Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người Mông lại có tục cho các dụng cụ lao động trong gia đình nghỉ ngơi bằng cách dán các mẩu giấy trắng thủ công do mình làm ra lên chính những dụng cụ lao động đó. Để tìm hiểu phong tục lạ này, chúng tôi tìm đến gia đình chị Vừ Thị Xinh ở bản Cửa Rừng, xã Co Mạ (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La).
Trước khi làm các nghi lễ đón Tết, vợ chồng chị Xinh dậy từ lúc 4h sáng rửa sạch các dụng cụ lao động và cắt từng mẩu giấy để dán lên chúng.
Bên bếp lửa hồng, trò chuyện với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, chị Xinh bảo: Việc dán các mẩu giấy trắng lên các dụng cụ lao động, như: Cuốc, dao, xẻng, thuổng... và cho chúng nghỉ ngơi trong ngày Tết đã có từ rất lâu. Điều này thể hiện sự biết ơn các công cụ lao động vì đã giúp người Mông khai phá được nương, ruộng sản xuất ra hạt gạo, bắp ngô, củ sắn... nuôi sống chúng tôi, nuôi sống được con lợn, con gà... giúp bà con có đươc cuộc sống ấm no như hôm nay.
Loại giấy để dán lên dụng cụ lao động được chính gia đình chị xinh tự tay làm ra.
Theo chị Xinh, người Mông quan niệm, sau một năm làm lụng vất vả cùng với con người, đến Tết người được nghỉ ngơi thì các công cụ lao động cũng phải được nghỉ ngơi để hồi lại sức. Bước sang năm mới, cùng với con người khai phá được nhiều diện tích đất đồi để canh tác tạo ra các sản phẩm nông sản cho năng suất cao hơn năm cũ.
Chị Xinh phải làm lễ trước khi dán lên giấy lên các cung cụ lao động trong gia đình.
Phong tục dán giấy lên công cụ lao động trong ngày Tết không chỉ có ở các bản Mông trên địa bàn xã Co Mạ, mà ở các xã giáp ranh có người Mông sinh sống đều có phong tục này.
Dụng cụ lao động giúp người Mông tạo ra lương thực, thực phẩm nuôi sống gia đình nên trong ngày Tết, họ thể hiện sự trân quý bằng cách dán các mẩu giấy lên các dụng cụ này và cho chúng nghỉ ngơi như con người.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Vừ A Dua - Chủ tịch UBND xã Co Tòng (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), cho biết: Từ thời xa xưa, người Mông chỉ thích ở trên núi cao. Nơi nào cao nhất, khó khăn nhất thì nơi đó có người Mông sinh sống.
Bởi vậy, để canh tác được trên địa hình đồi núi dốc, các cung cụ lao động như: Cuốc, dao quắm, xẻng là những phương tiện sản xuất rất hữu ích, tạo ra được lương thực, thực phẩm nuôi sống người dân nên việc cha ông duy trì phong tục cho công cụ lao động nghỉ ngơi trong ngày Tết là hoàn toàn có cơ sở.
Lần lượt xẻng, cuốc, xà beng, rìu, dao.... được chị Xinh dán các mẩu giấy lên.
Có thể nói, phong tục dán giấy lên cung cụ lao động để chúng được nghỉ Tết như con người của đồng bào Mông mang ý nghĩa rất thiết thực. Qua phong tục này, đã phần nào làm phong phú thêm bẳn sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Mông nơi miền sơn cước.