Tôi được bố trí về công tác tại bộ phận in Lito của Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, đóng trong rừng Lộc Thuận, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Căn cứ này có khoảng 30 người, gồm nhiều bộ phận cùng ở chung: Nhà in chữ chì, Nhiếp ảnh, Điện đài minh ngữ, Ghi Tốc ký, In Lito, Tổ bảo vệ cơ quan v.v…Tổ in Lito mới có hai người, Tổ trưởng là anh Sáu Tích tên thật là Đoàn Vi Đức thời chống Pháp công tác ở nhà in Nam Bộ nên có nhiều kinh nghiệm về nghề in Lito. Anh Sáu Tích có nét chữ tuyệt đẹp, cơ quan có hai họa sĩ nhưng không ai viết chữ đẹp bằng anh. Cùng với anh Sáu Tích có anh Hai Thành là sinh viên Trường Mỹ thuật Gia Định mới vào trước tôi chưa lâu. Nay thêm tôi nữa là ba người.
In Lito dùng mặt bàn đá cẩm thạch cắt ra từng miếng lớn hơn khổ giấy in làm bàn in. Phải mài mặt đá cho mịn, phơi khô mặt đá, đo vẽ bằng bút chì rồi dùng loại mực chuyên dùng có tên là sẹc-bô-nen viết chữ lên mặt đá, tất cả chữ viết, hình vẽ đều phải theo chiều ngược để in ra mới theo chiều thuận.
“Nhà in” Lito chuyên in các văn hóa phẩm có tính mỹ thuật, như tranh cổ động, bản nhạc có sóng nhạc, bìa sách…in cả mẫu giấy căn cước của chính quyền Sài Gòn để làm giấy cho cán bộ vào nội thành hoạt động nữa.
Đặc biệt “Nhà in” Lito còn in Thiệp Thơ chúc Tết của Bác Hồ mỗi khi xuân về Tết đến.
Theo đường liên lạc của điện đài, trước khi kết thúc năm Dương lịch vài ngày chúng tôi nhận được Bài thơ Chúc mừng năm mới của Bác Hồ. Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chủ trương làm Thiệp Thơ chúc Tết của Bác Hồ đặc biệt hơn các địa phương khác, làm quà tặng cho cán bộ nhân viên, trong đó có lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức đông đảo hoạt động trong nội thành.
Thiệp Thơ chúc Tết của Bác Hồ in Lito: Với kỹ thuật in thủ công bằng tay, nhưng do anh Sáu Tích có tay nghề giỏi nên từ nét chữ đến cách trình bày, nét in đều rất sắc sảo, nhìn như được in bằng máy offset trong nội thành vậy.
Thiệp thơ chúc Tết của Bác Hồ bằng giấy in ảnh: Cùng với việc in bằng Lito, anh Sáu Tích phải bố trí thời gian để viết Thơ Bác Hồ chúc Tết trên giấy cứng láng (giấy roki). Anh kẻ những đường bằng bút chì rồi viết bằng mực tàu màu đen, chữ của anh thật uyển chuyển, nét đưa lên mảnh mai nét kéo xuống to đậm cứng cáp như nét chữ in được đúc sẵn rất đẹp.
Phần việc thứ hai là anh Tư Họa (tên thật Đào Hữu Phước), anh là họa sĩ, trang trí ảnh Bác Hồ bên trái bài của thơ và viết dòng chữ Mừng xuân thắng lợi ở phía trên. Bố cục ảnh Bác và bài thơ được bố trí rất bắt mắt.
Phần việc tiếp theo là của anh Hai Hình (Dương Thanh Phong) người làm nghề nhiếp ảnh của Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, lấy máy chụp lại rồi in tráng ra hàng loạt ảnh Thiệp chúc mừng năm mới của Bác Hồ. Tấm thiệp nhỏ gọn như tấm danh thiếp, dễ cất giữ cho ai có được.
Thiệp Mừng xuân thắng lợi do ba anh sản xuất năm 1969.
Do số lượng có hạn nên Thiệp Thơ Bác Hồ chúc Tết này là “tài sản” rất quý cho người được tặng. Nhiều đơn vị dùng thiệp này làm phần thưởng thi đua tặng cho cá nhân có thành tích xuất sắc nhất.
Người chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận, người cán bộ đang làm việc ở căn cứ, người sinh viên đang đấu tranh trong nội thành…sau những giờ làm nhiệm vụ được nghỉ ngơi họ móc từ trong túi lấy ra Thiệp Thơ Bác Hồ chúc Tết ngắm ảnh Bác kính yêu, nhẫm lại mấy câu Bác dạy vào ngày xuân, lòng rộn lên niềm vui, nung nấu ý chí đấu tranh đi đến thắng lợi cuối cùng. Và đúng như lời Bác dạy:
“Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào.
Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn!”
Họ và tên: Nguyễn Xuân Ba Địa chỉ: 164/1A, đường Lê Thị Lơ, ấp Thới Tây 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM |