Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho biết: “Tôi năm nay đã 63 tuổi, cuộc đời của tôi sấm chớp, giông gió đặc biệt mưa đá vào đêm giao thừa tôi chưa thấy bao giờ. Tôi thấy nhiều người trên mạng cũng đang bàn tán về sự việc này.
Điều này khẳng định đây là thời tiết bất thường, mà sự bất thường này là bất thường của trời đất, con người không liên quan đến. Nếu có liên quan thì đó là ảnh hưởng tới nông nghiệp, trồng trọt sản xuất, chăn nuôi của người nông dân.
Hiện tượng thiên nhiên này cũng sẽ khiến nhiều người nhìn theo hai hướng, đó là tiêu cực và tích cực.
Theo chiều hướng tích cực thì trận mưa lớn này sẽ quét sạch bụi từ cây cối, nhà cửa, đường phố, và khiến không khí tan đi những quẩn bụi, bụi mịn trong khí quyển làm trong lành không khí hơn. Đặc biệt là quét sạch, tống khứ tất cả những nhiễu nhương của năm cũ và đón chào một năm mới tốt đẹp, tinh khôi hơn.
Tôi có thể khẳng định lại đây là hiện tượng thiên nhiên bất thường, mà trong đời sống như hiện nay xảy ra nhiều câu chuyện như cướp, giết, hiếp, tự tử… chúng ta hiểu theo chiều hướng tiêu cực, sự việc thiên nhiên bất thường xảy ra trước và trong đêm giao thừa là một sự cảnh tỉnh, một hồi chuông gióng lên cho chúng ta, cần nhìn lại những việc mình làm. Chúng ta cần sống hoà đồng và thuận theo tự nhiên, đừng nên làm điều gì thất đức, sai trái giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên.
Sẽ có một số người phấp phỏng trong năm Canh Tý xem điềm trời sẽ ứng như thế nào. Phẩm phỏng chờ đợi cả điều tốt và điều xấu.
Nên nhớ rằng năm Canh Tý là năm mở đầu của một khoa giáp mới, năm Kỷ Hợi là năm kết thúc một vòng quay của khoa giáp. Nên sẽ không khỏi khiến người dân phấp phỏng.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ thì cho hay, vừa qua người dân xôn xao sự việc đêm giao thừa Canh Tý xảy ra hiện tượng mưa giông, sấm chớp, thậm chí có nơi mưa đá. Sự bất thường xảy ra đã gây nên trong dư luận một số người hoang mang, e ngại. Dư luận vài người nhìn điều xảy ra gắn với cái nhìn thiên tính tâm linh, cho rằng đây là điềm báo, một sự bất thường nào đó sẽ xảy ra. Đã sống già dài cuộc đời, thì thấy đây là chuyện hết sức bình thường của sự bất thường chuyển vận thời tiết. Sở dĩ tôi nói vậy, vì năm tôi còn nhỏ, vào khoảng 1959 hay 1960, tôi đã từng chứng kiến mưa giông, sấm chớp cũng vào trước và đêm giao thừa.
Tôi còn nhớ, chiều 30 tôi đi cùng mợ (mẹ) tôi ra chợ Đồng Xuân sắm sửa nốt Tết. Chiều sẩm năm ấy, đột ngột mưa to tới nỗi chân ngập nước ướt sũng đôi giầy tôi đi. Ngồi trên xe xích-lô đã khép bạt mà mưa gió cứ sầm sập.Trận mưa đó rất to đến tận gần sáng mồng một mới tạnh. Mưa và sấm sét đùng đoàng rung cả cửa kính. Sáng rực soi tỏ cả nhà quàn khu Nguyễn Công Trứ nơi trước kia là Nghĩa địa Tây trắng.
Cũng có nhiều người khi ấy e ngại mang tính tâm linh, sợ thế này, thế kia, nhưng sau trận mưa giông, sấm chớp năm đó thì nông nghiệp vẫn rất phát triển. Nhờ no nước, nông dân năm đó và mấy năm sau đều được mùa. Chả thế mà chúng ta mới có câu được nhắc như một khẩu hiệu: “Chào 61 đỉnh cao muôn trượng!” của nhà thơ Tố Hữu.
Tôi nghĩ, chúng ta không nên vội vã suy luận, gắn một sự khác thường trong quy luật thiên nhiên theo chiều hướng tiêu cực, võ đoán, lại áp đặt diễn biến thời tiết bất thường toàn cầu với tình hình chính trị gần đây trong một khu vực nước ta là điều vội vã. Nước Việt cũng là một khoảng rất nhỏ trong vũ trụ, mà thời tiết toàn cầu ở khối thiên hà riêng hệ mặt trời này, sự tháy đổi, xáo động nào có kiêng dè một nước nào?
Hiện nay diễn biến thiên nhiên không ổn định. Sự không ổn định theo những quy luật bốn mùa không riêng gì nước mình, mà hiện tượng thiên nhiên thay đổi, thiên tai diễn ra ở các nước trên thế giới, mang tính toàn cầu. Thiên tai lũ lụt, động đất, sóng thần, bão quét… xảy ra khắp trên các châu lục. Ví dụ như ở nước Đức thời tiết vào tháng Tư thông thường là tháng chấm dứt tuyết rơi thế nhưng có những năm tuyết rơi như bão tới tận tháng năm.
Và nhìn theo góc độ khoa học, trái đất đang dần bị ảnh hưởng bởi tác động từ con người. Trái đất đang nóng dần lên bởi hiệu ứng nhà kính, quá trình công nghiệp hoá, rừng bị tàn phá dẫn tới các tảng băng ở Bắc cực có lúc tan, nước dềnh cao lên ở khắp nơi. Chính vì vậy, thời tiết đang ngày một khắc nghiệt và ảnh hưởng trực tiếp tới ngành nông nghiệp, tới bà con nông dân.
Tôi nghĩ đó sẽ là điều lo ngại, thiết thực cho đời sống bà con nông dân hơn là suy nghĩ theo chiều hướng tâm linh, theo chiều hướng tiêu cực, võ đoán thiếu cơ sở khoa học và cả lịch sử bản đồ thời tiết ngàn năm qua, khiến người dân hoang mang, gây náo loạn, bất an cho người dân, ảnh hưởng tới vận mệnh của đất nước đó sẽ là điều có tội với dân tộc.
Tôi cho đó là nghĩa vụ của những người làm chính trị, những tri thức cần phải làm. Còn nhìn theo chiều hướng tích cực thì trận mưa vừa rồi đã mang lại lượng nước rất lớn cho các thuỷ điện của chúng ta khi mà một số thuỷ điện đang thiếu nước thì trận mưa vừa rồi sẽ lại cung cấp cho các thuỷ điện nhiều nước hơn để đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt cho người dân, cho nông nghiệp.