Đã từ lâu, đó luôn là câu khấn đầu tiên vang lên như một thứ bản năng thiêng liêng mà ai đó đã đặt để vào trong tâm trí tôi mỗi khi đi lễ chùa ngày Tết.
Tết của nhiều năm về trước, Hà Nội lạnh, có mưa phùn lất phất đặc trưng mỗi độ xuân về. Nó sẽ là một không khí thật tuyệt vời nếu gia đình tôi không có người nằm phòng cấp cứu trong bệnh viện, những người thân phải thay nhau vào trông nom.
Tết trong bệnh viện, thời gian trôi thật chậm, đặc biệt là vào ban đêm. Những tiếng tiếng “tít tít” của máy móc đếm từng hồi đều đặn, những đường điện tâm đồ chạy lên xuống cứ lê thê, mịt mờ, vô định. Có những lúc ý niệm về không gian, thời gian biến mất, người ta suy nghĩ nhiều hơn về nhân tình thế thái, về số phận, về cuộc đời,… Có lẽ, những ai đã từng đón Tết trong phòng cấp cứu bệnh viện mới có thể thấu hiểu được phần nào thứ cảm xúc đan xen lạ thường đó.
Tết sum vầy, bình an bên gia đình, người thân là mong ước với bất cứ ai. Ảnh minh họa
Tết năm đó có lẽ là cái Tết mà tôi phải chứng kiến người ta khóc nhiều nhất. Có người mẹ già chăm con bị hôn mê do chấn thương sọ não nằm giường bên. Anh thanh niên vẫn còn trẻ lắm. Có lẽ vì tuổi già nên không còn minh mẫn, thỉnh hoảng bà lại ghé vào tai con: “Tỉnh đi rồi về ăn tết nhá”… Nhưng có những lúc như chợt nhận ra hiện tại, những giọt nước mắt nghẹn ngào lại len ngấm vào từng nếp nhăn khắc khổ một cách lặng lẽ. Trong một phút giây nào đó, tôi chợt giật mình: “Nếu mình nằm đó thì sao?”.
Lại có một người mẹ khác ở góc phòng cấp cứu. Nhưng lần này những giọt nước mắt tuôn ra không dừng được, những tiếng nấc quặn thắt như những nhát dao cứa vào tim. Cậu trai trẻ ấy mới học lớp 12, đang phơi quần áo thì bị trượt chân ngã từ tầng 3 xuống.
Hôm ấy là ngày cậu ra đi mãi mãi. Tiếng khóc thương của người thân át cả những tiếng máy móc. Nhưng tôi thì câm lặng tưởng tượng người nằm đó là mình, là người thân của mình. Sự sống đôi khi mong manh đến mức người ta bị cướp đi một cách bất ngờ mà chẳng thể làm gì được. Nỗi đau bệnh tật, nỗi đau chia cách âm dương là nỗi đau mà ai cũng nên sẻ chia, đồng cảm.
Đêm những ngày Tết ở bệnh viện, tôi chứng kiến những linh hồn bay về trời. Ngoài kia, người ta đang hối hả đi chơi Tết, nhưng trong này có những người đang giành giật sự sống, đang lo lắng, đang khóc thương và có cả những bác sĩ đang cứu người. Giá như không có Tết thì người ta cũng không thấy tủi thân đến vậy. Dường như, với những người trong bệnh viện, Tết là một thứ xúc tác nào đó khiến cho nỗi buồn càng dâng lên, khiến cho nỗi đau càng thêm quặn thắt. Và có lẽ vì vậy, sự thấu cảm, sẻ chia lại càng trở nên quan trọng.
Tết 2020, ở một nơi cách chúng ta không xa, người ta đang vô cùng lo lắng trước những nguy cơ của một cuộc khủng hoảng nhân loại. Kỳ nghỉ Tết ở Trung Quốc được kéo dài ra như một biện pháp đối phó. Người dân ở Hồ Bắc, Trung Quốc đang vật lộn với những nỗi đau ghê gớm của dịch bệnh mới. Rất nhiều người đang đón Tết trong bệnh viện. Với họ niềm vui Tết là một điều xa xỉ, tình thương giữa người với người có lẽ là thứ họ cần hơn bao giờ hết vào lúc này.
Báo chí đưa tin, rất nhiều bác sĩ, y tá đang tình nguyện lao mình vào tâm dịch để cứu chữa cho người bệnh, đã có bác sĩ kiệt sức và qua đời vì cơn đau tim trong khi chăm sóc bệnh nhân, có những y tá mang thai 7 tháng vẫn đi làm đều đặn, có những nhân viên mặc nguyên đồ bảo hộ y tế ngủ ngồi trên ghế làm việc… Điều mà người ta thấy được là những giá trị vượt lên trên lợi ích cá nhân, là sự nỗ lực hết mình vì lợi ích của cộng đồng; là tinh thần đoàn kết mà bất cứ dân tộc nào cũng cần phải có.
Và vì lẽ đó, có lẽ bên cạnh sự thắt chặt an ninh, sự cẩn trọng bảo vệ mình thì việc hỗ trợ chia sẻ thông tin và đồng cảm với những người đang bị nhiễm bệnh là điều chúng ta nên làm lúc này hơn là nghe theo những phần tử cực đoan, lôi kéo, hô hào đòi đóng cửa biên giới.
Tết này, tôi sẽ lại đi chùa, tôi không cầu những thứ cho bản thân mình, tôi cầu may mắn cho những người đang mắc bệnh, cầu sức khoẻ, bình an cho những bác sĩ, y tá đang làm việc hết mình vì nhân loại.