Dân Việt

Biển rẽ đôi để lộ con đường bí ẩn lên đảo viếng Thủy Long thần nữ

Mạnh Quân 27/01/2020 17:30 GMT+7
Thủy triều vừa rút, hàng ngàn người dân và du khách thập phương chen chân nhau tranh thủ vượt qua con đường đá gồ ghề, đầy mảnh sắc nhọn, nổi lên giữa biển để lên hòn Bà (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) viếng miếu Bà Thủy Long thần nữ.

Hòn Bà là một đảo nhỏ có diện tích khoảng 5.000m2, nằm ở Bãi Sau, TP.Vũng Tàu, cách mũi Nghinh Phong khoảng 200m. Trên hòn Bà có miếu Bà, là một ngôi miếu nhỏ thờ cúng Thủy Long thần nữ.

img

Hàng tháng, chỉ vào các ngày 14, 15, cuối tháng Âm lịch, thủy triều rút sâu mới để lộ ra con đường đá để người dân lên hòn Bà. Ảnh: Mạnh Quân

Theo dân gian lưu truyền, vào năm 1781, hương chức làng Thắng Tam đã dựng nên miếu Bà để thờ cúng Thủy Long thần nữ với mong muốn bà phù hộ cho những người làm nghề đánh cá trên biển, cầu cho mưa thuận gió hòa và quốc thái dân an.

Thời pháp thuộc chiếm đóng, một sĩ quan người Pháp tên Archinard đã bắn 3 phát đạn vào miếu nhưng chỉ có một phát trúng vào góc miếu. Không lâu sau đó, viên sĩ quan này đã bỏ mạng tại đây, do một lần bất cẩn khi dùng súng. Từ đó, thực dân pháp đặt tên cho hòn đảo là Archinard.

Năm 1971, một người dân ở Trà Vinh đến Vũng Tàu lập nghiệp, đã đứng ra quyên góp tiền của sửa chữa ngôi miếu.

img

Hầu hết người dân và du khách đi bộ ra hòn Bà khi đường đá bí ẩn nổi lên, vừa thể hiện lòng thành đến viếng miếu Bà, vừa để trải nghiệm cảm giác mới lạ trên con đường xuyên giữa biển. Ảnh: Mạnh Quân

img

Hàng ngàn người dân chen chân nhau trên con đường đá “xẻ” biển đến tham quan và viếng miếu hòn Bà đầu năm mới. Ảnh: Mạnh Quân

Sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa, miếu hòn Bà mới có màu sắc, thiết kế và dáng dấp như hiện tại. Ngôi miếu có chiều cao nổi trên mặt đất là 4m, bên dưới có một tầng hầm dài 6m, rộng 3m, trước kia từng là nơi hội họp bí mật của đồng bào yêu nước.

Trong miếu thờ bà Ngũ hành. Gian chính giữa rộng khoảng 30m2 có bàn thờ 3 cô, 7 cậu. 

img

Con đường đá “bí mật” chỉ nổi lên trong vài tiếng và sau đó sẽ bị biển vùi khuất nên người dân phải “canh” con nước để đi viếng miếu, tránh mắc kẹt lại trên đảo. Ảnh: Mạnh Quân

img

Từ chân đảo lên đến miếu Bà là những con đường quanh co, uốn lượn, được xây bậc tam cấp chắc chắn. Ảnh: Mạnh Quân

Mỗi năm, miếu hòn Bà tổ chức cúng 4 lễ dựa theo con nước, gồm các ngày rằm: tháng Giêng, tháng 4, 7 và 10 (Âm lịch).

Riêng trong tháng Giêng là tháng hành hương cúng chùa đầu năm, người dân thập phương và nhân dân trong tỉnh, nên lượng người đến viếng miếu rất đông. Từ ngày 16 - 18/10 Âm lịch, lễ hội miếu Bà rước Thủy Long thần nữ từ miếu bà về nhập điện tại đình thần Thắng Tam được tổ chức rất trang trọng.

img

Ngư dân địa phương thờ cúng Thủy Long thần nữ với mong muốn quốc thái dân an, đánh bắt thuỷ sản thuận lợi. Ảnh: Mạnh Quân

img

Một phụ nữ bán những tập giấy ghi tử vi cho người đi viếng miếu Bà. Ảnh: Mạnh Quân

Để ra được hòn Bà không dễ bởi xung quanh miếu toàn là đá, tàu ghe khó vào sát. Chỉ đợi khi thủy triều rút xuống, một con đường đá mới lộ dần ra, “xẻ” thẳng giữa biển, dẫn du khách đi bộ ra miếu hòn Bà. Hàng tháng, chỉ các ngày 14, 15, cuối tháng Âm lịch thì mới có thể đi được, bởi vào những ngày này, thủy triều rút khá sâu và lâu nên con đường đá nổi lên cao cho người hành hương đi qua miếu. Người dân khi lên miếu Bà tham quan cũng phải tranh thủ rồi nhanh chóng vào bờ, bởi chỉ vài tiếng nổi lên, con đường đá đặc biệt này sẽ bị nhấn sâu dưới nhiều mét nước biển như chưa hề xuất hiện.

img

Nhiều người dân địa phương tranh thủ khi nước rút để cạy hàu kiếm thêm thu nhập trên con đường đá “bí mật” dẫn ra hòn Bà. Ảnh: Mạnh Quân

img

Các bạn trẻ vừa đi viếng miếu Bà vừa tranh thủ “selfie” khoe ảnh đầu xuân. Ảnh: Mạnh Quân

img

Một số người cũng bẫy chim mang tới miếu Bà để bán cho du khách mua phóng sinh. Ảnh: Mạnh Quân

Hòn Bà nằm cách bờ không xa, trải qua hàng trăm năm vẫn giữ được nét hoang sơ, mộc mạc. Đường dẫn lên miếu là những bậc tam cấp quanh co, uốn lượn hữu tình. Cả hòn Bà được bao phủ bởi màu xanh của cỏ, cây dừa và hoa sứ. Đặc trưng hơn cả là con đường đá ẩn sâu dưới biển, chỉ nổi lên khi thủy triều rút để dẫn ngươi dân đến tham quan, cúng viếng.