Chợ Tết đông và rộn tiếng cười nói từ sớm tinh mơ đến quá buổi chiều. Những mặc cả đắt rẻ dường như cũng ít hơn ngày thường. Ai đó gặp người quen đi xa về giữa chợ Tết thì hồ hởi hỏi han đủ thứ, nào là “năm nay làm ăn thế nào”, “sắm Tết đến đâu rồi?”... Chợ Tết ở vùng quê ngoài những thứ từ vườn nhà thì bao giờ cũng có thêm các sạp hàng của bác thợ nhuộm, thợ đánh bóng đồ đồng, đồ nhôm.
Năm nào mẹ cũng mang theo bộ lư đồng trên bàn thờ nội để bác thợ nhuộm đánh xi lại cho sáng bóng. Người quê có nếp nghĩ Tết là mới, nhất là những thứ để cúng bái ông bà, tổ tiên. Cả năm làm lụng vất vả góp nhặt như chỉ để tiêu cho Tết vậy, mọi nhà mua sắm, sửa sang.
Cuối buổi chợ sáng ba mươi Tết chị em tôi thường được mẹ mua cho đôi dép mới. Dép nhựa màu hồng có hình nơ con bướm phía trên. Dép mới mềm dẻo, còn thơm mùi nhựa, cả ngày hôm ấy, thi thoảng tôi lại lén lấy ra để ngắm, chỉ cần một chút bụi dính vào là tôi lau cho bằng sạch, rồi lại cột kỹ mang cất để sáng mùng 1 mặc đi chơi Tết.
Ảnh minh họa.
Đêm 30, ba cho thêm củi vào bếp rồi mẹ và ba khiêng cái nồi to bự bắc lên. Mẹ chất bánh chưng vào, đỏ lửa. Năm nào mẹ cũng gói thật nhiều bánh chưng, mẹ bảo “đầu năm gạo bánh cứ phải nhiều thì cả năm mới no đủ!”. Là mẹ bảo thế, nhưng tôi biết mẹ gói nhiều bánh là vì ngày còn sống ông nội rất thích bánh chưng.
Bao giờ đêm ấy, chị em chúng tôi cũng háo hức không ngủ. Ba đứa ngồi bên bếp canh củi sắp hết thì lại cho thêm vào giúp mẹ. Em trai hơ hơ bàn tay bé xíu trên than rồi áp vào má mình cho ấm, bên bếp lửa trong cái tiết trời se lạnh cuối năm má đứa nào cũng ửng đỏ.
Tôi thích âm thanh sôi sùng sục của nồi bánh đủ lửa, ấy là lúc tôi biết chắc rằng Tết đến thật rồi, sáng mai không cần phải xé lịch, em trai cũng không cần phải đánh chéo vào những con số em kẻ trên tập vở ô ly nữa. Chúng tôi sẽ được mặc áo mới, sẽ được ăn bánh chưng với món dưa hành mẹ muối cất trên góc chạn.
Chao ơi! Cái khoảnh khắc đêm ba mươi ngồi nghĩ về ngày mai nó thiêng liêng đến lạ, chị em tôi thường đùa nhau rằng “Tết chỉ là hôm nay với mai chứ dài gì đâu mà phải đợi!”.
Tết của nhà tôi ngày ấy thường chỉ là bánh chưng, dưa hành, dăm cân thịt heo, hộp mứt gừng và chai rượu trắng để ba tiếp họ hàng. Đơn giản thế thôi nhưng rất đỗi ấm áp và thương yêu. Ấy là những ngày no đủ, sung túc nhất của chị em tôi, chẳng phải làm việc, chẳng phải học bài, chỉ mặc đồ đẹp, đi chơi, đói thì đã có bánh chưng dưa hành. Những hạt mưa xuân rắc như rây bột lên cánh mai nở rộ ngày Tết, rắc lên cả chùm bóng bay xanh đỏ đủ màu của đám trẻ con là những thước phim đẹp đẽ nhất thuở bé.
Bây giờ, khi đã lớn và có gia đình riêng của mình, những ngày cuối năm tôi cũng xuống chợ để sắm Tết, mua cặp bánh chưng đặt lên bàn thờ, chậu mai trang trí trước cửa, chai vang cho chồng tiếp khách cơ quan… và bao giờ tôi cũng mua cho con trai của mình bộ quần áo, đôi dép mới…để nhớ về thời xưa cũ tôi được mẹ mua đồ mới ngày Tết. Tết về trong sắc đào, sắc cúc, rộn ràng trong tà áo dài con trẻ…
Mọi ngỏ nhõ, con dốc, góc phố cũng như trở nên mới mẻ hơn trong ngày đầu xuân. Lòng tôi lại miên man nhớ về những cái Tết thuở bé, ngày ngồi canh nồi bánh chưng sôi sùng sục mà nôn nao nghĩ rằng “mai là Tết thật rồi!”.
Họ và tên: Trương Thị Chung Địa chỉ: 901 Trường Chinh, phường Chi Lăng, Pleiku, Gia Lai |