhưng ít ai biết được rằng chính nhờ khả năng bắn tên xuất chúng mà Triết Biệt đã được Thành Cát Tư Hãn chú ý tới. Từ "cựu thù" (bắn tên khiến Thành Cát Tư Hãn ngã ngựa suýt chết), vị khả hãn có nhãn quan hơn người đã nhanh chóng chỉ định Triết Biệt trở thành thủ lĩnh quân sự trong đại quân của ông.

Triết Biệt (?-1225), nguyên có tên là Chích nhi khoát a ngạt là vốn thuộc bộ lạc Tần Diệc Xích Ngột. Theo Mông Cổ bí sử, năm 1201 Thành Cát Tư Hãn dẫn binh có trận đánh với bộ tộc Tần Diệc Xích Ngột. Trong trận chiến cam go này, Thành Cát Tư Hãn suýt mất mạng sau khi ngựa chiến của ông bị bắn hạ từ phía sau với một mũi tên. Về sau, Thành Cát Tư Hãn nói chuyện với các tù binh Tần Diệc Xích Ngột mà quân đội Mông Cổ bắt được và yêu cầu họ nói ra người nào đã bắn tên vào ngựa chiến của ông. Khi ấy, một tù binh Tần Diệc Xích Ngột đã dũng cảm đứng dậy và thừa nhận mình là cung thủ bắn tên vào ngựa của Thành Cát Tư Hãn. Sau khi nghe người tù binh trên nói, Thành Cát Tư Hãn bị ấn tượng mạnh trước sự gan dạ của người này và bổ nhiệm ông làm chỉ huy trong quân đội của mình.

img

Thành Cát Tư Hãn là người trọng dụng người tài.

Về sau, Thành Cát Tư Hãn đặt cho người lính gan dạ trên biệt danh “Triết Biệt” (có nghĩa là mũi tên) nhằm kỷ niệm cuộc gặp đầu tiên giữa 2 người trên chiến trường. Triết Biệt là một nhân tài quân sự hiếm có và cũng là minh chứng tuyệt vời cho thấy khả năng phát hiện và trọng dụng người tài của Thành Cát Tư Hãn.

Tướng quân Triết Biệt cùng với đội quân cung thủ Mông Cổ đã sử dụng nhiều loại cung tên khác nhau để giúp họ bắn trúng vô số mục tiêu trên chiến trường.

Đặc biệt, những mũi tên của chiến binh Mông Cổ còn khéo léo sử dụng lông chim gắn ở đuôi để bay xa hơn. Đồng thời, họ còn rất sáng tạo khì làm ra loại tên có khả năng phát ra âm thanh, đặc biệt được sử dụng nhằm khiến đối phương mất phương hướng và gây hoảng loạn.

img

Cung thủ Mông Cổ có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách rất xa ngay trên lưng ngựa. (Ảnh minh họa).

Cùng với Tốc Bất Đài, Triết Biệt đã lập được rất nhiều chiến tích và trở thành cánh tay vô cùng đắc lực của Thành Cát Tư Hãn. Ông đã góp phần không nhỏ cùng với vị khả hãn tài ba của mình lập nên được kỳ tích quân sự "vô tiền khoáng hậu" trong lịch sử. Đó chính là làm chủ một vùng lãnh thổ liền kề trải rộng khắp Á-Âu.

Năm 1225, Triết Biệt cùng Tốc Bất Đài thực hiện cuộc hành quân hướng đến vương quốc Kievan Rus - chính là nước Nga, Ukraine và Belarus ngày nay. Sau chiến dịch thắng lợi, trên đường trở về, Triết Biệt bị ốm chết tại khu vực sông Imil, vùng Tarbagatai, khi ông còn khá trẻ.

Trong tác phẩm Anh hùng xạ điêu của cố nhà văn Kim Dung, khi bộ lạc Tần Diệc Xích Ngột bị diệt, Triết Biệt được cậu bé Quách Tĩnh cứu. Sau này ông là sư phụ dạy Quách Tĩnh thuật cung tên và cách chiến đấu trên mình ngựa.